Thương xót thảm cảnh quá tải tại bệnh viện Nhi

Tùy Phong - VietPress

Photo from Tran Phong (NTD)
Photo from Tran Phong (NTD)
- Quảng Cáo -
T hời gian qua, các Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 ở khu vực TP.HCM đang trong tình trạng quá tải vì lượng bệnh nhân đến khám và nhập viện dày đặc.

Nhiều bệnh nhi và phụ huynh phải nằm, sinh hoạt tại hành lang bệnh viện, đặc biệt là ở các khoa Nhiễm và khoa Hô Hấp. Tại bệnh viện Nhi Đồng 2, các bác sĩ còn tỏ ra coi thường người bệnh, Giám đốc Hà Mạnh Tuấn thì suốt ngày chỉ biết họp và họp.

Theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng quá tải trên có hai nguyên nhân: Dịch sốt xuất huyết đang lan rộng nên số lượng bệnh nhân nhập viện tăng cao. Nguyên nhân thứ hai là cơ sở vật chất của bệnh viện chưa đáp ứng đủ nhu cầu khám và điều trị bệnh của người dân.

Bệnh viện (BV) quá tải do bệnh nhân sốt xuất huyết

Theo báo cáo của các BV, trong hai tháng 9 và 10, tình trạng quá tải bệnh nhân tăng cao so với các thời điểm trước đó. Trung bình mỗi ngày BV tiếp nhận gần 10.000 bệnh nhi đến khám và điều trị trong khi bình thường chỉ từ 4.000-5.000 bệnh nhi. Phần lớn lượng bệnh nhi này đều được chuyển từ các BV tuyến tỉnh, huyện đưa về trong tình trạng bệnh trở nặng, Nhi Đồng 2 có 6 ca tử vong, cũng chủ yếu rơi vào bệnh nhi tuyến tỉnh.

- Quảng Cáo -

Bệnh nhi khi đến khám, nếu tình trạng bệnh nặng sẽ được cho nhập viện điều trị, những trường hợp bệnh nhẹ hoặc không nghiêm trọng sẽ được cấp thuốc và cho điều trị tại nhà. Trong trường hợp bệnh nhân nhập viện quá đông thì những bệnh nhân nặng sẽ được ưu tiên ở trong phòng, những bệnh nhi nhẹ hơn sẽ được sắp xếp nằm tạm giường ở hành lang chờ giường bệnh, phụ huynh chăm con đều tập trung ở hành lang gây nên tình trạng chen chúc nhau. Điều đáng nói là một số phụ huynh ở xa có con bị bệnh nhẹ nhưng vẫn không chịu điều trị ở các BV tuyến tỉnh mà đưa con vào BV Nhi Đồng 2, chấp nhận nằm hành lang điều trị.

Anh Trí Minh, ở Trảng Bom, Đồng Nai chia sẻ: “Gia đình có bé trai 3 tuổi bị sốt xuất huyết, dù ở tỉnh có BV nhưng vợ chồng tôi vẫn muốn đưa cháu lên BV Nhi Đồng ở TP.HCM để khám và điều trị cho an toàn. Mình có đứa con, lỡ có mệnh hệ nào gia đình sao sống nổi. Bác sĩ ở đây dù sao vẫn giỏi hơn nơi khác”. Đó cũng là tâm lý chung của rất nhiều vị phụ huynh có con bị bệnh. Trong quan niệm của họ, các y bác sĩ BV tuyến trên bao giờ cũng giỏi hơn các BV tuyến dưới.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, từ đầu năm đến nay, thành phố có 10.624 ca mắc sốt xuất huyết tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại thành phố có 5 trường hợp tử vong, đặc biệt trong 5 ca tử vong đã có 3 ca là người lớn.

Cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu của bệnh nhân

Do lượng bệnh nhi quá đông, mà phòng khám ở hai BV Nhi không đủ nên BV Nhi Đồng 1 đã phải kê thêm bàn khám, thực hiện khám cả giờ nghỉ, kê thêm giường ở hành lang… BV Nhi Đồng 2 thực hiện khám sàng lọc ngay tại khoa khám bệnh, chỉ những bệnh nhi nào cần thiết mới nhập viện tuy nhiên vẫn không thể nào giải quyết hết tình trạng quá tải. Ở một số phòng bệnh vào những lúc cao điểm, 5 bệnh nhi phải chia nhau 2 giường bệnh được kê sát nhau. Chưa kể ở các góc hành lang, phụ huynh căng màn, quạt cho các bệnh nhi ở các giường bệnh bên ngoài. Vào những giờ trưa, thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao, các bệnh nhi bên ngoài đều trong tình trạng bơ phờ, mệt mỏi vì bệnh. Hơn nữa, cứ một bệnh nhi nằm viện thì có đến 2, 3 người nhà đi theo để chăm sóc làm tăng số lượng người ở hành lang, gây nên tình trạng lộn xộn, quá tải. Hiện BV Nhi Đồng 1 có khoảng 1.400 giường bệnh thực kê trong khi con số bệnh nhân đã vượt quá 2.000. Số bệnh nhân dư sẽ được sắp xếp ở các giường bệnh hành lang để điều trị.

Nhằm giải quyết tình trạng quá tải trước mắt, TS-BS Nguyễn Thành Hùng, Giám đốc BV Nhi Đồng 1 cho biết BV sẽ tiến hành che chắn các hành lang để tránh tác động từ bên ngoài đến các bệnh nhi ở đây. Mặt khác tuyên truyền, hỗ trợ, thuyết phục người nhà bệnh nhi có con bệnh nhẹ hoặc không nguy hiểm đưa con về điều trị ở các BV tuyến tỉnh. Mặt khác, cần ngăn chặn và xử lý nguốn gốc gây nên tình trạng quá tải là dịch sốt xuất huyết để giảm số lượng bệnh nhân.

Theo PGS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, để thực hiện giải pháp giảm tải, thành phố đã và đang tiếp tục nâng cấp các BV tuyến quận – huyện và hoàn thiện dự án xây dựng các BV mới như: BV Nhi Đồng TP, BV Ung bướu, BV Gò Vấp, BV Bình Chánh. Ngoài ra, Sở Y tế cũng đề xuất Bộ Y tế xem xét việc nâng cấp 2 BV Nhân dân Gia Định và Nhân dân 115 thành BV tuyến cuối.

Lãnh đạo Bệnh viện Nhi Đồng 2 “nhiệt tình” với họp hành

Ngoài ra, trong một lần nhập vai làm người nhà bệnh nhân đến bệnh viện Nhi Đồng 2, ngoài việc PV chứng kiến thảm cảnh đau xót trẻ em nằm la liệt dưới sàn nhà, còn việc đau lòng hơn chính là thái độ của các bác sĩ tại đây. Cụ thể, khi phóng viên xin 5 phút được gặp Bác sĩ Nguyễn Trần Nam (Phó Khoa Nhiễm) thì bị vị bác sĩ này bắt ngồi chờ 30 phút để tiếp đoàn kiểm tra của cấp trên, sau hơn 30 phút chờ đợi, vị bác sĩ này dù đang rảnh rỗi vẫn từ chối tiếp người nhà bệnh nhân và mắng “sa sả” vào mặt phóng viên (Bác sĩ Trần Nam tưởng phóng viên là người nhà bệnh nhân – PV).

Phóng viên thử gọi điện thoại cho Bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng Khoa Nhiễm thì máy reng chuông không trả lời, phóng viên tìm xuống văn phòng Khoa Nhiễm thì được biết Bác sĩ Việt cũng đang đi tiếp đoàn kiểm tra, không có thời gian tiếp người nhà bệnh nhân. Tiếp tục hành trình gian nan, phóng viên liên lạc ông Hà Mạnh Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 thì cũng không liên lạc được.

Nhắn tin cho vị lãnh đạo bận rộn này thì nhận được phản hồi: “Có gì Anh vui lòng nhắn tin. Tôi đang họp”. Sau tin nhắn này, phóng viên nhắn nhiều tin nhắn nhưng cũng gặp sự im bặt. Hình như ở bệnh viện này, các nhà lãnh đạo tài ba chỉ biết đi họp và tiếp phái đoàn cấp trên, bỏ mặc cho hàng trăm trẻ em và cha mẹ mòn mỏi đợi chờ trong vô vọng.

Báo Người Tiêu Dùng sẽ tiếp tục phản ánh về trách nhiệm của Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 trong các số báo tiếp theo
Theo Tùy Phong – Gia Gia – Ảnh: Trần Phong (NTD)

- Quảng Cáo -

3 CÁC GÓP Ý

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here