Dù thế nào, cũng không thể bóp nát những cuộc đời của dân nghèo để xây lên đó những lâu đài. Những đổi thay hình dạng đó chỉ chứng tỏ sự tàn bạo và ngu dốt của kẻ học đòi văn minh.
10 ngày xuống đường của hàng trăm gia đình ngư dân ở Sầm Sơn, Thanh Hóa, có vẻ như kết thúc êm thấm. Thông tin phát đi cho thấy ông Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến, đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, khi tuyên bố không có chuyện di dời, cấm đoán gì cả.
Cuộc đối thoại vào ngày 7.3 thật căng thẳng. Dân chúng cuối buổi cũng có vẻ hài lòng, vỗ tay, cười. Và ông Chiến cũng cười rất tươi, dù chung quanh hội trường Trung tâm bồi dưỡng thanh thiếu niên thị xã Sầm Sơn đông đặc lực lượng cảnh sát cơ động và xe cứu thương. Cuộc đối thoại với vài trăm người dân, đại diện cho khoảng 4.000 người sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu chính sách di dời dân chúng, cấm cửa đánh bắt được thi hành, nhằm phục vụ cho lợi ích của tập đoàn FLC.
Thông qua cuộc đối thoại, người ta nhìn thấy một điều rất quan trọng: dân chúng ở đây bị đặt vào thế đã rồi. Một khi dự án khởi động, các hợp đồng bồi thường được dúi vào tay họ, thì người dân ở đây mới giật mình hay bãi biển ngàn đời tưởng của cha ông, của đất nước Việt Nam, phút chốc trở thành pháo đài của một thương vụ.
Không hề có một cuộc thăm dò, hay tệ lắm là một cuộc đối thoại tương tự mà tỉnh Thanh Hóa vừa làm vào sáng 7.3 để hỏi han xem việc “phát triển” ấy, có ảnh hưởng gì đến cuộc sống của người dân hay không. Ngay trong lúc đối mặt với chính quyền tỉnh Thanh Hóa, người dân đã yêu cầu công khai dự án quy hoạch để họ được biết số phận của mình. Ấy nhưng, lời đề nghị đó đã bị làm lơ. Không ai đáp trả.
Trong những ngày người già, trẻ nhỏ… ở Sầm Sơn xuống đường. Tôi cũng đọc được những dòng biện hộ cho việc làm của tỉnh Thanh Hóa và FLC rằng “thà một lần đau” để vùng đất đó phát triển. Việc ấn tiền vào tay từng gia đình để họ cam kết lìa bỏ cuộc sống mưu sinh hàng ngày của họ, được coi là một bước tiến “văn minh cần thiết”. Ngay trong buổi đối thoại đó, bà Nguyễn Thị Toàn – ngụ tại phường Trung Sơn đã trả lời thay tất cả: “Cha ông chúng tôi bao đời đi biển, sống nhờ vào biển. Chúng tôi sản xuất nhỏ thì mưu sinh nhỏ, ai có trí tuệ lớn làm lớn. Tạo điều kiện cho dân sống, lãnh đạo làm việc phải vì dân”.
Không phải ai cũng hài lòng với cuộc sống vụn vặt và nghèo khó dọc theo chiều dài biển của Việt Nam, khi có giấc mơ về tương lai. Nhưng dù như thế nào, cũng không thể bóp nát những cuộc đời của dân nghèo để xây lên đó những lâu đài. Những đổi thay hình dạng đó chỉ chứng tỏ sự tàn bạo và ngu dốt của kẻ học đòi văn minh.
Có cái gì đó không thuyết phục trong ngôn ngữ của ông Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến, khi nói với ngư dân là không có chuyện di dời nữa. Mọi người cứ tự nhiên làm ăn. Nhưng ông lại nói thêm là “bà con nào đồng ý di dời thì nhận tiền bồi thường trước ngày 15.4. Thứ hai, bà con nào chưa đồng ý thì cứ làm bình thường như lâu nay, cứ đi thuyền, cứ khai thác”. Có cái gì đó thật bất thường ở đây, khi mọi thứ vẫn được giữ nguyên, nhưng lại nhắc thêm nhớ đi nhận tiền bồi thường để ngừng đi biển. Đó là chưa nói, trước đó, ông Chiến mở lời nói rằng: “Nhiều bà con muốn nhận tiền nhưng do một bộ phận lôi kéo nên chưa nhận tiền”. Lập tức những tiếng la ó phản đối rộ lên, khiến ông Chiến phải nói lại.
Cuộc đối thoại ngày 7.3 của chính quyền tỉnh Thanh Hóa dường như là một kết thúc tạm. Một cách đóng màn nhanh để kết thúc chương hồi căng thẳng nhất, mà hành động cứng rắn nhiều ngày qua của những người lãnh đạo đã sa lầy. Nhưng vẫn còn đó chuyện khởi tố những người xuống đường bày tỏ nguyện vọng của mình. Dự án quy hoạch đó vẫn treo lơ lửng chứ chưa có một văn bản nào chính thức giải quyết tận gốc cho cuộc khủng hoảng.
Ai sẽ bị khởi tố? Ai sẽ bị phạt hành chính và ai sẽ ngồi tù? Đừng quên cao trào của sự kiện diễn ra, những người lãnh đạo của tỉnh Thanh Hóa cũng phải gánh trách nhiệm đủ về những giải pháp sai lầm của họ đưa ra trước đám đông dân chúng. Tại sao các quan chức lãnh đạo – là nguyên nhân chính của việc dấy nên sự hỗn loạn đó – lại chỉ kiểm điểm, cười xòa, làm hòa… trong khi những người dân thấp cổ bé miệng với ước muốn chính đáng của mình thì phải bị kết án?
Ông Chiến nói bà con ngư dân cứ yên tâm vì ông đã rà soát hết, và xác nhận không có văn bản nào buộc phải di dời bãi biển cả, nên bà con cứ hợp pháp giữ nguyên tình trạng mưu sinh. Nhưng ông Chiến không nói là ai-quan chức nào-nhóm lợi ích nào đã vượt qua tất cả các văn bản để đến từng nhà, ép và đánh dân chúng nhận tiền bồi thường và tránh xa vùng kinh tế đã được “nhắm đến” đó?
Rất nhiều người dân cho biết trong những ngày xung đột, có những người mặc thường phục đánh bà con ngư dân, đe dọa. Người đi đòi giá trị sinh tồn của mình thì sẽ bị khởi tố, còn những kẻ nặc danh đó, vì sao công an Thanh Hóa không tổ chức truy tìm, khởi tố chúng?
Và khi một Đảng ủy của một tỉnh – là nơi tập trung quyền lực cao nhất của địa phương – không làm tròn trách nhiệm của mình, để xảy ra xung đột lớn giữa người dân và chính quyền, nhập nhằng trong cách giải thích vụ việc thì trách nhiệm của họ đến đâu?
Leave a Comment