Quảng Cáo

Hỏa tiễn Trung Quốc trên Biển Đông và hệ quả cho Việt Nam

Hình vệ tinh cho thấy Trung Quốc đặt hỏa tiễn phòng không HQ-9 trên đảo Phú Lâm (Ảnh: Stratfor)

Quảng Cáo

Thế giới lại lần nữa chú ý đến Biển Đông khi được tin Trung Quốc đã đặt hỏa tiễn phòng không HQ-9 trên đảo Phú Lâm (Woody). Tin tình báo Hoa Kỳ đã xác nhận sự có mặt của các giàn hỏa tiễn này, và ảnh vệ tinh của đảo Phú Lâm cho thấy không có hỏa tiễn hồi đầu tháng. Bộ trưởng Ngoại giao Wang Yi đã vuốt nhẹ các mối quan tâm này khi bảo là Trung Quốc chỉ đặt các phương tiện tự vệ giới hạn trên một số đảo. Ngoài ra, cuối năm ngoái Chủ tịch Tập Cận Bình trấn an thế giới là Trung Quốc không có ý định quân sự hóa các đảo trong Biển Đông.

Dĩ nhiên là những tuyên bố này không làm cho các nước láng giềng của Trung Quốc an tâm chút nào. Hệ thống hỏa tiễn di động HQ-9 đời thứ tư có tầm hoạt động xa hơn 125 cây số. Điều này sẽ gây phức tạp cho các hoạt động không quân của các quốc gia tranh chấp và các quốc gia khác hoạt động trong vùng như Hoa Kỳ và Úc. Có nghĩa là Trung Quốc bây giờ có khả năng cân bằng lực lượng, giúp họ có lợi thế trong việc điều động và thu thập tình báo, củng cố thêm vị trí trên đảo Phú Lâm. Người ta cũng dự đoán là Trung Quốc sẽ triển khai tương tự trên các đảo khác trong Biển Đông.

Hỏa tiễn K-300P Bastion

Hệ thống hỏa tiễn mới trong vùng không phải là điểm đặc thù riêng của Trung Quốc. Việt Nam cũng liên tục nâng cấp hệ thống hỏa tiễn phòng thủ của mình, mua hai khẩu đội hỏa tiễn K-300P Bastion của Nga vào năm 2011 và thêm hai khẩu đội hệ thống hỏa tiễn phòng không tầm xa S-300 PMU-2 vào năm 2012. Vào năm 2014, Việt Nam nâng cấp cả hai hệ thống hỏa tiễn phòng không tầm ngắn và hệ thống hỏa tiễn ven biển. Ngoài ra, quân đội Việt Nam cũng đang nỗ lực cải thiện hệ thống rađa giám sát ven biển kể từ 2013 và thành công trong việc chế tạo máy bay không người lái (drone) vào năm 2013.

Vấn đề với khuôn khổ hiện thời của các giàn hỏa tiễn và hệ thống giám sát của Việt Nam không phải là tầm hoạt động hoặc sự hữu hiệu. Thật vậy, nội sự hiện diện của các vũ khí này đủ làm một lớp vỏ bọc phòng thủ mà các lực lượng khác phải xuyên thủng nếu có ý định tấn công Việt Nam. Vấn đề ở đây là các hệ thống này được đặt trên đất liền để bảo vệ địa phận và Việt Nam chưa chứng minh cho thấy khả năng triển khai chúng trong vùng.

Nếu có xung đột xảy ra trên Biển Đông, Hà Nội sẽ sớm thấy các căn cứ quân sự trên Biển Đông dễ bị tấn công và có nguy cơ không được tiếp tế. Như hai tác giả Ngô Minh Trí và Koh Swee Lean Collin đã gợi ý, khả năng làm chủ trên mặt biển là điểm cơ bản giúp Trung Quốc thắng trận Hoàng Sa vào năm 1974. Cần phải rút tỉa kinh nghiệm từ vụ này để tránh thua thiệt nếu có xung đột xảy ra. Có lãnh thổ là một chuyện, có giữ được hay không là một thách đố khác.

Tàu ngầm mua lại từ Nga (Ảnh: NLD)

Quân đội Việt Nam đã có nhiều nỗ lực lớn để hiện đại hóa lực lượng, bao gồm có tàu ngầm, chiến hạm và chiến đấu cơ mới. Nhưng nếu không có khả năng tiếp vận chiến lược trên biển, bất cứ lực lượng bộ binh nào cũng bị trói tay và dễ bị tấn công trong trận chiến, như đã thấy vào năm 1974. Hiện thời bộ phận thủy bộ chính của quân đội Việt Nam chỉ là những chiếc tàu đổ bộ cũ kỹ của Hoa Kỳ để lại và của thời Liên Sô đang được sửa chữa tuy có cố gắng để chế tạo các tàu đổ bộ tự chế.

Nam Nguyen tốt nghiệp Đại Học New South Wales và Học Viện Quốc Phòng Úc. Ông hiện là sĩ quan chiến tranh của Hải Quân Hoàng Gia Úc và là tác giả nhiều bài viết về quân sự và chiến lược. Quan điểm trong bài viết là của riêng ông.

Hoàng Thuyên lược dịch
Theo The Diplomat – 24/02/2016

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux