VNN. Sức mạnh để một cộng đồng, một xã hội trở nên tốt đẹp hơn sẽ không đến từ những đám đông kích động, cuồng nộ, mà phải từ bản lĩnh giữ được vẹn nguyên giá trị con người cao đẹp trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Từ số đông cuồng nộ
Một nữ tử tù có thai trong lúc chờ thi hành án và theo pháp luật, án tử hình sẽ bị hủy, chuyển thành án chung thân. Tôi sẽ không ngạc nhiên và cố gắng tưởng tượng cách nữ tử tù này làm sao để có thai trong phòng biệt giam. Tôi ngạc nhiên bởi cách mà chúng ta đang phản ứng với vấn đề này, từ báo chí đến số đông trên mạng xã hội.
Một vài báo mạng giật tít đầy thất vọng: “Vụ tử tù mang thai: không tử hình được nữa?”. Đầy rẫy những comment (bình luận) khắp nơi phân tích luật để tìm cách thi hành án tử hình. Nhiều người đòi sửa luật để 36 tháng sau khi sinh con tử hình người mẹ, một số còn đòi đưa bố đứa trẻ ra tử hình thay (?!!!).
Nhìn ra rộng hơn, còn rất nhiều vụ “án điểm” được chúng ta đưa ra xét xử lưu động với hàng nghìn người ngồi theo dõi. Pha kịch tính nhất của phiên toàn sẽ là tuyên án tử hình và cùng nhau vỗ tay. Chung thân hay 30 năm tù không bao giờ là đủ ấn tượng với số đông trốn việc đi xem xét xử lưu động. Và tối hôm đó, báo chí có thể sẽ đưa tin, rằng, mức án mà tòa đưa ra là hợp lý, là phù hợp với sự phẫn nộ của nhân dân đối với hành vi của tên tội phạm.
Chúng ta gọi tư duy và hành động như vậy là nhân danh công lý. Nhưng dường như công lý theo cách đó càng được thực thi, xã hội của chúng ta lại càng trở nên bất ổn và dễ bị kích động?
Năm 2011, Anders Behring Breivik đã gây ra vụ thảm sát đẫm máu nhất lịch sử Na Uy, cướp đi sinh mạng của 92 con người. Y bị tuyên án tù 21 năm trong một phiên xử kín.
Đến một dân tộc đủ mạnh mẽ.
Điều đáng lưu tâm không phải là bản án kia, mà là cách mà dân tộc Na Uy phản ứng lại với cái ác. Không có đám đông cuồng nộ nào đòi đưa tên sát thủ ra hành quyết, không một thông điệp thù hằn nào được đưa ra. 150.000 người, trong đó có rất nhiều trẻ em, đã mang hoa hồng đến, đứng sát bên nhau và cùng chia sẻ nỗi mất mát của cộng đồng trong một lễ truy điệu xúc động.
Mặc dù, tên sát thủ sau khi bị bắt đã tìm mọi cách để kích động đám đông: đưa tay chào kiểu phát xít, cười thách thức hoặc tuyên bố tái diễn tội ác nếu có cơ hội. Một luật sư, dù đã có lúc đắn đo, chấp nhận bào chữa cho tên sát nhân, bởi: “dù trong hoàn cảnh nào, cũng không thể phá vỡ những nguyên tắc pháp luật đã phục vụ nhân dân được”.
Tại bài diễn văn tại lễ truy điệu, ngài Jens Stoltenberg, Thủ tướng Na Uy lúc đó đã nói : “…trong thời điểm bi kịch này của đất nước, tôi tự hào khi được sống trong một đất nước vẫn biết ngẩng cao đầu, tôi được truyền sức mạnh từ nhân phẩm, lòng từ bi và sự quyết tâm từ những con người tôi đã được gặp… Chúng ta bị sốc bởi những gì đã diễn ra nhưng chúng ta sẽ không bao giờ từ bỏ các giá trị cao đẹp của dân tộc mình, đó là dân chủ, hòa hợp và nhân văn..”.
Tiếp đó, ông dẫn lời của một cô gái, thành viên của Đoàn Thanh niên Lao động Na Uy trả lời CNN: “Nếu một người có ý định tạo ra thù hận trên đất nước này, trước hết hãy nhìn xem có bao nhiêu tình yêu thương mà chúng tôi đang nhân lên và chia sẻ cho nhau”.
Dân tộc Na Uy đã chiến thắng tên sát nhân, chiến thắng cái ác, chiến thắng ý định gieo mầm cái ác vào một cộng đồng văn minh bậc nhất thế giới. Không phải bằng cách cùng nhau phẫn nộ, sửa luật, chà đạp lên những giá trị văn minh của dân tộc để đưa tên sát nhân ra xử tử. Họ đủ mạnh mẽ để hành động và tuyên bố với thế giới, rằng, không có chỗ cho cái ác, dù dưới bất cứ hình thức nào, được quyền tồn tại trong đất nước Na Uy.
Gần đây hơn, trong vụ khủng bố ở Paris, một lần nữa chúng ta nhìn thấy cách ứng xử của nhân loại trên toàn thế giới trước những kẻ geo mầm hận thù, chia rẽ. Đó là khi âm thanh của “Tất cả những gì chúng ta có là tình yêu thương” vang vọng khắp điện Les Invalides, khi bao người để lá cờ Tự do – Bình đẳng – Bác ái trên ảnh đại diện Facebook bất kể thành phần, tôn giáo nào.
Đừng để cái ác mạo danh công lý
Cái ác, cái xấu vốn dĩ yếu đuối trước lương tri của con người. Nhưng nó cũng sẽ trở nên vô cùng lấn lướt và nguy hiểm khi mạo danh công lý, nhất là trong thời đại MXH và thông tin lan truyền mạnh mẽ hiện nay.
Người viết không có ý định bào chữa cho việc làm của nữ tử tù kia, cũng không hề có ý định chê trách dư luận. Mà bởi vì tin rằng, dân tộc này tồn tại thống nhất được đến ngày hôm nay trước bao nhiêu biến động của lịch sử, một phần là nhờ vào niềm tin ở tha thứ và lòng từ bi, của “súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”.
Và cuối cùng, sức mạnh để một cộng đồng, một xã hội trở nên tốt đẹp hơn sẽ không đến từ những đám đông kích động, cuồng nộ, mà phải từ bản lĩnh giữ được vẹn nguyên giá trị con người cao đẹp trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Leave a Comment