Trang bị vũ khí

The Economist

Hệ thống chống hỏa tiễn của Hoa Kỳ, THAAD (Terminal High-Altitude Area Defense). Ảnh: Ivan Pierre Aguirre / For The Express-News
- Quảng Cáo -

Tuy một số nơi tại Châu Á bị khổ sở dài hạn về tình trạng nổi loạn, các nhóm khủng bố, cướp bóc hoặc nội chiến cấp thấp; điều đáng nói là lục địa này chưa có trận chiến lớn nào giữa các quốc gia kể từ cuộc chiến xâm lược trả đũa ngắn nhưng đẫm máu của Trung Quốc với Việt Nam năm 1979. Vì vậy càng đáng lưu ý là vùng này hiện nay mua gần phân nửa vũ khí lớn trên thị trường thế giới – gần gấp đôi vùng Trung Đông đầy khói lửa, và gấp bốn lần Châu Âu.

Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Thế Giới Stockholm, nơi lưu trữ kho dữ liệu về mua bán vũ khí, vừa phát hành thông tin cho thấy sáu trong mười nước nhập khẩu vũ khí nặng nhiều nhất là ở vùng Châu Á Thái Bình Dương: Ấn Độ, Trung Quốc, Úc, Pakistan, Việt Nam và Nam Hàn. Trong khoảng thời gian 2011-15, nguyên vùng mua 46% vũ khí trên thế giới, tăng 42% so với khoảng thời gian 2010-14. Châu Á không có cuộc chạy đua võ trang cổ điển giữa hai cường quốc và đồng minh, kiểu như giữa Anh và Đức hồi thời thế chiến thứ nhất, hoặc chiến tranh lạnh như giữa Hoa Kỳ và Liên Sô. Nhưng một số quốc gia Á Châu rõ ràng là ganh đua để hiện đại hóa quân đội. Theo báo cáo hàng năm của Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế (IISS), một think-tank của Anh, thì đa số các nước này gia tăng chi phí quốc phòng liên tục trong nhiều năm.

Quần đảo Điếu Ngư (Senkaku) mà Nhật và Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền. Ảnh: Kyodo
Quần đảo Điếu Ngư (Senkaku) mà Nhật và Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền. Ảnh: Kyodo

Sự trỗi dậy của Trung Quốc và việc lấn lướt gần đây thường được cho là lý do của việc gia tăng vũ trang. Tại vùng Đông Hải, căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Nhật vì tranh chấp đảo Senkaku (Diaoyu). Từ năm 2012, Trung Quốc đã gửi tàu và máy bay đến gần đảo này để thách thức chủ quyền của Nhật Bản. Tại Biển Đông, Trung Quốc đụng đầu với một số quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Phi Luật Tân và Việt Nam, vì tranh chấp một số đảo, đá, bãi đá ngầm nhỏ xíu. Trong vòng hai năm qua, bất chấp quan tâm của các nước tranh chấp, Trung Quốc dường như chiếm đọat lấy những gì họ nghĩ là của họ, bằng cách bồi đắp ào ạt các đảo nhân tạo. Điều đó có thể giải thích tại sao Việt Nam nhập khẩu vũ khí từ 2011-15 tăng gấp tám lần năm năm trước đó, chiếm 2.9% lượng vũ khí buôn bán toàn cầu. Việt Nam cũng đã mua thêm tám chiến đấu cơ, bốn chiến hạm và bốn tàu ngầm. Và đang đặt thêm sáu khu trục hạm và hai tàu ngầm.

Ngay cả khi nếu Trung Quốc không bồi đắp đảo thì việc tăng cường lực lượng quân sự của họ cũng có thể gây phản ứng. Đặc biệt là việc bành trướng nhanh chóng lực lượng hải quân, với ý định tranh giành thế bá chủ của Hoa Kỳ trong vùng tây Thái Bình Dương. Các lực lượng hải quân khác cũng ra sức hiện đại hóa – bằng cách mua tàu ngầm. Ngoài Việt Nam ra, Ấn Độ đặt mua sáu tàu của Pháp, và Pakistan mua tám chiếc của Trung Quốc, còn Bangladesh mua hai cũng của Trung Quốc. Đức giao hàng hai chiếc cho Singapore và năm chiếc cho Nam Hàn, còn Nam Hàn thì bán ba chiếc tự chế cho Inđônêxia. Úc thì đặt mua từ tám đến 12 chiếc từ Pháp, Đức và Nhật Bản.

- Quảng Cáo -

Theo ông Tim Huxley, giám đốc Á Châu của IISS, là điều sai lệch nếu xem các chi tiêu quân sự trong vùng là vì Trung Quốc. Thật ra đây là một xu hướng phản ảnh việc tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và giàu có hơn trong vùng. Quốc gia nào cũng có các quan tâm an ninh trong ngoài. Thí dụ như Singapore, mặc dầu là nước rất nhỏ, lại có chi phí quốc phòng rất lớn trong vùng, hơn nhiều so với Inđônêxia với 45 lần dân số. Vậy mà Singapore đâu có tranh chấp lãnh hải nào trên Biển Đông. Nỗi sợ (không nói ra) của Singapore liên quan đến sự bất ổn tiềm tàng với các nước láng giềng.

Ngoài ra lý do thúc đẩy tăng gia chi phí quốc phòng là vì các rạn nứt chiến lược tại Châu Á trong nhiều thập niên không có gì suy giảm. Ấn Độ và Pakistan cãi cọ với nhau và từng có chiến tranh vì tranh chấp Kashmir từ năm 1947. Đối với Trung Quốc, chiến thắng trong cuộc nội chiến 1949 chưa hoàn tất vì Đài Loan vẫn còn đó ngoài vòng kiểm soát, và họ cũng không loại trừ dùng vũ lực để “thống nhất” đất nước. Cuộc chiến Hàn Quốc chấm dứt năm 1953 với sự đình chiến nhưng không có hiệp ước hòa bình; các nhà độc tài Bắc Hàn đã liên tục gây căng thẳng từ đó đến nay. Việc Trung Quốc xâm lăng miền bắc Ấn Độ năm 1962 và rút quân về sau đó đã để lại sự tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước chưa được giải quyết.

Cũng có lúc có những đối thoại hậu trường về Kashmir hứa hẹn những đột phá giữa Ấn Độ và Pakistan. Nhưng không có cuộc tranh chấp nào được giải quyết như một tiến trình hòa bình và cũng không cái nào được thảo luận một cách sâu sắc tại các cuộc hội thảo an ninh trong vùng. Quân đội các quốc gia thì vận động để gia tăng vũ trang nhằm xây dựng khả năng ngăn chận.

anti-missle
Hệ thống chống hỏa tiễn của Hoa Kỳ, THAAD (Terminal High-Altitude Area Defense). Ảnh: Ivan Pierre Aguirre / For The Express-News.

Khả năng ngăn chận của quốc gia này có thể là mối đe dọa cho một quốc gia khác. Thí dụ như để phản ứng với cuộc thử nghiệm hỏa tiễn và hạt nhân của Bắc Hàn năm nay, các chính trị gia bảo thủ tại Nam Hàn kêu gọi chính quyền phải phát triển khả năng phòng ngự hạt nhân của chính mình. Điều này khó xảy ra. Nhưng Nam Hàn dự định triển khai hệ thống chống hỏa tiễn của Hoa Kỳ, THAAD (Terminal High-Altitude Area Defense).

Việc này làm Trung Quốc lo ngại vì cho rằng giàn rađa đi kèm với THAAD đe dọa an ninh của họ và đã vận động rốt ráo để thuyết phục Nam Hàn đừng triển khai hệ thống này. Một khía cạnh khác của tính lấn lướt của Trung Quốc là sẵn sàng can thiệp vào chính sách an ninh của các quốc gia khác. Họ đề nghị với Úc suy nghĩ lại về việc mua tàu ngầm của Nhật, vì lý do tế nhị lịch sử hồi thế chiến thứ hai. Lối bá quyền ngoại giao này lại có hiệu ứng ngược, khiến cho các nước láng giềng lo ngại và đi sát gần với Hoa Kỳ – cũng như với các quốc gia bán vũ khí nặng.

Hoàng Thuyên lược dịch

Theo The Economist – 27/02/2016

- Quảng Cáo -

2 CÁC GÓP Ý

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here