Đại Hội Đảng lần thứ 12 (20-28/1/2016) của đảng CSVN đã tuyển chọn xong các thành phần lãnh đạo cốt lõi để điều hành Việt Nam trong năm năm tới (2016-2021).
Bộ tứ mới gồm Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí Thư Đảng CSVN và từ tháng 6/2016 trở đi ông Trần Đại Quang sẽ là Chủ tịch Nước (hiện là bộ trưởng bộ Công An), Nguyễn Xuân Phúc sẽ là Thủ Tướng (hiện là Phó Thủ Tướng) và Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ là Chủ Tịch Quốc Hội (hiện là Phó Chủ Tịch Quốc Hội). Đây là một hình thức nhân nhượng của phe Trọng sau khi đã loại được đối thủ hàng đầu Nguyễn Tấn Dũng ra khỏi bộ tứ và ra khỏi Bộ Chính Trị. Vì Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc được xem là thuộc vây cánh Nguyễn Tấn Dũng.
Bộ tứ này kém bộ tứ nhiệm kỳ vừa qua về chiều dài kinh nghiệm đối với quốc tế, cũng như trong nội bộ đảng CSVN.
Từ Đại Hội 8 (1996-2000) về trước, nội tình Đảng CSVN chưa lệ thuộc nhiều vào thế giới bên ngoài về mặt phát triển kinh tế, giao thương dù Hoa Kỳ đã bãi bỏ cấm vận và tái lập bang giao từ 1995, nên bề dầy trong đảng là yếu tố then chốt để leo lên tột đỉnh của quyền lực và giàu sang.
Nhưng từ Đại Hội 9 (2001-2005) đến nay, sự lệ thuộc vào thế giới bên ngoài ngày gia tăng (Tổng số xuất nhập cảng gấp 2 lần / GDP 190 tỷ MK năm 2014, một tỷ lệ gấp đôi Trung Quốc), khi CSVN đi theo hướng cởi mở kinh tế, giao thương thế giới tây phương để sống còn.
Do đó, bề dầy trong nội bộ đảng ngày càng bớt quan trọng trong bối cảnh thế giới hiện nay so với khả năng điều hành quốc gia mang nặng tính kỹ trị (nắm vững các nguyên tắc vận hành trong tương quan quốc tế, quản trị điều hành kinh tế hữu hiệu, bảo vệ quyền lợi và chủ quyền của dân tộc. …).
Nhìn vào Nghị Quyết của Đại Hội 12 với 6 nhiệm vụ lớn được đề ra, trong đó 2 nhiệm vụ liên quan đến vấn đề chỉnh đốn đảng, đẩy lùi suy thoái tư tưởng và chống tham nhũng được đưa lên đầu tiên và cho đó là nhiệm vụ quan trọng. Trong lúc vấn đề phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền, 2 nhu cầu sinh tử của dân tộc chỉ ở mức độ thấp hơn. Điều này nói lên, lãnh đạo CSVN coi sự tồn vong của đảng cao hơn quyền lợi sinh tử của dân tộc.
Bộ tứ mới sẽ phải giải quyết 3 vấn đề để đảng CSVN tiếp tục cầm quyền: 1) Vấn đề phát triển kinh tế, trong bối cảnh gia nhập TPP, 2) Vấn đề chủ quyền trên Biển Đông trước các hành động xâm lược tằm ăn dâu của Trung Quốc, 3) Vấn đề ảnh hưởng nặng nề Trung Quốc trên guồng máy điều hành quốc gia ở mọi tầng.
Phát triển kinh tế để ổn định chính trị
Hiện nay tình hình phát triển kinh tế Việt Nam đang từ từ khựng lại ở mức 5-6% (sau khi tăng trưởng ở mức trung bình 10% trong thập niên 2003-2013) cũng như nền kinh tế Trung Quốc (từ 10% xuống dưới 7%, trên thực tế khoảng 3-4% theo những nguồn thống kê hợp lý ngoài nhà nước Trung Quốc).
Vì dựa chính yếu về xuất khẩu, dưới sự chủ đạo của các Tổng Công Ty nhà nước (lâm nghiệp, dầu khí, xây tầu, xi măng, địa ốc…) và đầu tư ngoại quốc (FDI 95 tỷ MK 1996-2014), nên kinh tế Việt Nam tùy thuộc rất nhiều vào sự thay đổi về cạnh tranh, giá cả trên thương trường và tình hình chính trị của thế giới (nông nghiệp chiếm 18%, kỹ nghệ 38%, dịch vụ 44%). Trong lúc đó, Hà Nội không quan tâm đến thị trường nội địa qua việc nâng cao mức sống của người dân.
Cả Bắc Kinh và Hà Nội chủ trương kiểm soát khả năng vươn lên của kinh tế tư nhân, với các giới hạn về thông tin (kiểm duyệt), ngăn cấm các hình thức công đoàn độc lập, các hình thức sinh hoạt kinh tế ngoài khu vực quốc doanh, có thể đe dọa độc quyền lãnh đạo của đảng CS.
Vì thế, mặc dù lãnh đạo CSVN biết là muốn phát triển kinh tế cần phải dựa vào kỹ thuật, đầu tư, thị trường bên ngoài như trường hợp Hà Nội đang mở rộng giao thương với khối ASEAN, Liên Âu; nhưng vì sợ quyền lực kinh tế vuột khỏi tầm kiểm soát của đảng nên tiếp tục duy trì quyền lực của các Tập đoàn kinh tế.
Vấn đề hiện nay của lãnh đạo CSVN là làm sao duy trì các tập đoàn kinh tế, tổng công ty thua lỗ hàng trăm triệu MK hầu nuôi dưỡng guồng máy bảo vệ chế độ. Mặt khác tạo ra không gian kinh tế vừa đủ cho người dân kiếm sống, hầu làm giảm các áp lực chống đối, vừa trung hòa các áp lực đòi mở rộng thêm về mặt chính trị và các quyền tự do căn bản của con người.
Hiện nay, áp xuất tự do thông tin rất mạnh qua sự phát triển vượt bực của mạng Internet (50,1% dân Việt Nam có khả năng truy cập vào mạng, 35 triệu trương mục Facebook) và các áp lực cạnh tranh đến từ giao thương với các thị trường bên ngoài. Đây là những yếu tố khác biệt so với bối cảnh thế giới lúc xảy ra biến cố Đông Âu vào năm 1989 (lúc đó mạng Internet chưa bùng nổ và áp lực giao thương từ các thị trường bên ngoài không mạnh như vào thời điểm 2016).
Nhìn vào thành phần tứ trụ, người ta không thấy ai có tầm vóc, kinh nghiệm để vạch ra hướng phát triển cho Việt Nam, vừa tăng trưởng về mặt kinh tế với mức sống khá hơn cho quảng đại quần chúng, vừa thanh lọc bộ máy nhà nước và bảo vệ chủ quyền.
Nền kinh tế Việt Nam hiện bước vào giai đoạn xã hội, kinh tế tương đương với các chế độ CS Đông Âu trước khi sụp đổ (1990 TSL Đầu Người Ba Lan 1700 MK, Tiệp Khắc 3900 MK, Hung Gia Lợi 3300 MK, vào năm 2014 Việt Nam 2050 MK, 5200 MK nếu tính theo PPP Purchasing Power Parity). Trong lúc xã hội, kinh tế Trung Quốc đã kinh qua được giai đoạn bản lề đầu tiên này nhờ chính sách Hiện đại hóa thời Đặng Tiểu Bình, nhưng hiện đang tồn đọng nhiều khó khăn chưa giải quyết và có nguy cơ bùng vỡ trong tương lai.
Khác với Nguyễn Tấn Dũng có 20 năm kinh qua hai trách vụ Phó Thủ Tướng và Thủ Tướng, trong khi Nguyễn Xuân Phúc chỉ có 5 năm thực tập vai trò Phó Thủ Tướng nên người ta không thấy một khả năng nổi trội nào về vấn đề phát triển kinh tế (ngoài trách nhiệm Uỷ Viên Uỷ Ban Kinh Tế – Ngân Sách Quốc Hội Khóa XI (2004-2006). Kinh nghiệm của Nguyễn Xuân Phúc đa phần là chuyên về nội bộ đảng như Phó Bí Thư Đảng Ủy Đà Nẵng, Phó Bí Thư Ban Cán Sự Đảng.
Ngoài ra, ông Phúc cũng từng được giao các trách nhiệm như Chủ Tịch Ủy Ban An Toàn Giao Thông Quốc Gia, Phòng Chống bệnh HIV/AIDS, có nghĩa là những trách nhiệm hoàn toàn phụ thuộc trong một guồng máy cầm quyền và cũng thất bại trong trách vụ (tham nhũng trong giao thông, số người chết, bị thương về tai nạn gia tăng vượt bực, AIDS vẫn gia tăng vì tệ nạn xã hội mãi dâm, băng đảng).
Trong khi đó, Nguyễn Tấn Dũng, tuy đã bị đối thủ loại ra khỏi thượng tầng đảng qua Đại Hội 12, nhưng gia đình và phe cánh đã có hơn 20 năm để bám rễ tại tỉnh Kiên Giang, chia nhau các trách nhiệm trong các tổng công ty, dầu khí, điện lực, khoáng sản, hàng không, ngân hàng cũng như đặt vây cánh trong thượng tầng đảng để lo cho việc hạ cánh an toàn, bảo vệ các quyền lợi thâu tóm được một cách phi pháp.
Trong vòng đai thân cận Nguyễn Tấn Dũng, các ngân hàng, công ty được thành lập và hoạt động theo kiểu mafia, hỗ trợ, bao che lẫn nhau dưới ô dù cùa Thủ Tướng. Con gái Nguyễn Thanh Phượng thành lập Quỹ đầu tư Viet Capital, Nguyễn Thanh Nghị con trai của Nguyễn Tấn Dũng (Bí Thư Tỉnh Kiên Giang) nhận thiết kế các công trình xây dựng lớn.
Theo đơn tố cáo của một đảng viên đảng CSVN mới đây, phe Nguyễn Tấn Dũng điều hành Bitexco Group (Vũ Quang Hội), Ngân hàng Phương Nam (Trầm Bê), Ngân hàng An Bình (Vũ Văn Tiền), Ngân hàng Đầu Tư BIDV (Trần Bắc Hà), Ngân hàng Á Châu (Nguyễn Đức Kiên), Ngân hàng Sài gòn (Lê Quang Nhường Mười Rua), Lilama (Phạm Hùng), Tổng công ty Hàng Không VN (Phạm Ngọc Minh), Vinacapital (Don Lam), Savico (Lê Hùng), FPT (Trương Gia Bình), công ty Bình An Cần Thơ (Nguyễn Thị Diệu Hiền). Tổng số Tài Sản Phi Pháp của gia đình Nguyễn Tấn Dũng lên đến hàng chục tỷ MK, đầu tư trong nhiều lãnh vực chuyên chở, địa ốc, nhà thương,.. trong nước, cũng hàng tỷ MK đầu tư tại các chợ tại Bá Linh, Nam California Hoa Kỳ.
Phe Nguyễn tấn Dũng dù ở bên ngoài thượng tầng đảng nhưng nắm nguồn tài chánh, đầu tư, vẫn nhúng tay can thiệp vào các lựa chọn, chuẩn bị vây cánh cho sự thay đổi lãnh đạo sắp tới.
Phe Nguyễn Phú Trọng sẽ tìm mọi cách để loại vây cánh Nguyễn Tấn Dũng trong guồng máy công an, kinh tế qua việc lợi dụng các điều khoản trong Hiệp Ước TPP. Tung ra nhiều chi tiết về thâm cung bí sử, tài sản phi pháp các thành phần lãnh đạo đối thủ nhằm triệt hạ uy tín và thế lực đối thủ. Cuộc đấu đá trên mặt trận kinh tế sẽ tiếp tục.
Nói tóm lại, lãnh đạo CSVN không có tầm nhìn xa và không linh động về kinh tế như Trung Quốc, nên kinh tế Việt Nam sẽ khựng lại, nhất là với một bộ tứ quá giáo điều như hiện nay.
Sự đòi hỏi được hưởng phúc lợi của người dân sẽ ngày càng gia tăng, cùng với tình trạng tha hóa, tham nhũng, bòn rút của công của hệ thống đảng bất tài. Tình hình phát triển bất quân bằng trước áp lực của thông tin và thị trường bên ngoài sẽ làm gia tăng sự bất ổn định về xã hội và chính trị.
Leave a Comment