SÀIGÒN (CTM Media) – Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP HCM vừa đưa ra cảnh báo, tình trạng nước mặn xâm nhập sâu vào hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai sẽ ảnh hưởng lớn đến kế hoạch cung cấp nước sạch cho người dân thành phố những ngày tới.
Tình trạng nước mặn xâm nhập trên sông Sài Gòn – Đồng Nai đang tăng cao. Độ mặn giữa tháng 2 trên hai con sông này được xác định tăng so với cuối tháng trước. Các số liệu quan trắc cho thấy, nước lấy từ sông Sài Gòn – Đồng Nai nhiều thời điểm không còn đáp ứng được theo quy chuẩn một số chỉ tiêu (độ mặn vượt quá 25 mg/lít), không xử lý được khiến hoạt động cấp nước đôi lúc phải ngưng trệ.
Từ đầu năm 2016 đến nay nhiều nhà máy nước tại TPHCM buộc phải ngưng lấy nước thô từ sông Sài Gòn và sông Đồng Nai nhiều lần bởi nước mặn xâm nhập ngày càng khốc liệt, khiến cho hoạt động khai thác nước sạch cung cấp cho thành phố gặp nhiều khó khăn.
Về nguyên nhân xâm nhập mặn, Ông Phạm Thế Vinh, Viện Khoa Học Thủy Lợi Miền Nam, cho rằng hạn mặn diễn ra mạnh vì El Nino kéo dài khiến khu vực Nam bộ rất ít mưa. Ngoài ra, việc triều cường kéo dài đến tháng 2, tháng 3 khiến nước mặn đi sâu vào các cửa sông.
Hơn nữa với ảnh hưởng ngày càng rõ nét của biến đổi khí hậu cũng như vấn đề ô nhiễm môi trường trong thời gian tới, các tác động bất lợi đến nguồn nước sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn.
Cũng liên quan đến việc nhiễm mặn, hiện trên các hệ thống sông chính ở miền Tây, mặn xâm nhập sâu 40-93 km, tăng 10-15 km so với các năm trước. Gần 340.000 ha trong tổng số 1,55 triệu ha lúa đông xuân đang sản xuất tại miền Tây có nguy cơ bị xâm nhập mặn và hạn. Trong đó, 104.000 ha lúa bị thiệt hại nặng nề, hàng chục nghìn ha lúa bị chết.
Leave a Comment