Đó là theo sự hiểu biết thông thường, cũng như kinh nghiệm quá khứ. Giá dầu rẻ trong những năm thanh bình của Hoa Kỳ thập niên 50 và 60; cú sốc dầu hỏa của thập niên 70 gây ra khốn khổ kinh tế nặng nề. Sự bộc phát của thập niên 90 được cho là nhờ vào kỹ thuật trang mạng nhưng giá dầu rất thấp và sau đó tăng lên mức kỷ lục trước khi kinh tế đi vào khủng hoảng. Người ta có thể tranh cãi nhau về tầm quan trọng của sự dao động của giá dầu nhưng mối tương quan giữa giá dầu rẻ và đời sống khá không phải là điều ngẫu nhiên.
Thế giới tiêu thụ gần 100 triệu thùng dầu mỗi ngày tức là 10 tỉ đô la mỗi ngày hay 3.5 ngàn tỉ đô la một năm – ở mức giá dầu $100 mà chúng ta đã làm quen bấy lâu. Giá dầu tụt xuống dài lâu sẽ cắt bớt 2 ngàn tỉ đô la mỗi năm – so với tổng sản lượng kinh tế toàn cầu là 80 ngàn tỉ thì con số đó không nhỏ chút nào. Chẳng khác nào có món tiền khổng lồ chuyển từ túi của các hãng sản xuất dầu qua người tiêu thụ dầu.
Thay đổi lớn trong sức mua như thế luôn luôn thúc đẩy tăng trưởng kinh, bởi vì trong khi giới sản xuất thường để dành lợi nhuận khi giá dầu cao, giới tiêu thụ có khuynh hướng tiêu xài tiền tiết kiệm khi giá dầu thấp. Một mối quan tâm về giá dầu thấp hiện nay là vị trí này có thể đổi bên: giới tiêu thụ Hoa Kỳ dùng tiền dư để trả nợ; trong khi đó Nga và Á-Rập Saudi cắt giảm đầu tư và chi tiêu công. Nếu thái quá thì kinh tế sẽ chậm lại thay vì gia tăng như mọi người mong đợi.
Cũng lý thú để ngẫm về một số tác động không hiển nhiên. Một kinh tế gia chuyên về sức khoẻ tại Đại Học Georgia State tìm thấy mối liên hệ giữa giá dầu thấp và tỷ lệ béo phì tại Hoa Kỳ. Một phần vì khi giá dầu cao, người ta có thể bỏ xe để đi bộ, đi xe đạp hoặc dùng các phương tiện giao thông công cộng. Trong khi đó dầu rẻ làm người ta có dư tiền để đi ra ngoài ăn tiệm. Giá dầu rẻ có thể làm chúng ta mập.
Một xác suất chán nản khác là giá dầu rẻ sẽ làm chậm bước tiến của sáng kiến trong lãnh vực năng lượng sạch. Dầu càng rẻ chừng nào thì càng ít động lực để phát minh ra cách tiết kiệm dầu. Có chứng cớ rõ rệt cho điều này trên đường dài. Cho đến cuối thế kỷ 18 ngành làm gốm ở Anh vẫn xây lò nung dùng kỹ thuật cổ lổ xỉ phí phạm năng lượng. Lý do? Năng lượng quá rẻ. Trong khi đó lương nhân công lại mắc – đó cũng là lý do tại sao cuộc cách mạng kỹ nghệ là để tiết kiệm sức lao động, không phải tiết kiệm năng lượng.
Gần đây hơn, David Popp, một kinh tế gia ở Đại học Syracuse xem xét tác động của cơn sốc giá dầu của thập niên 70. Ông thấy rằng có nhiều nhà phát minh đệ nạp các bằng sáng chế liên hệ đến việc tiết kiệm xăng dầu.
Cũng rất có thể là sự sụp đổ giá dầu sẽ không ảnh hưởng gì nhiều đến những biến chuyển kỹ thuật trong lãnh vực năng lượng. Mức sản xuất của khoang ngang (fracking) tại Hoa Kỳ có thể bị cắt giảm nhưng bước nhảy vọt kỹ thuật to lớn này đã xảy ra rồi. Khoan ngang không như những dự án khoan dầu dài hạn, tốn kém của quá khứ, mà nó gần giống như ngành sản xuất: rẻ, gọn, sao chép được, mở rộng tầm vóc lớn được. Giá dầu rẻ không thể tháo gỡ những điều trên và hiệu suất có thể tiếp diễn. Năng lượng mặt trời cũng ngày càng rẻ hơn. Càng gắn nhiều panô năng lượng mặt trời chừng nào thì giá càng rẻ thêm.
Nói thế, khi nhiên liệu hóa thạch rẻ, người ta sẽ tìm cách để sử dụng, và đó là tin không vui cho viễn cảnh làm chậm lại sự thay đổi khí hậu toàn cầu. Chúng ta không thể dựa vào giá dầu và giá than cao để can ngăn mức tiêu dùng. Thế giới cần một chương trình chung toàn cầu và hợp lý để đánh thuế trên carbon.
Hoàng Thuyên lược dịch
Theo Financial Times – 12/2/2016
Leave a Comment