BẾN TRE (CTM Media) – Sáng ngày 20 tháng Hai, Bến Tre và Kiên Giang là hai tỉnh đầu tiên của đồng bằng sông Cửu Long đã công bố bị thiên tai hạn mặn.
Hiện Bến Tre có 155/164 xã, phường, thị trấn của tỉnh đều bị nước mặn “bủa vây” với độ mặn 1g/lít. Hiện độ mặn tại các cống lớn nội đồng đo được 2,5 – 5 g/lít; những điểm lấy nước của nhà máy cấp nước sinh hoạt cũng từ 1,1 – 6,6 g/lít. Trên sông Cửa Đại mặn đã xâm nhập đến xã Tân Thạch, huyện Châu Thành; trên sông Hàm Luông, đến xã Tân Phú, huyện Châu Thành; trên sông Cổ Chiên, đến xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách. Có 10.500/14.000 ha lúa bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn. Cây ăn trái và hoa kiểng thu hoạch hàng năm nên chưa thống kê được.
Tại các huyện ven biển Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú… nước ngọt đang cực kỳ khan hiếm. Với nước ít nhiễm mặn người dân phải mua có nơi đến 100.000 đồng/m³. Người dân ở xã An Định, huyện Mỏ Cày Nam cho biết, từ trước Tết, nước dưới sông Hàm Luông đã bắt đầu mặn, gây ngập cục bộ. Một số loại cá nuôi dưới mương vườn đã chết.
Tại huyện Chợ Lách, hai xã Vĩnh Bình, Phú Phụng nơi trồng chôm chôm nhiều nhất tỉnh Bến Tre chưa bao giờ bị hạn mặn, hiện tại cũng bắt đầu bị nhiễm nước mặn, qua đó chôm chôm sẽ bị cháy lá, năng suất giảm hơn phân nửa.
Riêng ở Kiên Giang, các hồ nước ngọt trên địa bàn tỉnh cũng không lấy được nước, khiến việc sinh hoạt của người dân trở nên vô cùng khó khăn… Các huyện bị ảnh hưởng nặng nề nhất là An Biên, An Minh, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận, với tổng diện tích sản xuất bị thiệt hại trên 34.000 ha. Lúa đang chết đầy đồng.
Đặc biệt, tỉnh Vĩnh Long là địa phương chưa từng bị mặn xâm nhập, nhưng hiện nay huyện Vũng Liêm và Trà Ôn đã bị mặn tấn công, ảnh hưởng trên 23.000 ha. Nhiều vườn cây ăn trái, đặc biệt là cam bị héo, rụng lá vì nhiễm mặn bất thường. Các tỉnh Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh cũng đang bị nước mặn xâm nhập.
Leave a Comment