Sau khi ông Nguyễn Phú Trọng phát biểu: “Việt Nam dân chủ thế này là cùng”, phong trào tự ứng cử đại biểu Quốc hội bùng phát lên. Có 2 luồng ý kiến khác nhau, tuy không gay gắt nhưng cũng thu hút sự quan tâm của cư dân mạng. Một bên thì quan niệm dù biết sẽ bị loại, nhưng vẫn tham gia tự ứng cử để vạch trần nền dân chủ giả tạo. Bên khác lại quan niệm tham gia tự ứng cử là vô tình giúp cho chế độ độc tài quảng bá nền dân chủ giả tạo để che dấu độc tài và kêu gọi tẩy chay không đi bầu cử.
Người viết xin đưa ra một số luận cứ và nội hàm về khái niệm bầu cử trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam để rộng đường dư luận.
Theo Hiến pháp 2013, Điều 27 quy định: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định”.
Như vậy quyền bầu cử và quyền tự ứng cử là quyền hiến định cho các chủ thể là công dân hội đủ điều kiện theo luật định. Đã là quyền thì công dân có quyền thực thi hoặc có quyền từ chối, không có quy định nào xác định công dân từ chối tham gia bầu cử là hành vi vi phạm pháp luật.
Điều 6 quy định: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”.
Theo quy định này thì bầu cử là phương thức được cử tri sử dụng để chọn người đại diện và trao quyền lực. Nội hàm của khái niệm bầu cử là: giới thiệu người đại diện (đề cử) – bỏ phiếu chọn – trao quyền. Theo khái niệm này, để thực hiện quyền bầu cử, cử tri sẽ thực hiện 3 bước: (1) giới thiệu người ưu tú nhất đề cử làm đại diện cho mình, (2) bỏ phiếu khẳng định tính hợp pháp của người đại diện, (3) trao quyền lực đại diện mình tham gia quản lý và lãnh đạo đất nước.
Theo Điều 8 Luật bầu cử năm 2013: Căn cứ vào dự kiến số lượng đại biểu Quốc hội được bầu, cơ cấu tỷ lệ thành phần đại biểu Quốc hội dựa trên số lượng người của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội để bảo đảm tỷ lệ đại diện hợp lý của các tầng lớp nhân dân trong Quốc hội.
Thuật ngữ “dân chủ đại diện” trong Điều 6 Hiến pháp hay còn gọi là “đại diện tỷ lệ” cũng được hiểu là số lượng đại biểu đại diện trong Quốc hội của các tầng lớp nhân dân được chia theo tỷ lệ hợp lý. Có nghĩa là số lượng cử tri của các tầng lớp nhân dân ở đơn vị bầu cử tỷ lệ thuận với số lượng đại biểu đại diện cho tầng lớp nhân ở đơn vị đó. Theo quy định này thì cơ cấu số lượng đại biểu của nhân dân lao động sẽ chiếm đa số ghế trong Quốc hội.
Chính nguyên tắc phân bổ “đại diện tỷ lệ” này đã giúp anh em nhà Shinawatra thành công trên chính trường Thái Lan. Chính sách của 2 anh em Thaksin là tập trung thu phục sự ủng hộ của nhóm người có thu nhập thấp và người dân ở nông thôn – bộ phận chiếm phần lớn cử tri và họ đã giành thắng lợi.
Nếu dừng lại ở đây thì nội hàm của khái niệm bầu cử khá hẹp, ngoại diên sẽ rộng; tỷ lệ các tầng lớp nhân dân lao động ngoài đảng ở nước ta là rất lớn, số người tự ứng cử sẽ có nhiều cơ hội tham gia ứng cử và cơ hội trúng cử sẽ cao. Tuy nhiên, để gian lận áp đặt theo ý chí “gắn kết quả nhân sự của đại hội đảng các cấp và quy hoạch cán bộ với công tác chuẩn bị nhân sự”; quá trình hiệp thương ở các cấp đã áp đặt các vị trí lãnh đạo chủ chốt từ trung ương tới địa phương nên nội hàm mở rộng, ngoại diên bị thu hẹp. Hậu quả là tỷ lệ các tầng lớp nhân dân lao động ngoài đảng rất lớn nhưng đại diện chỉ có khoảng 25 – 50 ngoài đảng/500 đại biểu (theo báo CA/Tp. HCM ngày 02/02/2016). Đây là cách làm gian lận vi hiến, trái với Hiến pháp và Luật bầu cử năm 2013 “bảo đảm tỷ lệ đại diện hợp lý của các tầng lớp nhân dân trong Quốc hội”.
Chúng ta hãy lấy cơ cấu ứng cử đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Hồ Chí Minh (gọi tắt là Sài Gòn) để tham khảo:
Theo VOV.VN ngày 17/02/2016: Trích: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến phân bổ tổng số đại biểu Quốc hội đơn vị Sài Gòn khóa XIV (nhiệm kỳ 2016 – 2021) là 30 người; trong đó, đại biểu cư trú và làm việc tại TP Hồ Chí Minh là 16 người, đại biểu Trung ương phân bổ ứng cử tại địa phương là 14 người.
Trên cơ sở đó, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Hồ Chí Minh dự kiến giới thiệu 46 đại biểu ứng cử, phân bổ theo cơ cấu: lãnh đạo chủ chốt của thành phố 2 người; đại biểu chuyên trách 2 người; đại biểu khối Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp: 16 người; đại biểu lực lượng vũ trang thành phố: 2 người; đại biểu các cơ quan tư pháp 3 người; đại biểu lĩnh vực khoa học, công nghệ, văn hóa – thể thao – du lịch, giáo dục – đào tạo, y tế, lao động – thương binh và xã hội: 6 người; đại biểu viện nghiên cứu, trường đại học: 4 người; đại biểu doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp: 6 người; đại biểu tôn giáo: 3 người và 2 đại biểu tự ứng cử”. Hết trích.
Theo nguyên tắc bầu cử, đại biểu Quốc hội ở đơn vị bầu cử nào thì đại diện cho cử tri ở địa phương ấy. Nếu phân bổ tuân thủ theo Hiến pháp và Luật bầu cử thì nội hàm thu hẹp, ngoại diên mở rộng, tổng số đại biểu đại diện cho tầng lớp nhân dân lao động tại Sài Gòn là 30 người, tổng số người tham gia ứng cử là 46 người. Tuy nhiên, vì gian lận trong hiệp thương nên nội hàm đã mở rộng, ngoại diên bị thu hẹp, chỉ còn 2 người tự ứng cử.
Tẩy chay bầu cử được hiểu là bằng ý chí của mình, cử tri không tham gia bầu cử. Có 2 trường hợp tẩy chay bầu cử được xem là hợp pháp: (1) Cử tri tự nguyện bỏ quyền bầu cử của mình đã được hiến định không tham gia bầu cử; (2) Cử tri không tham gia bầu cử vì cho rằng cơ chế bầu cử, trái pháp luật.
Ở trường hợp (1), cử tri không tham gia bầu cử thể hiện ý chí tự nguyện bỏ quyền bầu cử của mình đã được hiến định, không tham gia bầu cử là hành vi hợp pháp. Hành vi này hợp pháp vì theo quy định tại Hiến pháp và pháp luật thì bầu cử được xác định là quyền của công dân chứ không phải nghĩa vụ. Đã là quyền thì cử tri được tự quyết định có đi bầu cử hay không đi bầu cử; không có quy định nào cấm cử tri từ chối quyền bầu cử. Tuy nhiên, nếu không đi bầu cử thì những người trúng cử ở đơn vị bầu cử của mình vẫn mặc nhiên là đại diện hợp pháp của
Ở trường hợp (2), cử tri không đi bầu cử là thể hiện ý chí tẩy chay, phản đối cuộc bầu cử mà cử tri cho là trái pháp luật. Hành vi này cũng được xem là hợp pháp bởi lẽ cử tri cho rằng đây là cuộc bầu cử áp đặt, không công bằng, không dân chủ, có sự gian lận, không có người đại diện của họ nên họ không tham gia.
KẾT LUẬN
Như trên đã phân tích, nếu những nhà đấu tranh dân chủ tự ứng cử có kế hoạch phù hợp cho chiến dịch vận động dân chủ hóa trong bầu cử, có những nhóm ủng hộ với ý chí mạnh mẽ, thì dù trong hoàn cảnh nào cũng đạt được thắng lợi. Nếu có bị gian lận, loại bỏ trái pháp luật qua các vòng hiệp thương, cũng thức tỉnh được người dân về ý thức quyền làm chủ đất nước, quyền định đoạt người đại diện qua lá phiếu bầu cử. Dân chủ hóa hoạt động bầu cử là điều tất yếu trong bối cảnh chính trị hiện nay, mọi sự gian lận trong bầu cử sẽ phải bị tẩy chay, ý chí nhân dân là sức mạnh không gì ngăn cản được. Hy vọng đây là bước bản lề, mở đầu cho chiến dịch đấu tranh dân chủ bằng ý chí của người làm chủ đất nước, thể hiện sức mạnh đoàn kết của các tầng lớp nhân dân; bất cứ một một trở ngại nào cản trở lại lòng dân rồi cuối cùng cũng sẽ bị đạp đổ. Thời gian không còn nhiều, nhưng cũng đủ để mọi người cùng dốc lòng, toàn sức, toàn tâm kết hợp với chiến thuật hoàn hảo. Biết đâu, ngày 22/5/2016 sẽ là ngày ngoạn mục cho bước ngoặt kịch sử của dân tộc Việt Nam.
Viết tại Sài Gòn ngày 20/02/2016.
Nguyễn Mạnh Hùng
Leave a Comment