Quảng Cáo

Đất nhiều nắng (Sunnylands) và vùng nước đục

Quảng Cáo

Việc Trung Quốc đưa nhiều người dân ra khỏi mức khó nghèo và quốc gia trở nên hùng mạnh nhanh chóng là một điều đáng lưu ý. Đáng lưu ý không kém là thái độ của Hoa Kỳ, đương kim siêu cường, xem việc trỗi dậy của Trung Quốc là một cơ hội hơn là mối đe dọa. Tuy thế tại Biển Đông nơi có 30% lượng giao thương thế giới qua lại thì Trung Quốc lại có cơ nguy gây hại cho sự sắp xếp ôn hòa này. Cách hành xử của Trung Quốc tại đây đã xem thường luật pháp quốc tế, làm các láng giềng sợ hãi và gia tăng rủi ro đụng độ với một số quốc gia đó và với chính Hoa Kỳ. Nếu nhớ lại khẩu hiệu của chính họ về ổn định và hòa bình thì Trung Quốc nên nhượng bước.

Hành vi khiêu khích mới nhất là việc đặt hai giàn phóng hỏa tiễn phòng không trên đảo Phú Lâm (Woody) tại quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc không phủ nhận động thái leo thang quân sự nguy hiểm này, thay vào đó lại biện hộ cho quyền “có phương tiện tự vệ cần thiết và giới hạn”. Quần đảo Hoàng Sa cũng được cả Việt Nam và Đài Loan tuyên nhận chủ quyền.

Hình vệ tinh đảo Phú Lâm chụp hôm 3 Tháng Hai (trái) và 14 Tháng Hai (phải). Ảnh: CNN

Trung Quốc đã cuống cuồng xây cất trong vùng Trường Sa, xây dựng đảo nhân tạo trên các đá và bãi đá ngầm nơi mà Phi Luật Tân, Đài Loan và Việt Nam cũng tuyên nhận chủ quyền. Việc xây cất này, cũng như các giàn hoả tiễn, bất chấp tinh thần của tuyên bố mà Trung Quốc ký kết năm 2002 với Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) trong đó các bên hứa “hành xử tự kiềm chế” trong vùng biển tranh chấp. Trung Quốc cũng khước từ không chấp nhận thẩm quyền của tòa án quốc tế tại The Hague đang xét xử vụ kiện của Phi Luật Tân theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

Nếu, mà nhiều phần là vậy, phán quyết của tòa sắp tới đây xử có lợi cho Phi Luật Tân, Trung Quốc sẽ phớt lờ đi. Đây không phải là một đối tượng có trách nhiệm trên thế giới mà Hoa Kỳ hy vọng là Trung Quốc sẽ trở nên.

Hai yếu tố có thể khiến cho Trung Quốc triển khai giàn hỏa tiễn. Tin tức này đến trong lúc Tổng thống Obama đón tiếp 10 lãnh đạo của các nước ASEAN trong một hội nghị thượng đỉnh tổ chức tại Sunnylands, California, một sự việc chưa từng xảy ra tại Hoa Kỳ. Hội nghị nhằm cho thấy sự đoàn kết của Hoa Kỳ với ASEAN. Trung Quốc thì xem đây là mưu để khích các nước láng giềng bạo dạn hơn để chống lại họ, và cũng là một phần của chiến lược be bờ của Hoa Kỳ.

Chiến hạm USS Lassen được sử dụng trong chuyến công tác ‘tự do hải hành’ vào cuối năm ngoái. (Ảnh: US NAVY/ Reuters)

Thứ nhì, cuối năm ngoái Hoa Kỳ thực hiện công tác “tự do hải hành” trong vùng Biển Đông, với hai lần gửi chiến hạm đi qua lại các vùng biển mà Trung Quốc tuyên nhận chủ quyền. Đây là một nỗ lực khá trễ để cho thấy các mảnh đất và đá trong vùng biển này, phần lớn nằm chìm dưới mặt biển, không thuộc chủ quyền của ai cả và mở rộng cho mọi loại hải hành. Rất tiếc là Hoa Kỳ không làm rõ thông điệp này, khi xác nhận rằng cả hai chuyến công tác dưới dạng “qua lại không gây hại”, tức là theo Luật Biển cho phép ngay cả tàu chiến qua lại không đe dọa gây hại trong hải phận của quốc gia khác. Trung Quốc có vẻ thấy các công tác này đầy khiêu khích và tìm cách ngăn chận Hoa Kỳ trong tương lai – hoặc có thể chúng chỉ tạo lý cớ cho Trung Quốc.

Mùa tranh cử

Trung Quốc có thể tính toán rằng đây là thời điểm tốt nhất, trong những tháng chót của nhiệm kỳ của một ông tổng thống mà họ cho là yếu và không thích đối đầu, để tạo ra sự đã rồi và không lật ngược lại được trong vùng biển đang kiểm soát. Do đó thay vì nhường bước trước hăm dọa này của Trung Quốc, Hoa Kỳ nên tiếp tục xác quyết quyền tự do hải hành và bay ngang không phận, và làm một cách rõ ràng, không mơ hồ. Các quốc gia bạn trong vùng, vốn dĩ thường ngại ngùng không dám làm mích lòng Trung Quốc, nên hậu thuẫn Hoa Kỳ hết mình. Biển Đông với các tuyến đường giao thương quan trọng mà trở thành Hồ Trung Quốc thì chẳng ích lợi gì cho họ.

Hoàng Thuyên lược dịch

Theo The Economist – 20/2/2016

 

 

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux