Dư luận không chỉ ngạc nhiên về việc viên thủ tướng không còn ủy viên bộ chính trị là Nguyễn Tấn Dũng suýt nữa đã không được đi Mỹ dự hội nghị ASEAN vào giữa tháng 2/2016, mà còn ngạc nhiên hơn khi lần đầu tiên sau gần một chục năm cầm quyền, Thủ tướng Dũng đã đề nghị Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng Washington cần có một tiếng nói mạnh mẽ hơn và “hành động thực tế và hiệu quả hơn”.
Giới quan sát quốc tế bình luận: Lời kêu gọi này có thể làm Trung cộng nổi giận.
Có lẽ vị thế sắp mất của Thủ tướng Dũng đã khiến ông mạnh miệng hơn và trực tiếp hơn đôi chút, so với cụm từ “hữu nghị viển vông” đầy ẩn dụ của ông, mà nếu là người dân thường thì sẽ khó có thể hình dung ra ông muốn nói về quan hệ Việt – Trung.
Nhưng cũng còn một nguyên do vừa sâu xa vừa rất trực tiếp khác đã khiến Thủ tướng Dũng, một khi được Tổng bí thư Trọng “quyết” cho đi Mỹ, cần và phải nói ra điều then chốt trên: hơn bao giờ hết từ khi bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ 1995 đến nay, giới chóp bu Hà Nội lại cần đến sức mạnh của Hoa Kỳ như hiện thời.
Mọi thứ đều có logic của nó.
Ngày 31 tháng Giêng năm 2016, trước sự kiện tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur của hải quân Hoa Kỳ áp sát đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa trong “chiến dịch tự do hàng hải” (FONOP), trong lúc vài tờ báo to mồm nhất của Trung Quốc cực lực lên án việc “Mỹ mở mặt trận thứ hai ở Biển Đông”, Bộ ngoại giao Việt Nam bất chợt giang thẳng tay “Việt Nam tôn trọng quyền đi qua vô hại trong lãnh hải”.
Có thể cho rằng đây là lần đầu tiên kể từ thời “đu dây” giữa Trung Quốc và Mỹ, giới cầm quyền Hà Nội mới có được một tuyên bố “minh bạch” đến thế, cho dù tất cả mới chỉ uốn éo trên phương diện phát ngôn.
Vào cuối Tháng Mười năm ngoái, khi diễn ra sự kiện một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường khác của Hoa Kỳ là USS Lassen đi qua khu vực 12 hải lý quanh bãi đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa (bãi đá này Trung Quốc đã tiến hành cơi nới xây dựng thành đảo nhân tạo), cánh tay người phát ngôn Việt Nam đã không giang ra mà nhân vật này chỉ đọc diễn văn: Việt Nam “tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông,” cùng “kêu gọi các bên liên quan đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định” ở Biển Đông.
Tuyên bố “đi qua vô hại” của Việt Nam mới đây đã khiến một số nhà phân tích tự hỏi phải chăng đã xuất hiện một cái gì đó mang tính tín hiệu về “thoát Trung tạm thời” của giới lãnh đạo Việt Nam.
Sự thật giật mình là mãi cho đến sát ngày khai mạc đại hội 12 của đảng cầm quyền ở Việt Nam, vài thông tin hiếm có được tiết lộ từ phía chính quyền mới cho người dân biết về 50 lần máy bay Trung Quốc lượn như chốn không người trên không phận Sài Gòn. Còn ở biển Vũng Tàu, tàu Trung Quốc vờn qua vờn lại không biết chán.
Không có và có lẽ hoàn toàn không có nước Nga. Trong phần lớn tình huống rủi ro được cài đặt bởi một chính quyền mang lời nguyền về địa lý, Việt Nam chỉ còn biết trông chờ vào người Mỹ, cho dù có thể còn lâu nữa Washington mới nhìn Hà Nội như một đồng minh chiến lược.
Không còn quá nhiều nghi ngờ rằng sau những tuyên bố “đi qua vô hại” và “muốn Mỹ đóng vai trò mạnh mẽ hơn ở Biển Đông”, nhiều khả năng Việt Nam đang tính toán việc chính thức dựa dẫm vào sức mạnh của hải quân Mỹ để bảo vệ vùng biển của mình.
Leave a Comment