Chúng ta đào tạo con người chỉ để phục vụ một kế hoạch đã định sẵn, một thiết kế định sẵn, một ý chí định sẵn, mà không đào tạo ra những con người biết vượt qua những cái định sẵn đó để tạo ra sự phát triển. Đây là cách giáo dục phục vụ cho nền kinh tế quan liêu bao cấp tập trung.
– Tiến sĩ Giáp Văn Thập
Đây là quan điểm của Tiến sĩ Giáp Văn Dương khi ông đề cập đến việc đất nước ta đang thiếu đi một triết lý giáo dục…
Quan điểm này được TS Giáp Văn Dương đưa ra khi ông có điều kiện trải nghiệm ở một số môi trường giáo dục tại các quốc gia tiên tiến trên thế giới như Anh, Singapore, Hàn Quốc, Áo, Nhật Bản…
Thi giỏi nhưng làm việc yếu
– Bằng sự trải nghiệm của mình, ông nhận định như thế nào về điểm khác biệt giữa nền giáo dục ở Việt Nam và các nước mà ông có cơ hội tìm hiểu, đặc biệt là chuyện thi cử?
Tôi đã trải nghiệm một số nền giáo dục khác nhau. Á, Âu đều có. Rồi cũng nhận ra rằng, Á vẫn là Á mà Âu vẫn là Âu, khác nhau một trời một vực. Chẳng hạn, Hàn Quốc vẫn còn nặng nề về thi cử. Gần như 100% học sinh đều tham gia luyện thi tối ngày để vào trường tốt.
Đến mùa thi đại học, các bà các mẹ lũ lượt vào chùa cầu may cho con cái đỗ đạt. Về mức độ thì còn nặng nề hơn cả ở Việt Nam, vì ở một nền kinh tế cạnh tranh như thế, và do truyền thống Nho giáo còn ảnh hưởng mạnh mẽ, không học đại học đồng nghĩa với một tương lai ảm đảm.
Singapore cũng vậy. Nhưng Singapore nói tiếng Anh nên thoáng hơn trong việc tiếp thu các tư tưởng và phương pháp giáo dục của Tây, đề cao tính thực dụng và sáng tạo. Truyền thống học để thi của Nho giáo vẫn ảnh hưởng mạnh lên hệ thống giáo dục Singapore, vì cộng đồng người Hoa vẫn chiếm đa số.
Thi cử là một phương tiện để đánh giá hiệu quả giáo dục, đã trở thành mục tiêu trong các nền giáo dục châu Á. Nhưng ở bên kia bán cầu thì rất khác. Như Áo hoặc Anh, nơi tôi học và làm việc, thì học hành thi cử rất nhàn.
Giáo dục có cả một truyền thống tư tưởng và triết lý bắt nguồn từ triết học, lại được sự hậu thuẫn của khoa học, và chạy trên nền tảng xã hội dân chủ, nên rất khoa học và hiệu quả. Đó thực sự là một phương tiện để phát triển con người, chứ không phải là đày đọa con người. Thi cử trong các nền giáo dục này chỉ là một trong nhiều phương tiện để đánh giá chất lượng dạy và học, chứ không phải là mục tiêu của giáo dục.
– Nói cách khác, họ hiểu rất rõ học để phát triển con người. Vậy phải chăng thi chỉ là phương tiện đánh giá học và dạy có tốt không thôi, thưa ông?
Thi cử là công cụ để đánh giá chất lượng của việc dạy và học. Ở đây phải nói rõ thêm một chi tiết nhỏ nhưng quan trọng mà chúng ta hay nhầm lẫn: Thi cử là công cụ để đánh giá chất lượng dạy và học theo những nội dung và mục tiêu được soạn sẵn, chứ thi cử không phải là dùng để đánh giá con người. Những gì được học chỉ là một phần nhỏ, nhưng xu hướng hiện nay đang sử dụng thi cử như là công cụ duy nhất để đánh giá con người. Đó là điều vừa vô lý, vừa đáng lo ngại.
Nhìn vào nội dung các kỳ thi là những người làm giáo dục dày dạn có thể nhìn thấy được hình dáng của những thế hệ sắp tới, hình dung được phần nào tương lai của đất nước. Thi cử nếu chỉ chú trọng vào học thuộc thì chắc chắn sẽ tạo ra một đất nước gia công, vì cả hai đều không cần sáng tạo, mà chỉ cần tuân thủ, bảo sao làm vậy.
(trang kế)
Leave a Comment