“…Chỉ có tham gia vào một tổ chức chính trị đứng đắn mới có thể tạo ra một lực lượng đối lập đủ sức đối trọng với Đảng CSVN. Thay vì cố gắng chen chân vào các hiện tượng “sáng lên rồi lại tắt” để rồi làm lợi cho Đảng CSVN và làm phân tán đi sự chú ý của người dân…
Nhân ngày 3/2/2016, ngày kỷ niệm 86 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam. Giáo sư Nguyễn Đình Cống tuyên bố rời bỏ Đảng Cộng Sản Việt Nam, ông là một nhân vật thú vị đã tạo ra một sự kiện “đặc biệt” đối với tôi.
Điều thú vị là giáo sư Nguyễn Đình Cống là người mà tôi đã từng không dành sự kính trọng của một trí thức trẻ đối với một tiền bối, bởi sự hy vọng và trông chờ của ông vào các cấp lãnh đạo tối cao Đảng Cộng Sản tự thay đổi. Nhưng chính sự kiện của giáo sư, một người “Thầy” đã từ bỏ Đảng đúng cái ngày ý nghĩa và thiêng liêng nhất của người Cộng Sản đã làm tôi sung sướng. Nó như một cú tát thẳng vào các cấp lãnh đạo Cộng Sản “già nua” bảo thủ và ngu dốt, nó còn là cú đấm nốc ao của một võ sĩ hạng nặng vào điểm yếu các trí thức đang chịu ơn Đảng Cộng Sản.
Sự kiện đó rất đáng để phong trào dân chủ và giới dân chủ quan tâm và cố gắng phát huy đúng ý nghĩa của nó. Điều đáng buồn là ít có ai để ý đến và xem sự kiện đó là điều đáng chú ý để phát huy hết ý nghĩa mà Thầy đã tạo ra, thay vào đó mà một hiện tượng “tự ứng cử Quốc Hội”.
Người chủ trương tự ứng cử vào Quốc hội là ông Nguyễn Quang A và có rất nhiều người cũng tự ứng cử theo. Đây là một hiện tượng không mới nhưng nó mới ở chỗ là có nhiều nhân vật nổi tiếng và các trí thức dân chủ tham gia, khiến nó trở nên rầm rộ như hiện nay.
Hiện tượng này nếu chúng ta không nhìn nhận và đánh giá một cách sâu sắc thì nó sẽ làm phân vân nhiều người và dù muốn dù không nó cũng đã gây ra nhiều tranh cãi. Tôi nghĩ trước khi một ai đó muốn tự ứng cử vào Quốc hội nên trả lời “ba câu hỏi chính trị” để tự hoàn thiện việc mình muốn làm.
Câu hỏi thứ nhất là “Chúng ta cần tự do dân chủ thật sự hay một thứ dân chủ viển vông?” Điều mà những người dân chủ và đất nước muốn là các giá trị của tự do-dân chủ-nhân quyền, tức là Đa Nguyên (Đa Đảng) và vai trò của chính phủ ngày càng nhỏ đi để các quyền dân sự và chính trị của công dân ngày càng lớn.
Với một bản hiến pháp của nhà nước Việt Nam XHCN năm 2013 phản bội hoàn toàn các giá trị tự do-dân chủ-nhân quyền. Một bản hiến pháp mị dân “dân chủ đến thế là cùng” mà tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đề cao là “một sự thành công của Đảng Cộng Sản”.
Điều đầu tiên cần làm của một trí thức chính trị là phải phê phán và lên án bản hiến pháp 2013 thay vì ngây thơ và chấp hành dẫn đến ngộ nhận và vô tình phản bội lại lẽ phải.
Câu hỏi thứ hai là “Vào Quốc hội với vai trò của một cá nhân hay tổ chức?” Chúng ta, những người dân chủ và các tổ chức dân sự-chính trị đều biết rằng chúng ta không đủ sức đối trọng với Đảng CSVN. Phong trào dân chủ chưa có một lực lượng hay một tổ chức dân sự-chính trị nào mạnh cả. Một vài cá nhân làm đại biểu Quốc hội không thể tạo nên một mùa xuân mà thay vào đó là chịu sự chèn ép “dân chủ đến thế là cùng” của bản hiến pháp 2013.
Chúng ta đều biết sự độc tài của Đảng Cộng Sản sẵn sàng đàn áp-thủ tiêu bất cứ người nào dám chống đối với Đảng CSVN (hiến pháp 2013). Và cuộc đấu tranh này luôn là một cuộc dấn thân có tổ chức, phong trào dân chủ sẽ không thành công nếu đấu tranh không có tổ chức. Tôi ủng hộ những ai tự ứng cử vào Quốc hội sau khi đã dấn thân vào một tổ chức chính trị bởi sự cố gắng vào Quốc hội sẽ mang lại lợi ích cho tổ chức rồi đến phong trào dân chủ và cuối cùng là dân tộc và đất nước.
Bên cạnh đó, những người chưa tham gia vào một tổ chức nào mà tự ứng cử quốc hội chỉ có thể là với vai trò cá nhân… Một cá nhân thì theo như tôi đã nói là sẽ không có sự thành công cho dù là vào được vòng giữ xe (Mặt trận Tổ Quốc), nếu có cũng không thể làm con én của mùa xuân Bính Thân.
Câu hỏi thứ ba là “Vào quốc hội để làm những gì?”. Chúng ta đều biết cái “Quốc hội bù nhìn” mà Đảng CSVN tạo ra chỉ để “xơi nước chè và tựa lưng ngủ”. Mỗi đại biểu không có quá 5 phút để “phát thanh”, thậm chí là ngồi ngáp tới tàn tiệc mà chưa được phát biểu và đại đa số đại biểu Quốc Hội là người của Đảng CSVN.
Quốc hội Việt Nam mỗi năm nhóm họp hai lần, mỗi lần khoảng một tháng và công việc chính của quốc hội là “đóng dấu” vào các thông tư, nghị định mà bên chính phủ đã soạn sẵn từ trước. Đại biểu quốc hội Việt Nam không có chức năng “làm luật” như các nước dân chủ và với tỉ lệ 30 người ngoài đảng trong số 500 đại biểu của đảng thì những người “tự ứng cử” sẽ làm được gì?
Một chức vụ vớ vẩn và một Quốc Hội bù nhìn không đáng để một trí thức, nhất là trí thức chính trị xin vào đó. Quốc hội Đảng CSVN là một nơi cần phải tránh xa, bởi nó không như Quốc Hội của các nước dân chủ.
Tôi cũng đã đọc một vài “Cương Lĩnh” của một số nhân vật tự ứng cử, thú thật là tôi cảm thấy nó sơ sài và “quá sức” với một cá nhân. Sơ sài ở chỗ ai cũng có thể viết như vậy, thậm chí còn viết hay hơn. “Đao to búa lớn” ở chỗ nó hứa hẹn một cách mông lung, không thực tế và thiếu logic trong khả năng của một cá nhân.
“Cương lĩnh chính trị” mà ông Nguyễn Quang A đưa ra là một cương lĩnh của một “Tổ chức chính trị”. Nếu cá nhân mà làm được những điều như ông nói thì cần gì đến các “đảng chính trị” trên thế giới nữa?
Đất nước chỉ thay đổi khi có một đội ngũ trí thức chính trị hùng mạnh với sự đồng thuận, sáng suốt và đoàn kết cao mới có thể thực thi một dự án chính trị đứng đắn. Chính trị rất rộng và không phải ai có nhiều bằng cấp là có thể làm chính trị, nó cần một sự cố gắng học tập và làm việc có tổ chức xuyên suốt thời gian của một đời người. Phải nói là những bản Cương Lĩnh đó không bao giờ thực hiện được với cá nhân một người, tôi có cảm giác là họ đang xem chính trị như một trò chơi nếu không muốn nói là họ thiếu hiểu biết về chính trị.
Đây là ba câu hỏi của tôi, riêng cá nhân tôi. Tôi nghĩ chúng ta, giới trí thức và những người đang ứng cử và có ý định tự ứng cử nên tham khảo ba câu hỏi trên. Tôi trân trọng sự cố gắng của những người đang muốn thức tỉnh quyền bầu cử của nhân dân. Nhưng hàng trăm điều nhố nhăng, phản bội lại các giá trị tự do dân chủ của bản hiến pháp 2013 vẫn đang nằm một cách trơ trẽn trên giấy trắng mực đen.
Điều mà chúng ta, các trí thức, nhất là trí thức chính trị cần làm là tìm ra một tổ chức chính trị đứng đắn để tham gia. Chỉ có tham gia vào một tổ chức chính trị đứng đắn mới có thể tạo ra một lực lượng đối lập đủ sức đối trọng với Đảng CSVN. Thay vì cố gắng chen chân vào các hiện tượng “sáng lên rồi lại tắt” để rồi làm lợi cho Đảng CSVN và làm phân tán đi sự chú ý của người dân…
Nguyễn Hòa Bình/(Thông Luận)
Leave a Comment