Thật là một ngày đầy kịch tính. Vở kịch cho tới lúc này vẫn chưa mất hết tính thời sự và hấp dẫn bởi không ai đoán được kết cục của nó ra sao. Người thì tin vai ác vẫn…ác kẻ thì cho rằng đã đến lúc phải thay đổi cách nghĩ về lịch sử cũng như vai trò của quần chúng. Vở kịch được các vai diễn xuất sắc, chỉ có một vai đang được khán giả chờ xem nhất lại …không ra sân khấu. Thất vọng, khán giả réo tên ông liên tục, trong tiếng réo ấy văng vẳng có tiếng chửi, bảo ông đang lừa tiền vé của người nghèo.
Chắc ông Đinh La Thăng cũng không ngờ dân chúng Sài Gòn lại cuồng ông đến thế, đến nỗi đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược cũng mang ông ra làm đối tượng để lớn tiếng kêu gào mặc dù lúc ấy ông có thể quên hoàn toàn, không nhớ cái ngày 17 tháng Hai là ngày mà cả miền Bắc năm xưa ngập mùi thuốc súng. Lúc ấy ông vừa 19 tuổi và chúng tôi tin là ông ở Hà Nội nên không biết được người dân 6 tỉnh biên giới Việt Trung bị bọn xâm lược tàn sát như thế nào. Cả cuộc đời ông không có cơ hội cầm súng và vì vậy ông không biết tiếng nổ bộc phá làm cho tai người lính ù tai ra sao và tiếng AK47 của quân thù bắn vào mình âm thanh của nó có khác với tiếng súng M16 của đế quốc Mỹ hay không.
Tiếng AK dĩ nhiên là to và mạnh hơn, nhưng vì nó được cầm trong tay người đồng chí phương bắc nên rõ ràng nó tàn bạo và thù hận hơn nhiều. Ngày xưa ông không biết, 37 năm sau ông cũng không muốn biết và vì vậy người dân réo cho ông biết.
Họ tập trung tại bến Bạch Đằng dưới chân tượng Trần Hưng Đạo chỉ với lý do duy nhất: nhắc nhở cả nước rằng ngày này 37 năm xưa bọn Trung Quốc đã xua quân tàn sát người Việt.
Họ tin sáng hôm 17 tháng hai năm 2016 sẽ khác năm ngoái, ít nhất là không bị cản phá, cướp bóc và chà đạp như mọi năm. Họ tin vậy vì thấy ông về lãnh chức Bí thư Thành ủy, chức lớn như trời và họ tin, tin không cần suy nghĩ.
Ngoài Bắc ông Trương Tấn Sang thắp nhang tạ tội với hơn 300 anh linh liệt sĩ trong trận chiến biên giới. Ông Sang tạ tội vì ông đã không đủ can đảm làm công việc này trước đây trong khi xương cốt con người mỗi ngày mỗi mục nát. Ông Sang trước khi về an hưởng giàu sang phú quý đã hành xử như một đứa con hư quay về với gia đình bằng sự cúi đầu.
Ông khác với ông Sang vì ông cảm thấy mình không có gì phải tạ lỗi. Vâng, có thể ông đúng, nhưng chỉ đúng từ ngày hôm qua trở về trước bởi hôm nay ông đã bắt đầu vướng vào cái lỗi mà cả đảng cộng sản đang mang. Người theo đạo nói là tội tổ tông, không làm vẫn chịu. Còn người theo đảng nói là lỗi hệ thống.
Ông là kỹ sư nên công việc của ông là bù lon con táng. Nơi ông đang ngồi không thích hợp cho ông chút nào vì ông không phải là một chính trị gia khôn ngoan. Người dân ngộ nhận vai trò của một người chuyên môn nhưng thiếu kỹ năng ứng phó nhân văn, thiếu luôn cả kiến văn lịch sử và nỗi đau của dân tộc từ các trang sử bằng máu ấy. Ông theo đúng gót chân của những người vừa từ thành phố Hồ Chí Minh ra đi với niềm tin cứ làm tốt công việc của mình là đủ.
Ông có nghe tiếng gào rú tại bến Bạch Đằng réo tên ông khi vòng hoa bị chà đạp, dày xéo không thương tiếc hay không? Bọn người đạp vòng hoa ấy là lính của ông, chúng không tự ý làm mà phải nhận được chỉ đạo từ cấp cao nhất là ông, cái cấp mà ông vẫn tự hào qua cách dùng “tư lệnh”.
Ông trảm khá nhiều tướng nhưng đối với lính thì có vẻ ông sẽ chịu thua. Ông có đuổi cổ 100 thằng tại hiện trường hôm nay thì cũng chằng danh giá gì, ngoại trừ ông đuổi cổ chính cái người ngồi tham mưu cho ông sau chiếc cánh gà của Ủy ban Nhân dân Thành Phố. Ông chủ quan không tham khảo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nay là lính của ông, về những diễn biến trước đây để ông không bị việt vị trong trận banh không có trái bóng này.
Nói tới bóng người dân Sài Gòn lại ghen tỵ với đội bóng NoU tại Hà Nội. Những chàng trai ấy đã làm cho người dân Thủ Đô có một ngày tưởng niệm trước tượng đài Lý Thái Tổ tuyệt vời. Nhìn hình ảnh các khuôn mặt cứng cỏi của nhân sĩ trí thức hòa với những người trẻ và không ít là dân oan, người dân cả nước rộn lên niềm tự hào khó diễn tả. Cùng nhận chức như ông nhưng ông Hoàng Trung Hải và Nguyễn Đức Chung lại được tiếng tốt lần này. Họ không cần làm gì to lớn cả chỉ cần nói nhỏ với thuộc hạ một câu: đủ rồi đừng nịnh Trung Quốc nữa.
Ông không có cái mẫn cảm của một nhà chính trị nên khó mà thấy rằng trong cuộc thắp hương tưởng niệm tại tượng đài Lý Thái Tổ sáng hôm 17 tháng Hai 2016 không có một màu đỏ nào hiện diện như thường thấy mấy chục năm qua. Không màu đỏ trên băng rôn, biểu ngữ và cả một lá cờ tổ quốc cũng không có nữa.
Tại sao ông biết không?
Trước đây người biểu tình cả tin rằng khi mang cờ tổ quốc hay hình ảnh bác Hồ đi biểu tình chống Trung Quốc thì cánh an ninh sẽ chùn tay. Thế nhưng sự thật khác hẳn, cờ cũng xé và hình cũng đạp lên thoải mái. Sự thật ấy khiến ngày hôm nay họ nói “không” với cờ tổ quốc lẫn hình bác Hồ, hai lá bùa này đã tỏ ra hết hiệu lực. Cánh hoa tím trên tờ giấy họ cầm nói lên tất cả: Không có biểu tượng nào có thể làm cho người cộng sản sợ sệt cho bằng sự đoàn kết của lòng dân.
Dân Sài Gòn chúng tôi lấy làm tiếc cho ông. Đinh La Thăng từ nay đã hết linh như màu cờ mà người dân từng dựa vào, tuy chỉ là niềm tin mong manh, dễ vỡ. Tiếc cho ông đã không nắm lấy cơ hội ngàn vàng tạo cho mình một thế đứng vững vàng, vững vàng hơn nhiều lần những gì mà Đảng đã hào phóng tặng cho ông. Đảng không còn gì nữa ban phát cho ông đâu mà chính người dân mới là tác nhân làm cho bộ máy lỗi thời, lạc hậu chuyển động và ông sẽ là “tư lệnh” đúng nghĩa chứ không phải trảm một hai con cá mà đã thành tư lệnh ông ạ.
Tiếc và buồn./.
Leave a Comment