Đông Nam Á là một vùng đang có những chuyển biến. Sự trỗi dậy của Trung Quốc thành cường quốc trong vùng vừa thúc đẩy tăng trưởng cũng vừa có cạnh tranh, buộc các chính quyền phải tính toán. Tuy thế, tại phía đông của Đông Nam Á với đầy các chính quyền độc đảng thì các thay đổi chính trị thường chậm và khó thấy – và ít khi minh bạch. Những tuần lễ vừa qua minh chứng cho chiều hướng này tại Việt Nam và Lào, với các đảng cộng sản cầm quyền lâu năm trải qua các cuộc thay đổi lãnh đạo đầy gay gắt.
Ở cả hai quốc gia, tranh luận giữa giới lãnh đạo đảng đặt trọng tâm vào việc làm cách nào tốt nhất để tận dụng sự tăng trưởng của Châu Á và hòa vào thế giới. Mối quan tâm chính là xử sự quan hệ với Trung Quốc. Trong cả hai quốc gia, tuy thế, các thay đổi lãnh đạo không đưa đến những thay đổi cơ bản về chiến lược hay hướng kinh tế. Thay vào đó, những thay đổi náo nhiệt tại các thủ đô này phần lớn đến từ ước muốn gìn giữ tính chính danh của sự cai trị độc đảng trong khi bối cảnh vùng và nội địa đang thay đổi nhanh chóng.
Tranh luận tại Việt Nam: Không chỉ giữa Đông và Tây
Tại Việt Nam có một sự đấu đá chính trị hiếm có xoay quanh Đại Hội Đảng. Chức vụ chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch quốc hội được thông qua êm thắm. (Họ sẽ được bầu chính thức trong cuộc bỏ phiếu biểu kiến của Quốc Hội vào tháng Năm). Bộ Chính Trị được tăng thêm ba thành viên để có thêm tiếng nói đại diện của các vùng và phe phái. Nhưng cuộc tranh giành chức vụ tổng bí thư, chức vụ quyền lực nhất, gây nguy cơ khủng khoảng chính trị tại Hà Nội. Rốt cuộc lại Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng biến chiêu không ngờ để lật Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và chiếm được ghế tổng bí thư ít nhất là thêm hai năm. Dư luận cho rằng kết quả này là phe bảo thủ thân Trung Quốc đã thắng phe cải cách thân Mỹ.
Hà Nội quả thật có chia đôi về đối sách với Trung Quốc, nhưng những tranh cãi chính trị xoay quanh đại hội không dính gì nhiều đến lập trường chính sách. Dầu sau đi nữa, cả hai ông Trọng và Dũng đều có mối ràng buộc với Bắc Kinh, và ông Trọng phê chuẩn một số bước thân Tây Phương, khiến Bắc Kinh tức giận. Như Stratfor đã giải thích trước đây, nhu cầu địa chính trị của Việt Nam chống lại sự bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông cũng như giảm bớt sự lệ thuộc kinh tế buộc bất cứ lãnh đạo nào của Việt Nam đeo đuổi các hiệp ước kinh tế và an ninh với các cường quốc khác. Trong giới lãnh đạo mới, bốn người đầu đàn đã từng thăm viếng Hoa Kỳ trong vòng hai năm qua. Hai người trong Bộ Chính Trị có học vấn từ Hoa Kỳ.
Trong khi đó, sự đồng thuận về nhu cầu hội nhập với kinh tế Tây Phương được nhấn mạnh nhiều lần trong các tài liệu về chính sách và trong các phát biểu suốt Đại Hội Đảng. Đáng lưu ý, Trung Ương Đảng gồm 200 thành viên, hậu thuẫn Việt Nam tham gia vào Hiệp ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Và từ sau khi đại hội, Hà Nội đã bỏ nhiều nỗ lực để phản bác dư luận cho rằng ông Dũng thất thế sẽ đe dọa hướng đi về kinh tế thị trường của Việt Nam.
Thay vì thế, sự tranh giành quyền lực đến từ ước muốn của các bậc lão thành trong Đảng duy trì mô hình lấy quyết định tập thể, xoay quanh Bộ Chính Trị có khuynh hướng bảo thủ – một mô hình mà ông Dũng muốn thay đổi khi ra tranh chức tổng bí thư. Xa hơn, trọng tâm nằm ở chỗ lấy lại quyền kiểm soát tốc độ hòa nhập vào thế giới và cởi mở kinh tế của Việt Nam để ngăn ngừa chúng phá vỡ lợi ích của Đảng.
Là mẫu người lôi cuốn, ông Dũng chủ trương cải cách kinh theo kiểu riêng. Ông dùng quyền lực trong tay và hệ thống đàn em để dựng lên một thế lực to lớn, cùng với nhiều mối ràng buộc chặt với giới đầu tư nước ngoài trong thời gian 10 năm làm thủ tướng. Nhưng Việt Nam thực ra do một ủy ban cầm quyền, một mô hình lập ra để ngăn ngừa sự phân chia ba miền. Và sự thăng tiến quá lẹ của một tay chơi chính trị như Dũng (đến từ miền nam trù phú) cùng với quyền lực gia tăng của nhóm miền nam trong Trung Ương Đảng, được xem là gây bất ổn cho thế quân bằng nội bộ được duy trì cẩn thận trong đảng.
Hơn thế nữa, khi văn phòng thủ tướng và các cơ chế nhà nước khác trở nên mạnh hơn quyền của ông Dũng tạo ra mối lo là nhà nước sẽ biến hóa thành một khối quyền lực song hành với Đảng. Về mặt cải cách kinh tế, các tay bảo thủ lão thành xem ông Dũng là kẻ nhiệt thành với chủ nghĩa tư bản bè phái và có nguy cơ bị kẹt cứng trong mạng lưới bè phái đó – cũng như vai trò của ông Dũng trong một số vụ sụp đổ kinh tế nổi tiếng và các vụ tham nhũng làm tổn hại đến niềm tin của người dân vào Đảng. Về mặt quan hệ với Trung Quốc, ông Dũng bị xem là liều lĩnh, sẵn sàng hành động không cùng nhịp với quan điểm chung.
Thành ra ông Trọng và các đồng minh bảo thủ dàn xếp một thỏa hiệp để ông Dũng về hưu nhưng duy trì tiếng nói của các phe và miền, để tránh khủng hoảng trong Trung Ương Đảng mà thoạt đầu bất bình với những đòn phép thủ tục ông Trọng dàn dựng để kềm chân ông Dũng. Trong tương lai gần, việc thu xếp này khá tốt cho sự ổn định và tiếp tục chính sách, ngăn ngừa các phe pháp giành giựt quyền lực khi 12 thành viên Bộ Chính Trị về hưu.
Nhưng mô hình lấy quyết định tập thể của Việt Nam sẽ làm Hà Nội có nguy cơ tê liệt và chính sách rời rạc, khiến cho họ không thích ứng kịp thời với những đòi hỏi của tầng lớp quần chúng hiện đại hóa mau lẹ, với thành phần trẻ đông. Ngay cả dưới quyền của ông Dũng, cải cách kinh tế cũng chỉ lê lết tiến lên. Lấy thí dụ, chính quyền không đạt được mục tiêu tư hữu hóa gần 300 xí nghiệp quốc doanh trong năm 2015 (và trong số đó, không có bao nhiêu cổ phần tư được bán).
Khó khăn này phần nào đến từ mô hình điều hành tập thể của Hà Nội, khi mà một số ít đảng viên cao cấp có quyền chặn đứng những chính sách bất lợi cho họ – vốn dĩ được hưởng lợi ích từ một hệ thống nặng nề bè phái và sự giàu đó đến từ việc bảo vệ các nhóm lợi ích. Mô hình này sẽ tiếp tục làm chậm lại việc hiện đại hóa Việt Nam, mặc dầu có sự đồng thuận về hướng đi của quốc gia này.
Page: 1 2
Leave a Comment