Mặc dầu Đại Hội Đảng thứ 12 của Việt Nam được xem như là sự tranh giành quyền lực giữa hai nhân vật đương nhiệm là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nó cũng có thể được ghi nhớ như là đánh dấu sự thay đổi thế hệ của thượng tầng lãnh đạo. Tuy rằng thay đổi thế hệ không chắc là dẫn đến những thay đổi lớn. Thật vậy, với tất cả những căng thẳng, hồi hộp xoay quanh đại hội, không khí hiện thời tại Việt Nam là một sự thất vọng.
Chuyện gì đã xảy ra? Bằng một mớ biện pháp thủ tục và đòn phép chính trị khéo léo gây ngạc nhiên cho nhiều người, Nguyễn Phú Trọng chiếm được thêm một nhiệm kỳ tổng bí thư nữa. Trong tiến trình đại hội, ông và nhóm hậu thuẫn dường như đã cắt ngắn sự nghiệp chính trị của Nguyễn Tấn Dũng, đương kim thủ tướng, người mà chỉ mới có vài tháng gần đây được xem như là nhân vật có ưu thế trở thành tổng bí thư.
Thành tích của ông Dũng cũng chính là sự sụp đổ của ông ta. Mặc dầu được xem như là nhân vật cải cách, thành tích của ông ta không xứng với tên gọi. Ông chủ yếu là một chính trị gia khéo léo gầy dựng lên một phe cánh đầy quyền thế và đề xướng những cải cách có lợi cho nhóm lợi ích và các nhà đầu tư nước ngoài, mà đôi khi gây bất lợi cho nền kinh tế của quốc gia. Trong khi ông Dũng tự tô vẽ cho mình là người muốn có một Việt Nam cởi mở và dân chủ hơn, thì giới chỉ trích bác bỏ hình ảnh đó. Thế nhưng, mặc dầu giới chỉ trích không hài lòng chút nào, phong cách bí ẩn và khôn khéo của ông Dũng đã khiến nhiều người Việt Nam xem cuộc tranh giành chức tổng bí thư là một hướng di mới cho nền chính trị Việt Nam, tuy không hoàn hảo, những ít ra đem lại một số thay đổi.
Thay vào đó, điều ngược lại đã xảy ra. Nhóm bảo thủ trong đảng là những người khoái trá. Ngay sau Đại Hội, báo chí nhà nước đăng đầy hình ảnh ông Trọng được đám đàn em chúc tụng. Ngược lại hình ảnh của ông Dũng cho thấy ông đứng lẳng lặng chịu đựng hoặc xoay lưng đi ra cửa.
Bây giờ thì sao? Trong giới cư dân mạng Việt Nam đầy sôi nổi và trong giới truyền thông quốc tế, kết quả của việc kế thừa lãnh đạo được coi như là phiếu biểu quyết cho sự liên tục của Đảng Cộng Sản. Đây là một kết luận xác đáng. Xét cho cùng chính ông Trọng, dù cho có giáo điều và bị chế diễu cách mấy đi nữa, vẫn là người thắng cuộc. Ông Trọng chứ không phải ông Dũng sẽ là tổng bí thư trong vòng ít nhất hai năm nữa và có thể là 5 năm. Nhưng vẫn chưa rõ là ai sẽ thay thế ông Trọng sau khi hết nhiệm kỳ. Và hướng đi dài hạn cùng tinh thần của chính trị thượng tầng vẫn là một câu hỏi mở.
Có những chỉ dấu liên tục khác. Một thí dụ là có đầy dẫy nhân sự công an và giáo điều trong bộ chính trị. Chủ tịch nước mới là trùm công an. Còn hai chức danh cao cấp khác – thủ tướng và chủ tịch quốc hội – gồm có một viên chức không gì đặc sắc từ miền trung và một người miền nam tuy có khả năng trong các chuyện xã hội, vẫn chưa tạo nổi bật cho chính bà.
Có lẽ tính liên tục quan trọng nhất là Việt Nam vẫn là một quốc gia do một ủy ban cầm quyền, mặc dầu có lời kêu gọi “cải cách chính trị gấp rút” từ vị bộ trưởng kế hoạch sắp hết nhiệm kỳ. Ở khía cạnh này Việt Nam khác với hầu hết các quốc gia khác trên thế giới. Cơ phận chính trị tối cao của quốc gia, Bộ chính trị, bây giờ có 19 thành viên.
Thiếu ông Dũng, chúng ta có đặt giả sử là cải cách tại Việt Nam sẽ chậm lại chăng? Có lẽ không. Bộ chính trị mới có một số thành viên trẻ, có khả năng và nghị lực tiêu biểu cho một số lãnh vực then chốt như tài chánh và ngoại giao. Và tinh thần chung của chính trị Việt Nam, tuy có khập khiễng, không phải là bất động.
Và có áp lực thay đổi. Tuy bảo đảm rằng lợi ích dài hạn của Đảng vẫn là mục tiêu then chốt, giới lãnh đạo Việt Nam cũng cam kết nới rộng và thắt chặt quan hệ quốc tế. Tất cả tứ trụ của Việt Nam đều đã viếng thăm Hoa Kỳ năm ngoái và toàn thể Bộ chính trị và Trung ương đảng nhìn nhận Hoa Kỳ là một đối tác giao dịch và an ninh không thể thiếu được. Rõ ràng là thời thế đã đổi thay, ngay cả khi người bảo thủ đang cầm chịch.
Việt Nam có nhiều triển vọng. Nhưng đa số chuyên gia cho rằng nền kinh tế của quốc gia này – bị yếu đi vì tản quyền quá độ và lấy quốc doanh làm trọng điểm – lẽ ra phải hoạt động tốt hơn. Nhóm lãnh đạo mới có nhìn ra được điều này và có khả năng để có những cải tổ sâu rộng không là điều không chắc chắn. Người dân Việt Nam khát khao thay đổi, nhưng họ không nắm quyền.
Điều không rõ ràng nhất có lẽ là ông Trọng sẽ đối phó thế nào với sự bành trướng của Trung Quốc. Và Bắc Kinh sẽ hành xử ra sao. Hiện nay việc quân sự hóa Biển Đông đang diễn ra tối đa. Trong quá khứ ông Trọng cổ võ cho hướng hòa hoãn đối với Trung Quốc. Không riêng gì ông Trọng mới nhìn thấy là có lợi hơn cho Việt Nam khi có mối quan hệ càng tốt chừng nào thì hay chừng đó với Bắc Kinh. Tuy thế gìn giữ mối quan hệ láng giềng đã trở thành một thử thách lớn. Khi bị dồn vào góc kẹt, quần chúng Việt Nam đòi hỏi giới lãnh đạo phải bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Vậy hiện tình Việt Nam như thế nào? Với sự chọn lựa lãnh đạo hiện nay, Việt Nam sẽ đi thụt lùi? Có lẽ không. Nhưng lý do không phải vì chính trị thượng tầng. Người dân Việt Nam ngày càng can dự vào chính trị nhiều hơn. Họ đòi hỏi cải tổ, quyền hạn, và minh bạch hơn, và nhà nước có phản ứng một cách chậm chạp. Việt Nam hiện nay mang dáng vẻ của một nhà nước độc đoán với một số tự do, tuy vẫn có những vi phạm nhân quyền thường xuyên, nhưng không thể bít kín những trao đổi cởi mở về các vấn đề xã hội và chính trị.
Cho tương lai trước mắt, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng. Nhưng phẩm chất của sự tăng trưởng đó, và mức độ mà nó mang lợi ích cho người dân, cùng với vấn đề an ninh quốc phòng và những thử thách về nhân quyền là những mối quan tâm lớn nhất cho Việt Nam hiện nay. Liệu và làm thế nào giới lãnh đạo Việt Nam sẽ giải quyết những vấn đề này vẫn còn là điều mơ hồ.
Jonathan D. London là giáo sư Phân khoa Nghiên Cứu Châu Á và Thế Giới, và thành viên cột trụ của Trung Tâm Nghiên Cứu Đông Nam Á tại Đại Học Thành Phố Hồng Kông.
Hoàng Thuyên lược dịch
Theo East Asia Forum – 4/2/2016
Leave a Comment