AUKLAND, NEW ZEALAND – Việt Nam cùng 11 nước thành viên khác tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa hoàn tất lễ ký kết xác thực Hiệp định TPP vào lúc 11 giờ sáng hôm nay, 4 tháng 2 ngày giờ địa phương tại Aukland (tức 5 giờ sáng cùng ngày ở Việt Nam).
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã đại diện Việt Nam đặt bút chính thức ký Hiệp định TPP cùng với các bộ trưởng của các quốc gia còn lại gồm Mỹ, Nhật, Malaysia, Singapore, Brunei, Úc, Canada, Mexico, Chile, Peru và New Zealand, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng New Zealand là ông John Key.
Như vậy Hiệp định TPP, là một trong những thỏa thuận thương mại đa quốc gia lớn nhất, quy tụ 12 quốc gia tham gia đang nắm giữ 40% nền kinh tế thế giới, đã trở thành hiện thực sau hơn 10 năm vận động hình thành và đàm phán.
Phát biểu tại lễ ký kết, Thủ tướng New Zealand nói Hiệp Định TPP thúc đẩy tự do hóa thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương trên khắp khu vực, và nó sẽ mang lại những lợi ích tốt nhất cho tất cả 12 nước thành viên cũng như công dân các nước này.
Sau khi chính thức ký kết, các quốc gia có hai năm để hoàn thành việc phê chuẩn hay từ chối hiệp định trước khi nó có hiệu lực.
Theo lời Bộ Trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, sau lễ ký, văn bản hoàn chỉnh này sẽ được đệ trình lên Quốc Hội Việt Nam để phê chuẩn. Cũng theo ông, Hiệp định TPP sẽ củng cố và mở rộng các mối liên kết cùng có lợi giữa 12 nền kinh tế thành viên, tăng cường năng lực cạnh tranh trong khu vực và trên toàn cầu cho các thành viên. Ông còn khẳng định rằng Việt Nam là một trong những nước được đánh giá sẽ hưởng lợi lớn từ TPP, đặc biệt trong các lãnh vực dệt may, da giày…
Việc ký kết TPP có thể coi là cột mốc lớn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, và việc tham gia TPP sẽ mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam. Tuy nhiên, TPP cũng sẽ đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam trong những vấn đề như quy mô, chất lượng nền kinh tế còn thấp so với các nước thành viên TPP khác. Năng lực cạnh tranh cả về sản phẩm, doanh nghiệp, quốc gia của Việt Nam đều hạn chế. Bên cạnh đó chất lượng nhân lực về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp đều còn hạn chế, và cần cải thiện những quy luật hoạt động công đoàn tự do theo quy định của TPP.
Bộ Trưởng Công Thương cho biết, nhằm chuẩn bị cho giai đoạn thực thi các hiệp định thương mại tự do trong đó có TPP, Chính phủ đã tập trung ưu tiên thực hiện một số biện pháp như hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý đặc biệt liên quan đến các hiệp định, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước, cải cách thủ tục hành chính để tăng tính cạnh tranh của môi trường kinh doanh.
Leave a Comment