SÀI GÒN – Theo sự thăm dò của Báo Pháp Luật Thành Phố HCM hôm cuối Tháng Giêng, 2016 với 1.710 đối tượng về Thông Tư 01 của Bộ Công An đã có kết quả đáng quan tâm: 89% không đồng ý. 7% cho trưng dụng khi cần thiết. 3% đồng ý. 1% có ý kiến khác.
Thông tư 01/2016 do Bộ Công An ban hành nhằm quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh Sát Giao Thông qua đó có quyền trưng dụng tài sản của người dân trong lúc thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát giao thông đã và đang trở thành một vấn đề lo âu trong dư luận. Thông tư nói trên bắt đầu hiệu lực từ ngày 15 Tháng Hai, 2016.
Các Luật sư cho rằng Thông Tư nói trên là trái luật. Điều 23 của Hiến pháp quy định về quyền sở hữu tài sản của công dân và Luật trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008 đã quy định là chỉ có cấp Bộ trưởng Tài Chánh, Quốc Phòng, Công An, Giao Thông Vận Tải và Chủ tịch Ủy ban Nhân Dân mới có quyền ban hành quyết định trưng dụng tài sản.
Đặc biệt để tránh lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, Luật trưng mua, trưng dụng tài sản cũng yêu cầu “Người có thẩm quyền không được cấp thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản.”
Theo Luật sư Trần Đình Thiên cho rằng Thông Tư 01 của Bộ Công An đã không chỉ vi phạm Luật mà còn tạo điều kiện cho Cảnh Sát Giao Thông lạm dụng quyền hạn.
Các loại tài sản có thể bị trưng dụng khá rộng, từ chiếc xe máy đến máy chụp ảnh, máy quay phim, hay chiếc điện thoại trong túi quần, máy tính xách tay… đều có thể bị Cảnh Sát tịch thu dưới hình thức “trung dụng, trung thu” không phải vì mục đích an toàn giao thông mà vì mục đích khác.
Một vấn đề khác mà Luật sư Nguyễn Đức Long cũng như nhiều cư dân mạng nêu ra là vấn đề bảo quản tài sản của người dân khi bị trưng thu, trưng dụng như thế nào không được Thông Tư nêu ra.
Câu hỏi được nêu ra là nếu làm hỏng tài sản bị trưng thu thì trách nhiệm bồi thường sẽ do bộ phận nào chịu trách nhiệm đền bù.
Luật sư Phan Ngọc Nhàn thuộc Đoàn Luật sư Dắk Lắk còn nêu câu hỏi rằng: điện thoại thông minh có thể chứa cả kho dữ liệu về nhân thân như hình ảnh, video, tin nhắn đến các ứng dụng về công việc, lịch trình sức khoẻ, thói quen, hành vi… Sau khi trưng dụng CSGT khai thác, sử dụng hoặc làm mất hay cố tình để người khác sử dụng thì sao? Đây là điều rõ rệt vi phạm quyền riêng tư được quy định trong Hiến Pháp 2013.
Luật sư Bùi Quốc Tuấn thuộc Đoàn Luật sư TP HCM cho rằng Bộ Công An đã mở rộng thẩm quyền của CSGT mà không tính đến hậu quả gây ra cho người dân. Đó là khi CSGT trưng dụng những thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính xách tay là những đồ dùng có ảnh hưởng quan trọng đến đời sống hàng ngày của người dân mà lại làm hư hay sử dụng cho mục đích khác chắc chắn sẽ gây tác hại khó lường.
Đa số dư luận đều chống Thông Tư 01/2016 và cho rằng nếu nó được áp dụng sẽ chỉ gia tăng sự lạm quyền của CSGT.
Được biết vào năm 2013, Cục Cảnh Sát Giao Thông Đường Bộ – Đường Sắt đã ban hành Công Văn 1042 về việc cấm bất kỳ người dân nào quay phim, chụp hình CSGT mà không xin phép hay có sự đồng ý.
Công văn này đã tạo ra làn sóng phản đối mạnh mẽ trong dư luận vào lúc đó khi cấm công dân chụp hình, quay phim để làm bằng chứng về những trường hợp nhũng nhiễu của CSGT khi làm nhiệm vụ. Cuối cùng, Bộ Công An đã phải chỉ thị Cục Cảnh Sát Giao Thông Đường Bộ – Đường Sắt phải thu hồi Công Văn 1042 vì vi phạm luật.
Với làn sóng phản đối mạnh mẽ hiện nay, Bộ Trưởng Bộ Công An Trần Đại Quang phải thu hồi Thông Tư 01/2016 trước khi bùng nổ thành những cuộc phản kháng mạnh mẽ trên toàn quốc.
Leave a Comment