Đảng Cộng Sản Việt Nam chọn Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí Thư vào thứ Tư tuần trước. Điều này có nghĩa là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, được cho là người có khuynh hướng cải tổ kinh tế và diều hâu đối với Trung Quốc, sẽ nhiều phần về hưu cuối năm nay. Ông Dũng đã vận động để lên làm Tổng Bí Thư dựa trên nhiều thành tích đã đạt, và ông ta có phong thái lãnh đạo gần gũi với quần chúng hơn. Sự thất bại của ông cho thấy là nhóm bảo thủ trong Đảng vẫn nắm chặt quyền hành.
Làm thủ tướng từ năm 2006, ông Dũng lôi kéo được nhiều mối đầu tư nước ngoài ở cấp cao và làm tăng GDP đầu người lên 2.100 Mỹ kim. Ông đưa Việt Nam vào hiệp ước TPP và ký hiệp ước giao dịch tự do với Liên Âu, là đối tác giao dịch lớn thứ nhì của Việt Nam sau Trung Quốc. Kinh tế tăng trưởng 6.6%, cao nhất trong 5 năm qua.
Ông Dũng còn phản ảnh nỗi giận dữ của quần chúng về hành động xâm lấn của Trung Quốc trên Biển Đông. Sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan dầu vào vùng biển Việt Nam trong năm 2014 và gây ra những cuộc bạo loạn chống Trung Quốc, ông Dũng tuyên bố, “Chúng tôi không chấp nhận đánh đổi chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”.
Nhưng ông Dũng cũng gây thù chuốc oán từ các đồng chí của ông. Theo họ thì thành tích kinh tế của ông bị phá hỏng bởi nạn bè phái, nợ công gia tăng và sự sụp đổ của các tổng công ty Vinashin và Vinalines. Ông còn bày tỏ tham vọng một cách công khai trong một hệ thống chuộng sự đồng thuận và lãnh đạo vô danh.
Ông Trọng khó mà đảo ngược những tiến triển cải tổ của 5 năm qua. Chính ông hậu thuẫn cho ông Dũng để có những thay đổi quan trọng đa dạng hóa nền kinh tế Việt Nam và đồng ý hợp pháp hóa công đoàn độc lập để đủ điều kiện vào TPP.
Về chính sách ngoại giao, ông Trọng hòa hoãn hơn với Trung Quốc, và ông giữ yên lặng trong lúc xảy ra vụ giàn khoan năm 2014. Nhưng hai năm trước đó ông ban hành Luật Biển Việt Nam mặc dầu có sự chống đối của Trung Quốc. Vào tháng Bảy vừa rồi ông là Tổng Bí Thư đầu tiên đến thăm Hoa Kỳ và nói với bổn báo là việc “xoay trục” của Hoa Kỳ về Châu Á giúp đem lại ổn định trong vùng.
Phòng vệ là sách lược cơ bản của Hà Nội, và sẽ không thay đổi. Việt Nam có dân tộc tính cao nhưng không thể né tránh anh hàng xóm khổng lồ phương bắc. Thái độ hung hãn của Trung Quốc trên biển đe dọa sự tự do hải hành và tài nguyên thiên nhiên cũng như uy tín của chế độ. Không phải ngẫu nhiên là lúc Tập Cận Bình đến thăm Việt Nam vào Tháng 11 thì Việt Nam cũng đón chào bộ trưởng quốc phòng Nhật và mời chiến hạm Nhật ghé thăm cảng Cam Ranh.
Trong khi đại hội Đảng diễn ra tuần này, Hà Nội thông báo dự án lập trung tâm kiểm soát vệ tinh Ấn Độ trên lãnh thổ Việt Nam. Trong lúc đó, Bắc Kinh lại lần nữa đưa giàn khoàn vào vùng biển tranh chấp và cho phi cơ bay ngang không phận Việt Nam. Những động thái như thế giải thích tại sao chỉ có 19% dân Việt Nam nhìn Trung Quốc với thái độ thân thiện so với 78% đối với Hoa Kỳ.
Chương trình kinh tế của ông Trọng cũng có thể là một lối phòng vệ. Tuy không ai nghĩ là ông sẽ dẹp TPP, nhóm bảo thủ của Hà Nội có thể làm khó dễ những biện pháp liên hệ đến công đoàn và đối xử bình đẳng giữa các công ty tư nhân và quốc doanh. Nhiều viên chức hứa là các hãng tư có đồng đều cơ hội vay tiền, mua đất và các nguồn lực khác, nhưng điều đó đòi hỏi phải thay đổi nhiều cơ cấu. Nhiều viên chức khác lại muốn bảo vệ các xí nghiệp quốc doanh, mặc dầu chúng dùng đến 50% vốn đầu tư công và 60% tiền vay ngân hàng mà chỉ cho ra có một phần ba GDP.
Chiến thắng của ông Trọng không chắc là sẽ đe dọa mối giao dịch và quan hệ an ninh gia tăng giữa Hà Nội và Tây Phương, nhưng nó có thể làm khựng lại tiến trình mở rộng nền kinh tế bị quốc doanh chi phối. Nếu không tư hữu hóa các kỹ nghệ và cắt giảm tình trạng bè phái sẽ có nguy cơ tăng trưởng khựng lại và làm mất cơ hội khai dụng nguồn lực lao động trẻ trung. Điều đó sẽ càng khó khăn hơn để giữ uy tín cho chế độ và chống lại sự hiếp đáp của Trung Quốc.
Hoàng Thuyên lược dịch
Theo The Wall Street Journal — 27-01-2016
Leave a Comment