Giang Nam (VNTB) Đúng ra chủ đề “vào đảng ra đảng” phải là một đề tài nghiên cứu của Viện xã hội học hoặc một số khoa XHH của một số trường đại học. Nhưng chưa từng thấy ai nói cái đó bao giờ. Có lần tôi hỏi một người bạn thân tình công tác lâu năm ở Viện XH học thuộc Viện hàn lâm KHXH Việt Nam, sao các ông bỏ trống đề tài quan trọng này. Anh ấy bảo “ôi giời, đề tài nhạy cảm, ai duyệt đề cương cấp kinh phí cho mà làm”.
Nhớ có lần tôi làm thuê công việc điều tra XHH cho một công ty nước ngoài có dự án ở Việt Nam. Cty cử một nhóm nghiên cứu XHH đi tiền trạm để xây dựng dự án. Tôi đọc bảng điều tra gần 100 câu hỏi rắc rối của họ, tôi phì cười bảo sao nhiều câu hỏi vòng vo nhiêu khê thế. Chuyên gia giải thích rằng, nhiều câu hỏi có vẻ tréo ngoe để khắc phục tình trạng nói dối của người được hỏi. Sau khi kết thúc cuộc điều tra XHH, họ xử lý kết quả và tổng kết. Dự án ấy được tiến hành… Vì thế chúng tôi rất khâm phục khoa học điều tra XHH của Tây phương. Giá như Viện XHH nước ta áp dụng để điều tra đề tài “động cơ vào đảng ra đảng” thì sẽ cho kết quả bất ngờ và thú vị lắm.
Vì chưa từng nghe kết quả điều tra nào về đề tài đó nên tôi tự làm lấy, dựa vào kinh nghiệm, suy luận logic và những gì mắt thấy tai nghe vậy.
Ông thân sinh tôi có lần kể chuyện một ông cố nông cùng làng được kết nạp Đảng, hồi Cải cách ruộng đất…
Trước khi ông được làm hồ sơ kết nạp Đảng (người khác làm giùm, vì ông mù chữ), một tuyên huấn huyện ủy đi công tác về làng kiểm tra giác ngộ. Người tuyên huấn trực tiếp gặp ông cố nông nọ để phỏng vấn kiểm tra nhận thức giác ngộ về Đảng. Sau khi ba hoa về tình hình chính trị nọ kia, tuyên huấn hỏi:
– Bác tán thành Quốc dân Đảng hay Cộng sản Đảng ?
Ông cố nông ngồi thần mặt ngẫm nghĩ một hồi rồi giơ tay phát biểu:
– Dạ, tôi xin ý kiến, tôi tán thành Quốc dân Đảng ạ.
Người tuyên huấn cau mặt, gằn giọng:
– Cái gì, vì sao bác tán thành bọn Quốc dân ?
– Dạ, vì tôi nghe thấy Đảng có chữ “quốc dân”. Còn cộng sản thì tôi chả hiểu gì sốt.
– Thôi, không nói nữa, ông suy nghĩ kỹ đi nhá.
– Rồi người tuyên huấn bỏ về huyện.
Nhưng về sau, chi bộ xã năn nỉ mãi ông tuyên huấn huyện uỷ mới đồng ý cho kết nạp ông cố nông. Bí thư xã được giao nhiệm vụ tiếp tục “giáo dục” “giác ngộ đối tượng” này … Bí thư chi bộ rất cần kết nạp ông cố nông “trên răng dưới các tút” vì hắn ta có cái ưu điểm là ngổ ngáo, cán bộ xã bảo gì nghe nấy, dễ sai vặt.
Kết nạp xong ông cố nông được phong chức tổ trưởng dân phòng ban đêm (chức vụ này trước 1945 thời phong kiến thực dân gọi là chức trương tuần)…Tám năm sau, khi phong trào hợp tác xã phát triển tràn lan vì bệnh thành tích bắt đầu phát tác, ông được giao đặc trách coi kho HTX và chuồng gà HTX. Một đêm nọ thèm rượu thịt, nửa đêm ông bắt trộm gà “xã viên” làm thịt, bộ lòng và lông, hai bàn chân đem chôn vội sau vườn… Sáng hôm sau xã viên đi làm đồng, nhìn thấy trên hè kho HTX, ông cố và bạn hữu lính lác uống say, nằm ngả ngớn bên đống xương gà, còn đống lòng, lông, chân gà bị chồn cáo moi lên vung vãi gần đó….Công an xã điều tra ra ngay thủ phạm. Đấy là ông đảng viên cấp thấp nhất dính tham ô sớm nhất của HTX xã tôi. Cuối cùng ông đảng viên cố nông bị chi bộ xử lý nội bộ, nhận án “cảnh cáo, rút kinh nghiệm sâu sắc”.
Về sau hiện đại hơn, ai vảo đảng phải trải qua hai giai đoạn.
Cảm tình đảng và Đối tượng đảng
“Cảm tình đảng” nghiã là: Chi bộ hoặc Đoàn thanh niên, Công đoàn chọn người theo cảm tính. Thấy ai ngoan hiền, dễ bảo, không cá tính, nhẵn nhụi thì giới thiệu. Sau đó gom cảm tình lại học một buổi hoặc vài buổi lý luận “chính trị”. Cấp cái giấy chứng nhận. Sau một thời gian ngắn thôi, chi bộ họp xét vào danh sách “đối tượng Đảng”. Đối tượng được làm hồ sơ. Chi bộ cử người đi xác minh lý lịch ở địa phương. Xong, họp chi bộ biểu quyết. (Riêng tôi vào Đảng mà chả được học “cảm tình đối tượng” gì cả. Hồi ấy sau khi được phân công làm hiệu trưởng một trường trung học ở vùng sâu phía nam sông Hậu, anh thường vụ huyện ủy gọi tôi bào làm hồ sơ, có mẫu, xong gửi về quê xác minh. Xong, kết nạp luôn.
Đơn xin vào Đảng sáo rỗng, rập khuôn nhau
Hồ sơ Đảng cái gì cũng có mẫu, riêng Đơn xin không có mẫu, ngụ ý là để người xin tự viết cho ra vẻ tự nguyện, theo ý riêng xuất phát tự đáy lòng.
Nhưng khốn thay, chả mấy ai tự suy nghĩ khi viết đơn.
Mỗi người tự cầm bút viết đơn, nhưng loay hoay chỉ có vài mẫu được lây lan đại trà. Những ngừơi tạm coi là trí thức (cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ) viết đơn khá bay bướm. Tôi xin vào Đảng để được cống hiến nhiều hơn cho đất nước… Nếu được chấp thuận tôi xin hứa chấp hành tuyệt đối sự lãnh đạo và phân công của Đảng, có người khoái âm nhạc còn chôm cả ca từ của ông nhạc sĩ Phạm Tuyên “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng”, và “Đảng cho ta cả mùa xuân” chen vô lá đơn cho màu mè hấp dẫn…
“Tôi xin hứa chấp hành tuyệt đối sự phân công của tổ chức, nghị quyết của đảng”- điều này giống như kiểu quân sự hóa đảng phái. Đảng viên trở thành một “người lính” chỉ biết tuân lệnh. Câu đó tự triệt tiêu tính dân chủ của đảng viên, viết đơn giống như “tự hoạn”. Ngay từ đầu vào đảng đã báo hiệu bản chất độc tài của Đảng. Hèn chi !
Động cơ vào Đảng rất đa dạng
Cái mẫu câu này e chừng phổ biến “Tôi vào đảng để cống hiến được nhiều cho sự nghiệp của Đảng” (!).
Ô hay, ai ngăn cản bạn cống hiến nhiều cho đất nước nếu bạn ở ngoài Đảng, là một công dân bình thường hay một trí thức bình thường nhỉ ?
Cũng có người được khuyến dụ về lý tưởng xã hội chủ nghĩa, tinh thần lãng mạn được dịp khơi gợi bùng lên.
Có người do cha truyền con nối, nhất nhất nghe lời cha mẹ ông bà cựu đảng viên.
Có người tham vọng làm cán bộ lãnh đạo kiếm lợi danh.
Có người được cấp trên thương lượng “vào Đảng là điều kiện để giao nhiệm vụ, nếu không chịu làm đơn thì thôi”.
Vô tư hơn, có người thích vào đảng cho “vui vẻ”, hoặc cho “bằng chị bằng em”.
Có người làm đơn vào đảng…chẳng vì lý do nào cả.
Nghĩa là, ý thức vào đảng kể như vô thức, vô cảm ! Kiểm tra thử, biết ngay.
Vào đảng cuối mùa, lúc chợ chiều
Một số SV kết nạp đảng xong, thi tốt nghiệp ra trường, bỏ Đảng liền.
Ở trường đại học X, một số sinh viên học trò tôi vào Đảng theo phong trào, sau bốn năm học, các em ấy tốt nghiệp lĩnh bằng. Nhà trường nhắn gọi quay về làm giấy chuyển sinh hoạt Đảng về nơi công tác, em ấy im lặng không trả lời. Hạc vàng cất cánh, một đi không trở lại.
Tổ chức ra tay tìm thủ đoạn ép công chức vào Đảng.
Trường đại học X. nhận được chỉ thị của tỉnh ủy, đặt ra tiêu chuẩn GV nào muốn đi học thạc sỹ, tiến sĩ thì phải là đảng viên, hoặc đối tượng kết nạp Đảng… Tuy nhiên, phong trào đi cao học NCS khựng lại. Lãnh đạo trường đành phải báo cáo thỉnh thị tỉnh ủy. Tỉnh đành tháo gỡ cái sợi dây “điều kiện đảng” nói trên.
Trường trung học phổ thông Y đưa việc gia nhập đảng vào tiêu chuẩn thi đua, xếp loại giáo viên. Cuối năm khiếu nại việc xếp loại bất công. Hiệu trưởng trơ lỳ. GV đành chịu trận.
Bạn đồng nghiệp của tôi là tiến sĩ, bao phen ao ước đi học “lý luận cao cấp” để ngấp nghé chức trưởng khoa. Trầy trật đi học tại chức, bị Học viện hành cho đến nơi đến chốn, mỗi khi thi lo chạy tiền quà cáp mệt. Lấy được cái chứng chỉ về nộp. Chờ mãi cơ quan vẫn không thăng chức. Bởi vì mật ít ruồi nhiều. Chức vụ có ít, có đâu dư dả mà ban phát khắp. Thất vọng. Cho con gái và con rể định cư Hàn quốc, anh tiến sĩ sang thăm 15 ngày, trở về anh say mê kể mãi sự hiện đại văn minh ở nước tư bản Đông Á đó. Anh còn chửi bọn cộng sản Bắc Triều điên rồi, lúc nào cũng giơ vũ khí ra dọa miền Nam. Tôi hỏi thêm “anh có thấy bọn tư bản Hàn quốc giãy chết hay hấp hối không?”- anh ta đỏ mặt cười ruồi, quay mặt nhìn ra nơi khác.
Đa dạng động cơ “ra đảng”
Trộm nghĩ rằng vô hay ra một đoàn thể nào đó là chuyện bình thường.
Sao mà cấp ủy phải quýnh quáng lo ngại vậy ?
Cấp ủy thừa biết “đi ra” đó là “thoái đảng”.
Hầu hết người nghỉ Đảng phải viết đơn, thường nêu vì “sức khỏe”, vì “hoàn cảnh”.
Tạm nghỉ sinh hoạt Đảng: cũng có quy định. Đảng viên muốn tạm nghỉ sinh hoạt một thời gian phải viết đơn có lý do, tối đa nghỉ 6 tháng. Hết hạn 6 tháng làm đơn lại. Ý là níu kéo đảng viên chừng nào hay chừng đó.
Có những bậc giáo sư đại học, cán bộ lãnh đạo, công chức tôi quen biết. Lâu ngày gặp lại, họ nói luôn rằng “tôi nghỉ sinh hoạt đảng rồi”, không đợi tôi hỏi.
Tôi chỉ hỏi lý do, họ đáp “sức khỏe” (!).
Nhìn phong độ họ còn khỏe lắm. Hồi nãy chào nhau “ông khỏe không?” thì đáp “mình khỏe” hoặc bình thường.
Ví sao họ phải thông báo việc ra đảng cho tôi biết ?- bởi vì họ biết tôi đã công khai đàng hoàng ra khỏi Đảng. Có điều họ không nói thực cái lý do. Tôi chẳng vặn hỏi, vì biết rằng họ chỉ nại lý do. Họ nói cho sĩ diện, họ cũng biết rằng tôi không tin.
Mỗi tháng họp chi bộ một lần, ước 60 phút. Đóng đảng phí 0,5 % lương, tức là vài chục ngàn. Nếu còn tin tưởng đảng thì làm hai việc “nho nhỏ” đó cũng chưa đến nỗi phải xin ra. Chả mấy ai chịu nói lý do thực sự và chính đáng là: “đã mất lòng tin tưởng”.
Khổ thế!
Xét cho cùng, nại lý do cũng là dối trá. Vâng, họ đành cam thiếu trung thực một chút, cho nhẹ nhàng mọi sự. Cũng đành cảm thông với họ thôi.
Dối trá là căn bệnh tràn lan xã hội, từ trên xuống dưới, đâu phải một mình người đảng viên ấy./.
Leave a Comment