Quảng Cáo

Những tên du đãng thô bỉ cai trị Việt Nam không thử nghiệm với Dân chủ

Quảng Cáo

 

Nhìn có vẻ như loại tư bản hoang dã nhưng cốt lõi là một nhà nước công an trị.

Việt Nam như một bức tranh theo kiểu moiré: Nheo mắt nhìn từ góc này, bạn thấy một xã hội đầy cao vọng hướng vào tương lai. Nhưng nheo mắt nhìn từ góc khác, bạn thấy một cai tù của thời xa xưa đối với bất kỳ ai không chịu theo ý đảng. Đám vận động quảng cáo nhắm vào những bãi biển, thức ăn và các nơi hấp dẫn du lịch của Việt Nam, còn các phóng viên nhân quyền nhắm vào các nếp vi phạm.

Đúng, đất nước này đang mở ra với phương Tây và đang phát triển nhanh. Nhưng – dù với những nét duyên dáng rạng rỡ – Việt Nam là một nền văn hóa suy sụp. Bộ phận kiểm duyệt đã bịt miệng hay tống xuất các nghệ nhân tài năng nhất ra nước ngoài. Các nhà văn, nhà thơ hay nhất của Việt Nam không còn viết nữa, ngoại trừ những người chuyển tác phẩm của họ vào giới in lén. Báo chí là ngành đã bị hủ hóa và kiểm soát bởi nhà nước. Ngành xuất bản cũng vậy. Lịch sử là môn học nguy hiểm. Tự do tôn giáo, tư tưởng, ngôn luận đều bị các bộ trưởng tuyên truyền cắt cụt.

Từ ngày 20 đến 28 tháng 1, đảng CSVN họp Đại Hội lần thứ 12, cứ 5 năm một lần. Khoảng 1500 đảng viên sẽ kéo về Hà Nội để thông qua kế hoạch kinh tế 5 năm và thông qua một danh sách ứng viên vào Ban Chấp Hành Trung ương Đảng, cũng như 16 thành viên Bộ Chính trị, và Tổng bí thư (tức người ngồi chủ tọa ở đầu bàn). Tham nhũng từ đầu đến cuối, phì nộn bởi ô dù và ôm chặt loại chủ nghĩa xã hội bè phái, trao đổi quyền lợi, đảng CSVN tiếp tục kẹp chặt chính phủ, quân đội, truyền thông, và 93 triệu con người. Nhà văn tỵ nạn gốc Nga, ông Vladimir Nabokov nói: “Chủ nghĩa Mác cần phải có lãnh đạo độc tài, và lãnh đạo độc tài cần phải có mật vụ, và đó là tận thế.”

Giới quan sát quốc tế tìm kiếm chỉ dấu tại các đại hội đảng xem phe cánh nào dẫn đầu. Trong vài tuần tới, họ chờ xem có xuất hiện các bài báo của cánh thân Tây Phương đánh bại phe thân Tàu không, hay ngược lại. Nhưng kiểu say mê các chi tiết li ti này sẽ lạc đề. Gần 4,5 triệu đảng viên CSVN cũng chỉ đoán mò. Nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh mô tả các buổi họp kín để chọn lãnh đạo: “Nó giống như nhìn người ta đánh nhau dưới tấm thảm”.

Đúng, đảng CSVN đã chuyển biến khá nhiều kể từ thời điểm thống nhất đất nước sau cuộc chiến vào năm 1975. Đối diện với nạn đói ở thôn quê, Đại hội 6 vào năm 1986 đã rũ bỏ chế độ kinh tế chỉ huy kiểu Xô Viết để chuyển sang kinh tế thị trường. Đảng CSVN cho phép thị trường tự do phát triển ở đáy xã hội và khuyến khích “tư bản đỏ” ra đời ở giai cấp trung lưu, trong lúc giữ độc quyền các ngành xây tàu thủy, ngân hàng, khai mỏ và các công ty quốc doanh trong tay giới thượng tầng xã hội.

Cùng với các cải tổ kinh tế đó là một giai đoạn ngắn cải tổ văn hóa. Mạng lưới kiểm soát của Việt Nam được gỡ ra đủ lâu để 4 nhà văn lớn hậu chiến kịp xuất bản các tác phẩm nổi tiếng nhất của họ: Tác giả truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp với tác phẩm Tướng về hưu, tác giả tiểu thuyết Bảo Ninh với tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh; Dương Thu Hương với tác phẩm Tiểu thuyết vô đề, và Phạm Thị Hoài với tác phẩm Thiên Sứ. Nhưng tấm lưới kiểm soát lại bủa xuống vào năm 1991, khi công an văn hóa xông vào nhà ông Thiệp và phá hủy các bản thảo của ông. Từ đó, các ông Thiệp và Bảo Ninh sống cuộc đời lưu vong ngay tại quê nhà, xuất bản những câu truyện bị kiểm duyệt và bị các cán bộ đảng tẩy sửa. Sau 8 tháng tù năm 1991, bà Hương nay sống tại Paris và bà Hoài sống lưu vong tại Berlin.

Các điều chỉnh hướng đi khác của đảng CSVN diễn ra sau ngày bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ vào năm 1995 và khi Việt Nam được vào WTO năm 2007. Việc gia nhập WTO đã mở cánh cửa ra với giới đầu tư ngoại quốc, nhưng chỉ 1 năm sau thì lại bị cơn khủng hoảng kinh tế thế giới làm khựng lại. Bất chấp các diễn biến đó, đảng CSVN tiếp tục bơm tiền vào khu vực quốc doanh, khiến lạm phát có lúc lên đến 60% một năm; một bong bóng địa ốc bùng vỡ nhanh chóng; và nhiều công ty quốc doanh phá sản, kể cả công ty đóng tàu Vinashin bị nhận chìm bởi số nợ 4,5 tỉ mỹ kim.

Vụ thất bại này gần hất văng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông chỉ được cứu bởi phe cánh trong Trung Ương Đảng và bắt đầu vận động để leo lên ghế tổng bí thư, nhưng hình như đã thất bại trong nỗ lực này. Thật vậy, hiện nay Việt Nam như đang trải qua một đoạn phim đảo chính quay chậm, trong đó Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, 71 tuổi và đáng lẽ theo luật phải về hưu, đang vận động để ở lại, ít là thêm 2 năm nữa.

Ngoài đảng CSVN ra, sự ảnh hưởng của TQ cũng là một hằng số. Năm 2008, công ty nhôm rất giàu của TQ mua quyền khai thác bô-xít tại cao nguyên trung phần Việt Nam. Năm sau đó, Bắc Kinh khai dựng bá quyền bao trùm hầu hết biển Hoa Nam. Đến 2014, Bắc Kinh kéo dàn khoan vào hải phận Việt Nam và xây dựng phi đạo trên các đảo nhân tạo. (Hà Nội tố cáo Bắc Kinh lại kéo dàn khoan đó vào hải phận Việt Nam chỉ vài ngày trước khi Đại Hội đảng bắt đầu). Lòng căm tức TQ sôi sục mà công an Việt Nam không còn ngăn chận được nữa. Vào tháng 5.2014, hàng trăm hãng xưởng do người TQ làm chủ đã bị đập phá và đốt. 21 người mất mạng. Hiển nhiên, phe thân TQ trong đảng lặn xuống trong thời gian đó.

Tuy nhiên, lòng căm tức TQ vẫn không dẫn đến sự suy giảm ảnh hưởng của TQ tại Việt Nam. TQ tiếp tục xây thêm đảo, khai thác tại tây nguyên, và làm tất cả những gì cần thiết để giữ chặt cậu em Việt Nam trong quĩ đạo của ông anh TQ. Chặt đến độ rất nhiều người Việt nay tin rằng đất nước của họ đã thuộc về TQ rồi, qua các ký kết tại Hội Nghị Thành Đô. (Họ tin rằng tại cuộc họp bí mật năm 1990 tại Thành Đô, TQ, đảng CSVN đã bán mình cho đảng CSTQ, trao đổi những khối tiền hối lộ khổng lồ để đổi lấy dầu hoả ngoài khơi, bôxít, và các loại khoáng sản khác.)

Lãnh đạo ĐCSVN ký kết Mật Ước Thành Đô với ĐCSTQ vào năm 1990

Hà Nội xoay chuyển mối quan hệ với Hoa Kỳ khéo hơn mối quan hệ với người hàng xóm khổng lồ phương Bắc. Đảng CSVN nhiều phần sẽ áp dụng hiệp ước TPP, đã ký với 12 nước vào tháng 11. Được thiết kế bởi Washington như một bức tường xanh để chận làn sóng đỏ TQ, hiệp ước TPP có tiềm năng đem lại nguồn lợi lớn cho Việt Nam. Hiệp ước này có một số ràng buộc khó chịu về quyền lao động nhưng nhiều phần Hà Nội sẽ làm ngơ các điều khoản đó – y như các văn bản quốc tế mà họ đã ký kết và đã vi phạm. Việt Nam đứng gần chót trong mọi chỉ số về nhân quyền. Nước này có số tù nhân chính trị cao nhất tính theo tỉ lệ dân số trong vùng Đông Nam Á, mà vẫn ngang nhiên bước vào ngồi ghế tại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Thế thì lấy ai quan tâm đến một vài người vận động cho quyền lao động bị bỏ tù cùng với khoảng 300 tù nhân lương tâm khác?

Sau khi áp dụng TPP, Việt Nam sẽ đòi hỏi Hoa Kỳ và Liên Âu phải bỏ việc xếp Việt Nam vào loại kinh tế “phi thị trường”. (Các nền “kinh tế thị trường” được bảo vệ tốt hơn trong các vụ án chống bán phá giá). Đây là việc hệ trọng đối với Việt Nam vì họ hy vọng hiệp ước TPP sẽ mở thị trường Hoa Kỳ cho hàng hóa Việt Nam tiến vào, kể cả món mà 2 nước kỳ kèo nhau suốt mấy năm qua là cá basa. Vào tháng 7, để tạo trớn tiến tới việc ký kết, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã mời Tổng Bí Thư CSVN Trọng đến Nhà Trắng cho một buổi mà sau đó được gọi là “cuộc họp lịch sử”. Tại sao cuộc viếng thăm Nhà Trắng đầu tiên của lãnh tụ đảng CSVN được xem là “lịch sử”? Bởi vì “Nhà Trắng thừa nhận thể chế chính trị Việt Nam và sự lãnh đạo của đảng”, mà theo ông Trọng, nghĩa là chính đáng hóa sự cai trị của đảng CSVN.

Nhưng hãy nhìn xem sự cai trị đó là gì: Ban Tuyên Giáo Trung ương có bàn tay qua Bộ Thông Tin và Truyền Thông với vào “cục công an” P25, và từ đó với vào mọi chi bộ đảng CSVN đang kiểm soát mọi báo đài tại Việt Nam. Ở vị trí người kiểm duyệt tối cao, ông Trọng điều khiển cái mà hội Phóng Viên Không Biên Giới trong báo cáo tháng 9.2013 gọi là “nhà nước du đãng” với đầy đủ các “đợt bắt bớ, xử án, tấn công đánh đập và xách nhiễu”. Cũng theo báo cáo của tổ chức này vào tháng 7.2015, chỉ trong năm 2012, các tay chân của ông Trọng trong ngành tư pháp đã “truy tố không ít hơn 48 bloggers và các nhà bảo vệ nhân quyền, kết án họ tổng cộng 166 năm tù và 63 năm quản chế”.

Đám vận động quảng cáo coi thường các báo cáo này như những cảnh báo sảng. Thật vậy, nghe như chuyện thời xa xưa của những năm 1950. Nhưng những tin tức phát ra từ Việt Nam đáng báo động thật. Và đáng báo động cho chính Việt Nam, một nước đang phải đối diện với tình trạng băng hoại văn hóa, và nó cũng đáng báo động đối với tất cả chúng ta, những người đang đối phó trong các xã hội của chúng ta về áp suất của kiểm duyệt, về sự gia tăng theo dõi quần chúng, và sự khuynh loát của các quyền lợi kinh tế đối với các giá trị khác. Từ góc nhìn này, Việt Nam không phải là chuyện của quá khứ, nhưng là ô cửa sổ để nhìn vào tương lai của chính chúng ta. Liệu trường hợp cá biệt này có trở thành tiêu chuẩn bình thường mới hay không?

Một điều chúng ta biết chắc là Đại Hội Đảng 12 sẽ không ngăn chận nạn công an bạo hành. Đầu tháng 12, công an thường phục đánh nhà vận động nhân quyền, luật sư Nguyễn Văn Đài bằng gậy sắt. 10 ngày sau đó, ông Đài bị bắt trên đường đi gặp phái đoàn Liên Âu, đang viếng thăm Hà Nội để dự phiên họp đối thoại nhân quyền thứ 5 giữa Liên Âu và Việt Nam.

Ông Nguyễn Hữu Vinh (tức Anh Ba Sàm), ký giả và blogger nổi tiếng nhất nước, cũng đang bị cầm tù với tội danh “lạm dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước”. Phiên xử ông Vinh, trước đây định diễn ra vào ngày 20 tháng 1 – cùng ngày khai mạc Đại Hội Đảng – nay đã hoãn vô hạn định.

Tại tâm điểm phát nổ văn hóa của một chế độ công an trị sẵn sàng đánh những người vận động dân chủ bằng gậy sắt, [lãnh đạo] Việt Nam hành xử tồi tệ mà chẳng bị hề hấn gì vì nhiều người còn đang muốn làm ăn với các công dân và thưởng thức các thú vui tại nước này. Việt Nam sẽ tiếp tục đón tiếp du khách và mặc cả với giới tài chánh quốc tế, giới tư bản xuyên quốc gia, không trở ngại gì. Nhưng nếu bạn muốn ngồi vào bữa tiệc thì xin miễn. Chỉ dành riêng cho đảng viên./.

Ngày 22.1.2016

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux