Cứ mỗi ngày thứ hai tuần thứ 3 của tháng Giêng, nước Mỹ lại tổ chức tưởng niệm Martin Luther King, Jr. (15/1/1929 – 4/4/1968), Mục sư phái Baptist, nhà hoạt động dân quyền người Mỹ gốc Phi, và là người đoạt Giải Nobel Hoà bình năm 1964.
Ông không những là một trong những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử Mỹ cũng như lịch sử đương đại của phong trào đấu tranh bất bạo động, mà còn là một người có đời sống tâm linh sâu sắc và ông cũng có tác động trên nhiều người ở khắp nơi, trong đó có tôi.
Tôi có một mối “liên quan” với nhà hoạt động nhân quyền Martin Luther King (MLK), Jr này, bởi vì tại ông mà tôi phải đi tù. Tại sao à ?
Năm 2011 tôi bị bắt và sau đó hơn gần 2 năm sau tôi bị đưa ra với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79, BLHS. Ở hai phiên tòa, cộng sản chất vấn tôi để bắt tôi “nhận tội” vì hành vi đi sang Thái Lan dự khóa huấn luyện đấu tranh bất bạo động trong hồ sơ ghi tôi sang Thái xem các bộ phim về Mahatma Gandhi và mục sư Martin Luther King, Jr. Tôi đâu cần che dấu việc đó, và khi tôi hỏi họ tại sao xem phim về những vị vĩ nhân đó lại là có tội ? thì họ đã không cho tôi hỏi tiếp.
Ở phiên tòa phúc thẩm, luật sư Hà Huy Sơn đã hỏi tôi “anh có biết điều luật nào quy định đấu tranh bất bạo động là có tội không ?”
Tôi trả lời : “tôi chưa từng biết có điều luật nào ở Việt Nam hay luật quốc tế quy định đấu tranh bất bạo động là vi phạm pháp luật. Tôi nhận thấy đấu tranh bất bạo động là cần thiết và phù hợp với lương tâm và giáo lý của chúng tôi. Đấu tranh bất bạo động ít gây tổn thương cho cả hai bên và có thể lại mang lại sự thay đổi. Tôi cũng thấy xem phim về những vĩ nhân được cả nhân loại kính trọng như Mahatma Gandhi, hay Martin Luther King thì không nơi nào cấm cả.”
Tôi mến phục MLK không phải vì ông là một nhà lãnh đạo mẫu mực nhưng còn vì ông là một người có niềm tin sâu sắc. MLK nghiên cứu kỹ thần học Công Giáo và “rất ấn tượng” với thánh Augustinô. Trong bức thư nổi tiếng của mình “thư từ ngục Birmingharm”, MLK đã trích dẫn tư tưởng của thánh Augustinô: “một đạo luật bất công thì không còn phải là luật pháp nữa”.
Điều mà cộng sản sợ là có thật, khi những con người bình thường vượt qua nỗi sợ hãi và chấp nhận tù ngục thì không còn gì để ngăn họ tới ước mơ tự do. Như MLK từng nói “Nếu ngày hôm nay tôi sống trong một nước Cộng sản, nơi mà những nguyên tắc chính yếu, thiết thân đến đức tin Ky-tô bị đàn áp, thì tôi cũng sẽ công khai kêu gọi bất phục tùng những đạo luật phi tôn giáo của nước đó.”
Tôi chỉ muốn nêu ra một vài câu trích dẫn của MLK mà có lẽ những kẻ độc tài sẽ phải run sợ:
- Tự do không bao giờ được ban phát từ những kẻ cai trị, nó phải được đòi hỏi bởi những người bị cai trị.
- Sự bất công ở bất cứ đâu là mối đe dọa cho công lý ở khắp mọi nơi.
- Đừng quên rằng những gì Hitler đã làm ở Đức Quốc đều hợp pháp.
- Sự thay đổi không đến một cách tự nhiên, mà nó đến từ sự phấn đấu không ngừng.
- Một người luôn có một trách nhiệm đạo đức để phản đối những luật bất công.
- Sự khác biệt giữa một người mơ mộng và một người có tầm nhìn là người mơ tưởng luôn nhắm mắt còn người có tầm nhìn thì luôn mở mắt.
- Thử thách lớn nhất của một người không phải khi anh ta đang ở trong sự thoải mái và tiện nghi, mà là khi anh ta đang ở trong sự thách thức và tranh cãi.
- Không ai biết tại sao họ lại sống cho đến khi họ biết được họ sẽ chết vì điều gì.
- Bóng tối không thể xua đi bóng tối, chỉ có ánh sáng mới làm được điều đó. Hận thù không thể xua đi hận thù, chỉ có tình yêu mới có thể làm được điều đó.
- Niềm tin là bước chân đầu tiên, cho dù bạn không thể nhìn thấy hết cả cầu thang.
- Một quốc gia hay nền văn minh tiếp tục sinh ra những người đàn ông nhu nhược đang tự sinh ra cho mình một cái chết tinh thần trong tương lai.
- Tôi có một ước mơ.
Thật ra những câu nói nổi tiếng của ông là lời động viên cho những ai khám phá chính mình và muốn phục vụ thiện ích chúng. Tuy nhiên, những thể chế độc tài thì lại nhìn thấy trong đó những nguy hiểm ẩn tàng.
Khi đã thấm nhuần tinh thần bất bạo động mà MLK – người môn đệ của Chúa Giê-su thì dù là bất kì quan điểm chính trị hay tôn giáo nào, cũng đều tìm thấy một cách thay đổi xã hội thực sự an toàn.
Khi tưởng niệm về MLK – người chiến sĩ đấu tranh bất bạo động can trường thì ta cũng đừng quên “tôi có một ước mơ”, đừng quên tinh thần tự do và yêu thương mà ông học được từ Chúa Giê-su – Đấng là gương mẫu cho ông trong cuộc chiến cao quý này. Nói về ông tôi nhớ đến những tù nhân lương tâm tại Việt Nam đang bị trù dập chỉ vì đấu tranh một cách hòa bình cho lý tưởng canh tân đất nước của mình như Trần Huỳnh Duy Thức, Đặng Xuân Diệu, Hồ Đức Hòa, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Nguyễn Văn Đài, Bùi Thị Minh Hằng …
“Ta phải thay đổi thế hệ này không phải chỉ vì những lời lẽ hận thù hay vì hành động của những người xấu, nhưng vì sự im lặng đáng kinh ngạc của những người tốt. Sự tiến bộ của con người chưa bao giờ lăn trên bánh xe tất yếu của lịch sử mà trên những nỗ lực không ngừng nghỉ của những người sẵn lòng trở thành những người thợ đồng lao với Thiên Chúa, và nếu không có những nỗ lực này, thì thời gian, chính nó sẽ trở thành đồng minh của những lực cản xã hội. Ta phải sử dụng thời giờ một cách sáng tạo, với ý thức rằng làm việc phải thì luôn luôn đúng lúc. Bây giờ là lúc để thể hiện lời hứa của dân chủ và chuyển hóa khúc bi ca của quốc gia chúng ta thành khúc thi thiên của tình huynh đệ. Bây giờ là lúc phải vực dậy cái chính sách của quốc gia chúng ta ra khỏi vũng lầy của bất công chủng tộc và đặt nó lên trên hòn đá tảng của phẩm giá của con người.”
Tôi có một có ước mơ !
Leave a Comment