Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 đã chính thức khai mạc hôm 21 tại Hà Nội và kéo dài tới 28/1/2016. Sau phiên trù bị hôm 20 và tiếp theo ngày khai mạc, các thông tin chính thức cho thấy phe kiên định chủ nghĩa Mác Lê, quyết giữ vững chế độ do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu có vẻ thắng thế. Nhóm này thể hiện đã chuẩn bị kỹ lưỡng về qui chế bầu cử và sử dụng các thủ tục lắt léo để tước đoạt các cơ hội tái cử của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhân vật được cho là chủ trương cải cách theo kinh tế thị trường và có khuynh hướng nghiêng về phương Tây.
Xã hội Chủ nghĩa vẫn phù hợp Việt Nam (!?)
Hãng tin quốc tế AFP của Pháp trong bản tin đưa lên mạng hôm 21/1 từ Hà Nội đã nhận định, sự nghiệp chính trị của ông Nguyễn Tấn Dũng có thể xem như đã chết lâm sàng. AFP nói nguồn tin của họ là từ một giới chức cao cấp của Đảng Cộng sản không muốn nêu tên. Vẫn theo AFP ông Nguyễn Phú Trọng, được xem là một người thân Bắc Kinh đã phát biểu khi khai mạc Đại hội Đảng lần thứ 12 rằng, con đường Xã hội Chủ nghĩa vẫn phù hợp cho thực tế ở Việt Nam.
Việt Nam theo chế độ một đảng Cộng sản cai trị toàn dân và như thế việc Đại hội Đảng chọn ban lãnh đạo nhiệm kỳ 5 năm sắp tới là của 4,5 triệu đảng viên, được đại diện bởi 1.510 đại biểu toàn quốc tham dự Đại hội. Người dân Việt Nam là những kẻ đứng bên lề trong việc bầu chọn 4 vị trí chủ chốt của Đại hội Đảng, bao gồm chức danh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội. Về mặt chính thức thì chức danh Tổng Bí thư khóa 12 sẽ được công bố chính thức vào ngày 28/1 sắp tới, riêng các chức danh Chù tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội thì sẽ để Quốc hội khóa tới thực hiện thủ tục bầu chọn mang tính cách hợp thức hóa.
Đối với cuộc tranh chấp quyền lực trong Đảng Cộng sản gây sôi nổi dư luận cả trong và ngoài nước, TS Nguyễn Quang A nhà hoạt động cổ vũ dân quyền từ Hà Nội góp ý: “Tôi nghĩ rằng, người dân không ảnh hưởng đến được những cuộc đấu đá của họ và không nên ủng hộ phe nào cả. Bởi vì nó đều là những phe xấu cả, tôi không thấy một gương mặt nào là đổi mới trong này cả… Nếu mà được quyền lựa chọn mà người ta buộc phải lựa chọn, thì chắc chắn người ta chọn cái ít xấu hơn. Nhưng đấy là chuyện lựa chọn, lựa chọn và ủng hộ là khác nhau, nhưng mà ở đây người dân không có quyền lựa chọn gì cả…”.
Về thông tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ được tái cử và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị loại khỏi quyền lực sau Đại hội 12, nhà báo tự do Phạm Thành từ Hà Nội nhận định: “Dù phe nào lên thì chế độ Cộng sản cũng nhanh chóng sụp đổ. Nếu ông Dũng lên, ông thân phương tây có cải cách thì được lòng dân. Ông ấy sẽ làm từng bước, để chuyển từ chế độ độc tài sang nền dân chủ nhân dân theo mô hình phương tây…như thế dân mình sẽ làm ăn được và đỡ đổ máu hơn và cái đích sẽ đến. Đó là một quá trình sẽ diễn ra theo thời gian. Tôi mong muốn điều đó, chứ còn ông Dũng không lên được, Cộng sản cũng sẽ sụp đổ, bởi vì khi phe bảo thủ lên trong tình hình Trung Quốc hiện nay, bản thân những nước văn minh tiến bộ người ta cung cấp tiền và các điều kiện để cho anh hội nhập thì họ có thể không ủng hộ nữa. Nền kinh tế Việt Nam coi như chạm đáy rồi, trong khi phải nuôi lực lượng tới 11, 12 triệu người ăn lương, không kiếm đâu ra tiền để duy trì bộ máy. Tôi cho là sự sụp đổ này rất là nhanh, tất nhiên trong điều kiện ít người ủng hộ mà Trung Quốc cũng đang khó khăn như vậy, thì sự sụp đổ này diễn ra đau thương hơn, mất mát hơn, gây rối loạn xã hội hơn.”
Theo nhà báo tự do Phạm Thành, từng một thời phục vụ truyền thông nhà nước, tuy tình hình Đại hội Đảng bất lợi cho ông Nguyễn Tấn Dũng và nhóm cải cách, nhưng ông Dũng vẫn còn một cơ hội cuối cùng, một cánh cửa rất hẹp để tiếp tục sự nghiệp chính trị. Đó là vận dụng được một khối đa số đại biểu tham dự Đại hội Đảng, những người không nằm trong số 175 Ủy viên Trung ương khóa 11. Bởi vì nhóm này vẫn có quyền đề cử nhân sự Ban chấp hành Trung ương khóa mới.
Người đọc báo không tin là sẽ có những chuyển biến theo cách mà nhà báo tự do Phạm Thành vừa nêu. Tuy vậy về nguyên tắc điều này có thể xảy ra, theo những gì mà Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son trả lời báo chí trong ngày Đại hội 12 khai mạc.
Quyết định cao nhất về nhân sự là của Đại hội?
Theo báo điện tử Dân Trí bản tin trên mạng chiều ngày 21/1/2016, Bộ trưởng Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son, đồng thời là Ủy viên Trung ương Đảng khóa 11 đương nhiệm nói rằng quyết định cao nhất về nhân sự là của Đại hội. Báo chí đặt vấn đề, Quy chế bầu cử vừa được Đại hội thông qua tại phiên họp trù bị có nêu: Ủy viên Trung ương Đảng khóa 11 nếu không nằm trong danh sách tái cử sẽ không được ứng cử, đề cử và nhận đề cử. Nhưng những đại biểu còn lại của Đai hội khóa 12 vẫn có quyền đề cử nhân sự Ban chấp hành Trung ương khóa mới.
Vẫn theo Dân Trí Online, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son trả lời, trong chương trình chính thức, có mục đề cử, ứng cử đó là quyền dân chủ của mọi người. Tức mỗi người có quyền đề cử, ứng cử, nhưng những quyền đó lại được thực hiện theo quy chế bầu cử vừa được thông qua. Ông Son nhấn mạnh, theo qui chế này, các đảng viên về dự Đại hội đều được thể hiện quyền dân chủ. Cùng với đó, Qui chế này cũng ghi rõ những đảng viên là cấp ủy viên của cấp ủy nào mà không được cấp ủy đó giới thiệu thì người này không ứng cử và không được nhận đề cử. Nhưng khi ra Đại hội thì Đại hội có quyền quyết định.
Tại ngày khai mạc Đại hội Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện nhiều mâu thuẫn trong nội dung báo cáo các văn kiện tại Đại hội. Theo báo Dân Trí điện tử và Báo điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Phú Trọng kêu gọi đổi mới đồng bộ để hoàn thiện những khiếm khuyết của cuộc đổi mới 30 năm qua; đồng thời ông Tổng Bí thư lại nhấn mạnh định hướng đi lên Xã hội Chủ nghĩa là phù hợp xu thế. Người đọc báo chưa quên lần ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong một phiên thảo luận ở Quốc hội vào tháng 10/2013, lúc đó ông nói ‘không biết đến cuối thế kỷ này đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa” (!?).
Thật dễ hiểu tại sao báo chí phương tây có chung nhận định tiêu cực về đổi mới ở Việt Nam, nếu ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục giữ chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản. Trước Đại hội 2 ngày, trên mạng tin Zing.vn, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương, cơ quan tham vấn hoạch định chính sách của Đảng và Nhà nước đã nói thẳng là, Việt Nam muốn đổi mới từ tình trạng ách tắc hiện nay phải thừa nhận quyền sở hữu tài sản, bảo vệ pháp lý và đặc biệt phải có chủ sở hữu, sở hữu tư nhân là chủ yếu. Với sở hữu công thì cũng phải làm rõ ai là chủ sở hữu của các tài sản này. Viện trưởng Nguyễn Đình Cung khuyến cáo phải thực hiện chính sách cạnh tranh toàn diện, bảo đảm tự do. Thiết lập thị trường cạnh tranh và thiết chế đảm bảo cạnh tranh công bằng và bình đẳng.
Tất cả những khuyến cáo của TS Nguyễn Đình Cung, để thực hiện đổi mới lần thứ hai sau Đại hội Đảng 12, được giới quan sát cho là không thích hợp với việc kiên định chủ nghĩa Mác Lê, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng báo cáo trong ngày khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 12.
Nhận định về vấn đề đổi mới qua Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 12, Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long chuyên gia kinh tế phát biểu từ Hà Nội: “Hiện nay trên các phương tiện thông tin đại chúng có rất nhiều ý kiến khác nhau, lề trái, lề phải. Nhưng theo sự suy nghĩ của cá nhân tôi thì dù bất kỳ ai lên chăng nữa, sự tiếp tục con đường cải cách là tất yếu để quyết định sự tồn vong và phát triển đất nước cho nên không thể đảo ngược được. Hãy chờ xem chính thức nhân sự Đại hội này sẽ như thế nào thì mới biết rõ. Theo quan điểm của tôi, phái bảo thủ hay phái cấp tiến đều có một điểm chung, mà đấy cũng là sự phân định, sự suy nghĩ của từng cá nhân… Trong tình hình hiện nay khó có thể đảo ngược vấn đề đổi mới, phải đổi mới đó là yêu cầu bắt buộc của nền kinh tế Việt Nam.”
Trong văn kiện Đại hội Đảng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày thì Việt Nam vững bước trên con đường đổi mới, phát triển nhanh, bền vững, đưa đất nước phát triển theo hướng hiện đại, bảo vệ vững chắc tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình; tích cực hội nhập quốc tế, phát huy đại đoàn kết dân tộc và cuối cùng là xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh.
Việt Nam đã có một kỳ Đại hội Đảng Cộng sản đặc biệt khó khăn vì tranh chấp nội bộ. Nhiều bản tin của báo chí phương tây cho rằng, nếu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tái cử với sự kiên định chủ nghĩa Mác Lê, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì khó đổi mới thành công.
Điều dễ thấy nhất về ‘hiệu quả’ mà ông Tổng Bí thư bảo vệ vững chắc tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình được thể hiện rõ qua việc “người bạn” Bắc Kinh đưa giàn khoan Hải Dương 981 tới cửa vịnh Bắc Bộ ngay trong những ngày Đại hội và trước đó Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo, đưa máy bay ra Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
(Đất Việt online – By on January 22, 2016)
Leave a Comment