Trung Quốc quên mất quy luật đầu tiên về hầm hố. Họ đang trong hố, nhưng vẫn tiếp tục đào sâu thêm.
Cụ thể hơn, Trung Quốc đang gánh thêm nợ thật nhanh mặc dầu họ đã nợ nhiều rồi trong vòng 7 năm qua. Và họ vẫn gánh thêm nợ tuy nền kinh tế đang chậm lại – tỷ lệ tăng trưởng theo báo cáo là 6.9 phần trăm trong 2015, tốc độ chậm nhất trong vòng một phần tư thế kỷ qua.
Nhiều người bảo con số đó cao hơn thực tế, và tuy tăng trưởng chậm lại, số nợ vay lên tới mức cao nhất trong 6 tháng qua. Toàn bộ số nợ của Trung Quốc bao gồm của chính phủ, người dân và công ty – to hơn so với kích cỡ kinh tế của họ, tỷ lệ này cao hơn cả của Mỹ.
Tại sao Trung Quốc gánh thêm nợ nhiều thế? Câu trả lời đơn giản là Bắc Kinh đang tìm cách thay thế các khách hàng ngoại quốc bỏ chạy trong cơn khủng hoảng tài chính bằng cách chi tiêu thêm cho việc xây dựng đường xá, tòa nhà và các hạ tầng khác cho đến khi có khách hàng Trung Quốc sẵn sàng vào thế chỗ.
Điều đó nói thì dễ hơn làm. Muốn thế thì phải gầy dựng lưới chống đỡ mạnh hơn để người dân cảm thấy thoải mái mà tiêu xài. Và để cho các công ty nửa sống nửa chết cho chết luôn để có chỗ cho các công ty làm ăn thành công có tiền trả lương cho công nhân. Và cho người dân thời gian để làm quen với ý niệm không phải tiết kiệm từng đồng một là hay đâu. Tuy nhiên Bắc Kinh vẫn chưa làm điều nào cả. Thay vào đó, họ bảo các xí nghiệp quốc doanh và chính quyền địa phương tiếp tục vay tiền nhiều thêm mà chẳng có kế hoạch gì khác cho tương lai. Kết quả mà bạn đọc có thể thấy trong biểu đồ dưới đây từ công ty UBS, là Trung Quốc mang nợ với vận tốc nhanh như cách đây 5 năm về trước.
Việc này sẽ không ổn, và nhà nước biết vậy. Người ta không thể thêm nợ lẹ như thế mà sẽ không gây ra nợ xấu. Và có vẻ như đã bắt đầu. Giới xây cất xây những thành phố không ai ở, công ty xây nhà máy không ai cần, và chính quyền địa phương xây phi trường không ai tới. Thế thì tại sao Bắc Kinh chưa chịu đạp thắng? Thật ra có thử đó chứ. Trước nhất, họ bảo là sẽ không để cho chính quyền địa phương vay nợ nữa. Nhưng sau đó lại đổi ý khi kinh tế bắt đầu đi xuống. Họ có đặt giới hạn một vài tháng sau đó, nhưng lại có kẽ hở đủ lớn để bị qua mặt. Điều thứ nhì là nhà nước thổi phòng thị trường chứng khoán gây ra bong bóng chứng khoán. Chứng khoán bây giờ tụt xuống 44 phần trăm so với cao điểm vào hè năm ngoái.
Thành ra bây giờ trở lại Kế hoạch B: vay mượn, vay mượn, và vay mượn thêm nữa.
Có hai vấn đề nơi đây. Thứ nhất là Trung Quốc cần thêm thật nhiều nợ để thúc đẩy mức tăng trưởng như trước đây. Có nghĩa là tỷ lệ đồng ra không được nhiều so với đồng vô như lúc trước. Tại sao thế? Vì Trung Quốc đã có quá nhiều nợ thành ra nhiều khi tiền vay mới chỉ để trả nợ cho tiền vay cũ thay vì đổ vào các chương trình mới. Chuyện này nghe gần giống như kế hoạch Ponzi. Nhưng vấn đề thứ nhì không phải là bong bóng này sẽ vỡ – Bắc Kinh sẽ làm đủ mọi cách để ngăn ngừa không cho chuyện đó xảy ra – mà là tiền bị mất, thất thoát và giải cứu nợ sẽ tích lũy quá nhiều ảnh hưởng đến tăng trưởng, thay vì 6 hay 7 phần trăm thì sẽ tụt xuống 3 hay 4 phần trăm. Điều trớ trêu là lưu tâm quá mức vào việc giữ cho nền kinh tế tăng trưởng ngày hôm nay sẽ ngăn ngừa Trung Quốc thực hiện những cải tổ cần thiết để giúp kinh tế tăng trưởng vào ngày mai.
Trung Quốc quá bận rộn với cuốc xẻng giờ đây.
Hoàng Thuyên lược dịch
Leave a Comment