Việc lập thành tích để chào mừng Đại Hội Đảng đã trở thành một thông lệ “kể từ khi đời ta có Đảng”. Chào mừng Đại Hội Đảng lần thứ 12 này có những sự kiện (hay ’thành tích’) đáng ghi nhận như sau:
1. Trung Quốc đã lặng lẽ hoàn thành hai phi đạo ngoài Trường Sa và đã cho máy bay “đáp thử” , đồng thời tổ chức du lịch để ngang nhiên hợp thức hoá chủ quyền của họ tại các đảo đó. Cùng lúc, chỉ trong vòng 2 tuần trước Đại Hội, đã có ba ngư thuyền Việt Nam bị tàu Trung Quốc tông chìm. Giàn khoan Hải Dương 981 cũng vừa di chuyển đến ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ ngay trước thềm Đại Hội Đảng.” Với đà này, nếu đại hội lần này “thắng lợi rực rỡ” thì đại hội lần tới (nếu vẫn có) Trung Quốc sẽ lập thành tích chào mừng bằng nhiều sân bay và bến cảng mới trên toàn Quần Đảo Trường Sa, ngư dân Việt Nam cũng không còn đường ra biển.
2. Trong khi đó, trên đất liền công an cũng lập thành tích thật đặc biệt dâng đảng: Liên tục trong 3 ngày, từ 15 đến 17 Tháng Giêng, 2016, có ít nhất 3 vụ bị can chết sau khi bị tạm giam tại các đồn công an.
3. “Như đã thành thông lệ, mỗi khi diễn ra sự kiện trọng đại của đất nước, dân tộc thì cụ rùa hồ Gươm lại nổi lên mặt nước. Điều này khiến cho không khí ngày khai mạc Đại Hội Đảng năm nay càng trở nên linh thiêng”. Đoạn văn vừa kể được trích lại từ Tạp Chí Tuyên Giáo ngày 1 Tháng Mười, 2010 (khai mạc Đại Lễ Ngàn Năm Thăng Long) và được thay đổi sự kiện cho phù hợp với bối cảnh hiện nay. Đây là sự kiện thứ ba mang tính cách tâm linh để chào mừng Đại Hội Đảng.
Hai sự kiện đầu đã trở thành quen thuộc từ bao năm qua và sự im lặng của đảng trong những việc như vậy cũng đã trở nên quen thuộc. Sự kiện thứ ba (cụ Rùa Hồ Gươm) mang tính linh thiêng nên đặc biệt hơn một chút. Lúc đầu đảng định giấu kín bằng mẫu tin nhắn gửi đến báo chí như sau: “Chỉ đạo thông tin: trong không khí vui tươi, hân hoan chào đón đại hội đảng, báo chí tạm thời không đăng tin cụ rùa ở Hồ Gươm chết. Trân trọng cám ơn”. Thế nhưng ngay lập tức, tin và ảnh cụ Rùa đã tràn ngập mạng xã hội, đảng buộc phải cho loan tải tin này. Người dân thì xôn xao cho đây là điểm gở đối với đảng.
4. Thành tích thứ tư chào mừng Đại Hội Đảng càng đặc biệt hơn. Đó là, thông qua các trang mạng “lề trái” và mạng xã hội và thông qua các băng nhóm của mình, các lãnh đạo chóp bu của đảng đã tấn công nhau một cách quyết liệt bằng mọi thủ đoạn; phát tán đủ mọi tài liệu liên quan đến đời tư, gia đình, con cái, tài sản cả trong lẫn ngoài nước bằng cả tên thật lẫn thư nặc danh. Trong đó, đáng kể là các thông tin cả bênh và chống cá nhân ông Nguyễn Tấn Dũng.
Sự thật đằng sau những thông tin này là gì?
Đó là câu hỏi trong đoạn đầu tiên của bài báo đăng trên tờ Quân Đội Nhân Dân ngày 13 Tháng Giêng, nội dung như sau:
“QĐND – Những ngày vừa qua, trước thềm Đại hội XII của Đảng, trên tin nhắn điện thoại, mạng xã hội xuất hiện một số thông tin bịa đặt nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước với mật độ, tần suất cao hơn hẳn bình thường. Mạng xã hội liên tục truyền đi đường dẫn nhiều trang web với nội dung kích động, nhào nặn thông tin “hậu trường” về nhân sự Đại hội XII của Đảng. Sự thật đằng sau những thông tin này là gì?”
Bài báo dẫn lời quan tuyên giáo Đào Duy Quát và vài ông tướng nhắc lại hiện tượng đã thành quy luật kể từ các Đại Hội Đảng lần thứ IX, X, XI là, cứ gần đại hội Đảng thì thông tin “xuyên tạc, bịa đặt về lãnh đạo cấp cao lại xuất hiện.” Họ cho rằng, đó là âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và những kẻ xấu “nhằm gây chia rẽ nội bộ, chia rẽ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân trong việc chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XII của Đảng.”
Như một quán tính, mỗi lần có những tin tức được coi là “bôi nhọ lãnh đạo đảng, nhà nước” lan truyền trong xã hội thì y như rằng có những hăm he từ phía quan chức nhà nước. Lần này, Thứ Trưởng Bộ Thông Tin và Truyền Thông Trương Minh Tuấn nói rằng, sẽ dùng “các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ truy tìm những đối tượng lợi dụng mạng Internet để phát tán thông tin giả mạo, bịa đặt, sai sự thật để xử lý”. Trong khi đó, Đại Tướng Bộ Trưởng Bộ Công An Trần Đại Quang vừa đe doạ trừng trị, lại vừa gián tiếp xác nhận những tin tức đấu đá trong nội bộ đảng là có thật, khi ông thừa nhận việc “lộ, lọt bí mật nhà nước” diễn ra nghiêm trọng.
Thực ra thì người ta có thể dễ dàng nhận thấy sự đấu đá trong nội bộ đảng đã và đang xẩy ra, ít nhất là kể từ khi thi hành nghị quyết Hội Nghị Trung Ương 4: “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng” , mà đỉnh điểm là Hội Nghị Trung Ương 6, khi ông Nguyễn Tấn Dũng tránh được việc bị loại bỏ chỉ trong gang tấc.
Sự thực về tình trạng phân rã của đảng được chính thức tiết lộ
Tuy báo Quân Đội Nhân Dân và các quan chức đảng khẳng định những tin tức xấu là do lực lượng thù địch và kẻ xấu tung ra, nhưng trong bài “Nhận diện và đột phá cấp bách các nguy cơ trong Đảng hiện nay” của tác giả Nhị Lê, Phó Tổng Biên Tập Tạp Chí Cộng Sản, thì người ta lại thấy vấn đề hoàn toàn khác hẳn. Bài của tác giả Nhị Lê đưa lên ngày 22 Tháng 12, 2015; tức ngay sau ngày Hội Nghị Trung Ương 13 vừa kết thúc, ý chừng như để chuẩn bị cho Hội Nghị Trung Ương 14 sau đó hai tuần.
Trong bài viết dài hơn 15 ngàn chữ này, tuy vẫn kín kẽ như các tài liệu khác của đảng, nhưng tác giả Nhị Lê đã nêu ra 5 nguy cơ, trong đó không chỉ cho thấy sự đấu đá, lục đục trong nội bộ đảng là có thực và rất căng thẳng, mà còn cho thấy cả một bộ máy đảng bị tê liệt và rệu rã cùng cực.
Tác giả Nhị Lê viết về thói “tự cho mình đồng nhất tổ chức đảng với người đứng đầu bộ máy đảng… không còn là sự hiếm hoi”; viết về những cá nhân “trong cơ quan lãnh đạo đảng” đang biến tổ chức đảng thành “vương quốc” riêng nhằm thực thi những mưu đồ cá nhân. Không chỉ có bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên “biến chất” mà đáng lo ngại là người đứng đầu suy thoái, biến chất về tư tưởng chính trị, sa sút về phẩm hạnh và lối sống đang gây những hậu quả không lường, và tình trạng đó đang lan rộng, tỏa sâu trong đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng và leo cao, chui vào cả trong một số bộ phận của bộ máy lãnh đạo các cấp của Đảng.
Trong một đoạn dài đề cập nói về một số người nào đó trong cơ quan lãnh đạo đảng, tác giả Nhị Lê nhấn mạnh rằng:
“Điều đáng lo ngại là, họ nhân danh Đảng, nhân danh tổ chức để làm những việc đồi bại, táng tận lương tâm: tham nhũng, ăn cắp của công, bòn rút của cải của Nhà nước, của nhân dân, mua quan bán chức, chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy tội… Tình trạng “phai Đảng”, “nhạt Đảng”,… đang lan nhiễm trong không ít cán bộ, đảng viên. Họ đối xử với nhau “lạnh tanh máu cá”, thậm chí chà xéo cả lên tình người, tình đồng chí để giành đoạt cho mình quyền lực, lợi lộc cá nhân và cho phường hội. Một số người không còn cả liêm sỉ, mà nói như người xưa: Không có liêm sỉ thì không thành người được nữa!”
Trong bài viết ngụ ý công kích kịch liệt ông Nguyễn Tấn Dũng này, tác giả Nhị Lê đề cập đến rất nhiều những nguy cơ “thoái Đảng”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, sự kéo bè kết cánh, tham nhũng quyền lực, xâm hại tình đồng chí, v.v… đang vô hiệu hoá đảng; đang thủ tiêu sức mạnh, tính chiến đấu của đảng, đang có nguy cơ làm phân rã Đảng, và cuối cùng cho thấy là Đảng Cộng Sản đang bị “những cục nghẽn mạch đau đớn.”
Như vậy, không còn nghi ngờ gì nữa, sự đấu đá một mất một còn trong Đại Hội Đảng lần này là điều tất yếu sẽ diễn ra. Sau đó, không kể đến kẻ thắng sẽ ngồi vào ghế quyền lực, người thua sẽ ra sao? Đã có vô số những cuộc thanh trừng trong các Đảng Cộng Sản, đôi khi rất đẫm máu dành cho người thua. Đối với đảng CSVN thì dù đã có rất nhiều người bị thua cuộc trong những cuộc tranh chấp quyền lực liên miên, nhưng có thể tóm gọn trong ba cách đối xử của đảng như sau:
Số phận người thua
a/ Bị làm nhục và bị lợi dụng
Đó là trường hợp Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, một người uy quyền lừng lẫy, từng là “khai quốc công thần của đảng”. Thế nhưng sau khi bị tước mất quyền lực, ông Giáp không chỉ bị cho ngồi chơi xơi nước, mà có lúc còn bị làm nhục qua việc phải nhận lãnh chức vụ trông coi việc cai đẻ, được dân gian truyền tụng qua nhiều câu vè đại loại như “Khi xưa Đại Tướng Cầm Quân, Ngày nay Đại Tướng cầm quần chị em”. Thế nhưng, khi cần tuyên truyền thì Đại Tướng Giáp vẫn phải mang hia đội mão lên báo, đài, TV tuyên tuyền cho đảng.
Trong đợt bị hất ra khỏi quyền lực cùng với Tướng Giáp còn có Bộ Trưởng Ngoại Giao Ung Văn Khiêm và một số cán bộ thuộc hàng lãnh đạo khác. Ông Khiêm khi còn đương nhiệm đã bị công khai hạ nhục khi bị an ninh sân bay đè ra lục soát hành lý, vào lúc ông sắp lên máy bay sang Mạc Tư Khoa dự họp. Lý do là đảng sợ ông Bộ Trưởng Ngoại Giao mang tài liệu mật của đảng sang Liên Xô.
Cũng trong đợt những người bị hất khỏi quyền lực này, Tướng Lê Liêm, Chính Uỷ Chiến Dịch Điện Biên Phủ thê thảm hơn nhiều. Ngay trong Hội Nghị Trung Ương 9, khoá 3; sau khi Tướng Liêm đọc tham luận phản đối đường lối của Mao (Trạch Đông), Thứ Trưởng Công An Lê Quốc Thân chỉ mặt Tướng Lê Liêm nói rằng: “Mày còn thở ra cái hơi xét lại, tao lập tức tóm cổ mày.”
Nhắc lại chuyện tướng Lê Liêm ở đây để thấy rằng, ở trong Đảng Cộng Sản uy quyền của công an khủng khiếp như thế nào.
b/ Bị lừa lọc một cách tàn nhẫn: “Đảng ta hơn các đảng khác ở chỗ chúng ta vẫn còn nhiều người tốt.”
Đó là trường hợp của ông Trần Xuân Bách, được tác giả Phan Chi thuật lại. Chuyện này đã được nhà văn Nguyễn Quang Lập đăng trên trang blog của ông trước khi trang này bị nhà nước đóng cửa.
Phan Chi kể rằng, ông vô tình gặp bà Thịnh vợ ông Bách ở nghĩa trang Mai Dịch. Bà Thịnh kể:
Hồi anh Bách nằm bệnh viện, ông Lê Khả Phiêu vào thăm ông Hoàng Bích Sơn nằm gần phòng anh Bách nhưng không ghé thăm anh Bách. Mặc dù anh Bách có nhiều ân tình với Lê Khả Phiêu. Tôi (tức bà Thịnh) phải xin cái phong bì có tiêu đề của VP Trung ương, bỏ vào đó 5 triệu rồi nói với anh Bách là anh Lê Khả Phiêu vào thăm nhưng anh ngủ nên em không gọi anh dậy. Ông ấy có gửi chút tiền bồi dưỡng.
Và nhiều lần như thế, có ông nào vào nhưng không ghé thăm anh là tôi lại ngụy tạo phong bì cho anh vui.
Trước khi mất anh Bách thanh thản lắm, nói: “Đảng ta hơn các đảng khác ở chỗ chúng ta vẫn còn nhiều người tốt.”
c/ Lo sợ cho tính mạng
Trong Đèn Cù tập 2, trang 208, nhà văn Trần Đĩnh kể lại chuyện Đặng Xuân Kỳ, con của cố Tổng Bí Thư Trường Chinh, thuật lại nỗi lo sợ của ông Trường Trinh mỗi khi họp Bộ Chính Trị với các đồng chí của ông ta như sau:
“Trường Chinh chết, Hồng Ngọc, vợ Hoàng Minh Chính và Hà, con gái cả đến nhà chia buồn. Hai mẹ con về, Đặng Xuân Kỳ tiễn. Kỳ vừa đi qua sân sỏi vừa nói: ông cụ tôi ngoài không dám ăn uống bất cứ thứ gì. Họp Bộ chính trị với Trung ương cũng uống nước của nhà mang theo và nếu không về nhà ăn trưa được thì ông cụ nhịn.”
Leave a Comment