Sau khi kết thúc chuyến viếng thăm Việt Nam từ ngày 8 tháng 1 đến ngày 17 thánh 1 năm 2016, Đức Hồng Y Reinhard Marx, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, Chủ Tịch Ủy Ban Giám Mục Liên Minh Âu Châu và thành viên của Hội Đồng Hồng Y tại Vatican, đã trả lời cuộc phỏng vấn của phóng viên Burkhard Jürgens thuộc Thông Tấn Xã Công Giáo Đức (KNA) có trụ sở tại TP/Bonn với nội dung được Nguyễn Quang (DĐVN21) chuyễn ngữ như sau:
Thông Tấn Xã Công Giáo (KNA): Thưa Đức Hồng Y Marx, chúng ta nói chuyện thoải mái được không ?
Hồng Y Reinhard Marx: Lẽ dĩ nhiên, tôi không tin ở đây có cài máy nghe lén, để làm gì cơ chứ…? Tôi đã có buổi thảo luận thẳng thắn với các đại diện nhà nước. Chẳng hạn, chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tuyên bố: “Chúng tôi chào mừng sự phát triển của giáo hội”. Tôi đã đáp lại: “Nhưng thưa ông chủ tịch, học thuyết Mác phủ nhận điều này, vì ở đâu một xã hội tiến lên xã hội chủ nghĩa, nơi đó tôn giáo xét theo học thuyết sẽ chết dần”.
KNA: Và ngược lại Ngài có xác tín ông ấy được không ?
ĐHY Marx: Cảm tưởng của tôi là : Những người đối tác thảo luận với chúng tôi đã không mấy phấn khởi bảo vệ cho ý thức hệ của họ. Trái lại họ nói rằng, chúng tôi muốn đồng bào có cuộc sống vật chất tốt đẹp hơn. Vì thế chúng tôi muốn phát triển một nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Đó cũng luôn là điều mà họ không có gì để chống khi Giáo hội hoạt động cho người nghèo. Chủ tịch Mặt trận tổ quốc rất hãnh diện đã biểu dương 25 vườn trẻ công giáo. Việc này tiếp tục như thế nào, chúng ta cần phải theo dõi. Tôi có nói với các vị Giám mục ở đây: Các Ngài phải tự sửa soạn cho các lãnh vực trường học, đại học và công tác đào tạo.
KNA: Như vậy sự giới hạn tự do tôn giáo không đến nỗi tồi tệ ?
ĐHY Marx: Các vị Giám mục, linh mục và giáo dân tiếp xúc với chúng tôi cho biết : Từng bước một, người ta có thể tiến tới phía trước. Giáo hội đang phát triển : Dân chúng Việt Nam trẻ trung, và Giáo hội cũng vậy. Đối diện với các Ban nhà nước, như Ủy ban về các vấn đề tôn giáo của quốc hội và Ủy ban đặc trách của bộ nội vụ, chúng tôi đã công khai nêu ra những điểm đang còn gây sức ép nặng nề. Là những đại biểu từ Đức, chúng tôi nhấn mạnh những yêu cầu trong các cuộc nói chuyện : Luật tôn giáo nên tiếp tục triển khai, hủy bỏ các giới hạn trong việc đăng ký cộng đồng tín ngưỡng và tạo điều kiện cho Giáo hội cũng như các tôn giáo khác tham gia hoạt động xã hội trong các lãnh vực như thiện nguyện Caritas, đào tạo và y tế.
KNA: Cơ hội cho một sự phát triển tích cực thật sự sẽ có triển vọng tốt như thế nào vào lúc đại hội Đảng CS sắp diễn ra ?
ĐHY Marx: chúng tôi để ý thấy là trong nội bộ đảng và ở các cán bộ cũng có nhiều lập trường khác biệt. Điều này tôi không hề thấy ở Cộng hòa dân chủ Đức trước kia. Nơi này đây các cuộc tranh cãi diễn ra công khai với nhiều quan điểm khác nhau như trong cuộc thảo luận về Luật tôn giáo. Chúng tôi đến đây trước đại hội đảng thật đúng lúc. Các đại diện giáo hội cũng xác nhận : trong 10, 15 năm qua đã có nhiều cải thiện. Lẽ dĩ nhiên là chưa có tự do tôn giáo như chúng ta mong muốn. Nhưng sự tự do đi lại của giáo hội ngày càng tốt hơn. Và tôi không có cảm tưởng là đảng muốn đảo ngược chính sách, trái lại còn muốn mở rộng tự do hơn. Tuy nhiên ở đảng cộng sản, người ta không bao giờ biết rõ điều gì có thể xảy ra khi nào và như thế nào. Chúng tôi cũng có nghe một số người nói không tin vào những thay đổi.
KNA: Hiện tại Việt Nam và Liên Minh Âu Châu (EU) hoạch định một Hiệp định thương mại tự do. Hiệp định này mở cửa cho phương Tây và tạo nhiều tự do, nhưng cũng gây mối lo là quyền công nhân bị xói mòn. Chúng ta có thể trù liệu về sự xung đột này như thế nào ?
ĐHY Marx: Chúng ta đang sống trong những mâu thuẫn. Tuy nhiên Hiệp định thương mại tự do và cả Tổ chức thương mại thế giới WTO mà Việt Nam đã gia nhập là một công cụ nhắc nhở tuân thủ thỏa ước ký kết. Tôi không tin là mọi tiêu chuẩn mong muốn sẽ đạt được trong nay mai. Nhưng đây là con đường phải đi: Có lẽ các công đoàn tự do sẽ được thành lập và một phần lớn định chuẩn lao động chính của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cũng sẽ được chấp nhận – nhưng những việc này sẽ được thực hiện tới đâu lại là một vấn đề khác. Nhưng Việt nam đã đi vào con đường mà Liên Hiệp Quốc hay Chương trình 2030 quy định, điều này cho phép có hy vọng. Tôi không tin Việt Nam sẽ chính thức hay ồn ào rời bỏ tiến trình này, dù rằng còn kéo dài nhiều năm cho đến khi một phong trào công đoàn tự do hay quyền cùng biểu quyết trong các xí nghiệp đạt được hoặc một xã hội dân sự thành hình. Những người khác biệt chính kiến mà tôi đã tiếp chuyện cũng chia sẻ quan điểm này.
KNA: Tòa thánh Vatican nỗ lực tiếp cận Việt Nam sau một thời gian băng lạnh ngoại giao. Là thành viên của Hội đồng Hồng y, Ngài đóng vai trò gì trong vấn đề này?
ĐHY Marx: Tôi không phải là đại diện của Đức Giáo Hoàng trong quan hệ ngoại giao. Việc này đã có ngài Hồng y thứ trưởng ngoại giao phụ trách, sau này cũng sẽ đến. Những người đối tác thảo luận chính trị với chúng tôi luôn nhấn mạnh là họ rất kính trọng Đức Giáo Hoàng và rất quan tâm đến một mối bang giao tốt. Ở đây có thể kể chính xác : Ai đã đến Vatican và bắt tay Giáo Hoàng Phanxicô. Sự tiếp đón tôi cũng là dấu hiệu họ đánh giá cao sự liên lạc với Giáo hội Công giáo. Họ tin là tôi sẽ tường trình tốt với Đức Giáo Hoàng. Tuy nhiên, những gì mà tôi sẽ tường trình dĩ nhiên là tôi nói cho Giáo Hoàng, chứ không phải cho những người cộng sản.
Leave a Comment