Tại sao Trung Quốc không biết họ đang làm gì

Heather Long - CNN

- Quảng Cáo -

15/01/2016

Phép mầu tăng trưởng của Trung Quốc đang rạn nứt. Quốc gia này có vẻ như không còn biết họ đang làm gì về chuyện kinh tế, và đặc biệt là thị trường tài chính.

Mùa xuân năm ngoái chính quyền kêu gọi dân chúng mua cổ phiếu – trước khi thị trường lên tới đỉnh.

Họ bỏ ra 500 tỉ đô la trong năm rồi để chống đỡ đồng nhân dân tệ, để rồi sau đó lại xoay qua phá giá tiền tệ.

- Quảng Cáo -

Đảng Cộng Sản Trung Quốc thử hết sức để làm điều mà không ai trên thế giới có thể làm được: đó là chận lại sự dao động của thị trường. Họ dùng những biện pháp như buộc ngưng thị trường chứng khoán trọn một ngày cho đến việc dùng tiền nhà nước để mua cổ phiếu. Tuy thế thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn tiếp tục đi xuống. Thị trường chính ở Thượng Hải đang trong đà xuống và kéo cả thế giới xuống, luôn cả Hoa Kỳ.

Chưa hết, các giám đốc, chủ tịch công ty Trung Quốc tiếp tục “biến mất” và không ai tin được các con số thống kê kinh tế của nhà nước. Trung Quốc vẫn tuyên bố là tăng trưởng gần 7%. Các chuyên gia độc lập cho rằng con số thật chỉ khoảng phân nửa số đó.

Thế giới bừng tỉnh dậy với Trung Quốc

Tại sao mất quá lâu để thế giới nhìn nhận ra là Trung Quốc không hoàn toàn kiểm soát mọi thứ?

Không có bài bản nào cho những gì Trung Quốc từng trải qua. Họ dọ dẫm thử đường, và họ còn sẽ phạm nhiều lỗi nữa trong năm 2016. Theo Giáo sư về lịch sử tài chánh Richard Sylla của đại học New York, trường Kinh Doanh Stern thì “không có nền kinh tế nào trong lịch sử đạt được tăng trưởng trong ba thập niên và đạt nhiều đổi thay mà không vấp váp”.

Hoa Kỳ cũng có nhiều vấp váp trong tiến trình chuyển tiếp từ một nền kinh tế phôi thai qua kinh tế trưởng thành. Hoa Kỳ cũng xém bị tan vỡ thị trường như Trung Quốc đang nếm mùi.

bank-panic1
Đám đông hoảng hốt tại New York năm 1907 vì tình trạng mua bán dồn dập trên thị trường chứng khoán.

Trong cơn hoảng sợ năm 1907, giám đốc thị trường chứng khoán New York muốn đóng cửa thị trường. Nhưng JP Morgan, một tay cự phách về tài chánh, khuyến cáo rằng ý kiến đó rất tệ và chỉ càng làm cho thiên hạ hoảng sợ thêm.

Chính quyền Trung Quốc đóng vai trò lớn bất thường trong kinh tế

Trung Quốc hiện đại hóa nhanh chóng và ở tầm vóc lớn chưa từng thấy. Bất cứ chính quyền nào cũng có thể vấp lỗi trong những hoàn cảnh đó. Nhưng Đảng Cộng Sản Trung Quốc nắm giữ thêm một số quyền lực trên nền kinh tế.

Sự thật là đa số các quyết định lớn về thị trường chứng khoán Trung Quốc không đến từ Ủy Ban Chứng Khoán. Chúng được văn phòng thủ tướng quyết định. Và nền kinh tế cũng được quyết định tương tự.

Theo giáo sư tài chính Zhiwu Chen của đại học Yale, “Quyết định đến từ cấp phó thủ tướng, và trong nhiều trường hợp, từ cấp thủ tướng. Chuyện này giống như là Obama lấy quyết định cuối cùng về cách điều hành thị trường chứng khoán New York vậy.”

Sự can thiệp nặng nề của chính quyền có những điểm hay và dở. Trong quá khứ, chính quyền Trung Quốc có khả năng can thiệp vào nhanh chóng để cứu những cơ sở kinh doanh thất bại hoặc lấy quyết định nhanh chóng chi tiền thật nhiều để khởi động lại nền kinh tế.

Thế giới đã quen nhìn thấy những điều ngạc nhiên một cách tích cực từ Trung Quốc

Hệ thống tài chính của Trung Quốc chỉ là “hạng C”

Nhưng bài bản kinh tế không còn hữu hiệu nữa khi Trung Quốc chuyển tiếp từ nền kinh tế dựa vào sản xuất và xuất khẩu qua nền kinh tế tiêu thụ của giới trung lưu.

Theo giáo sư Sylla thì Trung Quốc có công nghệ sản xuất tầm cỡ thế giới nhưng hệ thống tài chánh thì chỉ là hạng C hay C+.

Chính quyền Trung Quốc cũng phải thích nghi với sự kiện là gần 50% số công ty có cổ phần được giao dịch là công ty tư.

Trong lúc Trung Quốc phải đối diện với những đổi thay của thời đại, thì năm 2016 có thêm nhiều khó khăn không phải là điều ngạc nhiên.

Theo Gs. Sylla thì hệ thống tài chánh của Trung Quốc chỉ là hạng C hay C+
Theo Gs. Sylla thì hệ thống tài chánh của Trung Quốc chỉ là hạng C hay C+

Chưa gì hết mà chính quyền đã phải nuốt lời nhận lỗi. Họ lập ra điều lệ để ngắt nối mạch của thị trường chứng khoán để ngừng giao dịch nếu thị trường giảm xuống 7% hay hơn. Ngày 7 tháng Giêng chỉ sau vài phút giao dịch, điều lệ ngắt nối mạch bật mở và đóng cửa thị trường suốt ngày còn lại.

Chưa đến bốn ngày sau khi áp dụng điều lệ ngắt nối mạch, Trung Quốc vất bỏ nó vì thấy rằng nó chỉ góp phần thêm cho sự dao động của thị trường, hơn là làm giảm.

Trung Quốc phải làm gì bây giờ

Điều then chốt cho Trung Quốc là suy tính cách nào thông tin tốt nhất với thế giới. Tình trạng không rõ ràng, tính bất định làm thị trường sợ nhất.

Trung Quốc là đối tác giao dịch lớn nhất với nhiều nền kinh tế trên thế giới và ngay cả nhiều công ty “thuần túy Hoa Kỳ” cũng bán nhiều hàng hoá cho Trung Quốc. Khi nền kinh tế Trung Quốc chậm lại, nó vang dội toàn cầu. Nhưng không ai dám chắc là tác động sẽ bao nhiêu. Trung Quốc có thể giúp cho thế giới thấy tình hình rõ hơn. Nhưng đến nay họ đã không làm thế.

Hoàng Thuyên tóm lược

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here