THƯỢNG HẢI- Trước giờ đóng cửa phiên giao dịch hôm Thứ Tư, 13 Tháng Giêng, 2016, chỉ số CSI300 ở cả 2 sàn chứng khoán Thượng Hải, Thẩm Quyến tiếp tục tụt dốc khiến cho các nhà đầu tư rất bất an.
Theo các chuyên gia kinh tế thì cuối năm 2001 do sự ủng hộ của Nhật và Hoa Kỳ, Trung Quốc đã được Tổ Chức Mậu Dịch Thế giới (WTO) thâu nhận làm thành viên. Đây là động lực chính cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Phát triển đến độ có biệt danh “Trung Quốc là công xưởng của thế giới”, và lãnh đạo Bắc Kinh hãnh diện với biệt danh này.
Năm 2011 là thời vàng son nhất của nền kinh tế Trung Quốc, nhưng qua những năm sau đó bắt đầu đi xuống và đầu năm 2016 Công xưởng của Thế giới này đang bước vào thời kỳ lâm chung.
Lý do là vì tiền công nhân Trung Quốc không còn rẻ như trước nữa, tai nạn lao động tăng cao, gây ô nhiễm môi trường, … nên Bắc Kinh cũng phải giải quyết các vấn đề này.
Vì phẩm chất hàng xuất khẩu kém, nhiều độc hại, nên bị trả lại nằm chất đống tại bến cảng, tại kho sản xuất. Ngoài ra các công ty đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc dần dần rút đi vì bị Bắc Kinh gây nhiều khó khăn, cụ thể là các công ty Nhật, Mỹ đang chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam và các nước Đông Nam Á.
Đáng lý ra Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều nhất trong việc này, nhưng vì Việt Nam chưa có luật lệ đầu tư rõ ràng, xuyên suốt và VN vẫn là một nước Cộng sản chẳng khác gì Trung Quốc, nên rốt cuộc, Miến Điện sau khi đẩy mạnh tiến trình dân chủ hóa đất nước đã thu hút nhiều đầu tư của Mỹ và Nhật.
Theo các chuyên gia kinh tế thì chỉ cần nhìn hàng xuất khẩu và việc tiêu thụ nội địa là biết ngay nền kinh tế của Trung Quốc đang đi xuống, nhưng Bắc Kinh vẫn công bố chỉ số GDP của năm 2015 là tăng trên 7% để trấn an người dân.
Sự trấn an này chỉ là thuốc xoa ngoài da để ngăn chận sự nổi dậy của người dân được ngày nào hay ngày đó.
Leave a Comment