Bàn tiếp tân trong phòng phá thai của Bác sĩ Nguyễn Tố Hảo có các chậu bông nhựa đầy màu sắc rực rỡ đón chào bệnh nhân. Nhưng không khí trong phòng đợi thì lại ảm đạm. Bà Hảo, bác sĩ phụ sản, cho biết là nhiều bệnh nhân của bà là thanh thiếu niên chẳng biết gì cả về tình dục và hệ quả của nó. Một số mang bầu gần đến tháng thì được gửi qua bệnh viện gần đó để phá thai; một số khác thì đợi đến ngày sanh đẻ và đưa con vào chùa cho các sư chăm sóc.
Việc có thai ngoài ý muốn có thể tránh được nếu Việt Nam có bộ môn giáo dục sinh lý trong trung học. Một câu ngạn ngữ Việt Nam cho rằng đừng bàn về chuyện tình dục là cách chắc chắn nhất để “tránh chỉ đường cho hươu chạy”. Bác sĩ Hảo thì nhấn mạnh là “hươu đã chạy đầy đường”, và chính quyền thất bại trong việc hướng dẫn.
Tỷ lệ phá thai tại Việt Nam không có con số chính xác nhưng người ta nghĩ là thuộc hàng cao nhất thế giới. Theo các nhà nghiên cứu tại Bệnh Viện Phụ Sản Trung Ương tại Hà Nội, hai phần năm thai nghén ở Việt Nam bị phá – gấp đôi con số của chính quyền đưa ra.
Thiếu hiểu biết về sinh lý và ngừa thai là một yếu tố hiển nhiên. Một số phụ nữ đi phá thai vì không có ý định mang bầu. Một số khác rất thèm có con trai, vì con trai mới nối dòng dõi gia đình và theo truyền thống là lo cho cha mẹ già. Phá thai vì lý do chọn trai gái bị cấm từ năm 2003, nhưng khó mà kiểm soát luật này. Phòng khám siêu âm có đầy. Bà Nguyễn Thị Hiền, dân Hà Nội có hai con, cho biết là chỉ cần trả 75 đô, bác sĩ sẽ cho biết bào thai là trai hay gái.
Thành ra cứ mỗi 100 bé gái sơ sinh, có 111 bé trai. Và theo Quỹ Dân Số Liên Hiệp Quốc, tỷ lệ trai gái sơ sinh này cũng chênh lệch không thua gì bên Trung Quốc. Đảng Cộng Sản Việt Nam lo là sự thiếu cân bằng trai gái này sẽ đưa đến cả một thế hệ đàn ông không tìm được vợ. Cũng như trong các xã hội đầy những đàn ông độc thân bức xúc, có thể dẫn đến tình trạng buôn bán phụ nữ, đĩ điếm, nhiều vụ hiếp dâm và rủi ro cao về bất ổn chính trị.
Các chính sách về dân số và sinh sản của Việt Nam thay đổi liên tục. Quyết định gần đây của Trung Quốc bỏ chính sách một con có thể thúc đẩy Việt Nam suy tính lại về chính sách hai con, theo một cựu viên chức từ Bộ Y Tế. Bộ đang lấy ý kiến từ quần chúng để thay đổi luật này và Quốc Hội sẽ xem xét vào mùa xuân.
Cũng đã đến lúc. Hai phần ba dân số Việt Nam (90 triệu) ở tuổi lao động. Con số này giúp Việt Nam cơ hội để bộc phát kinh tế trong ba thập niên sắp tới. Nhưng sau đó “lợi nhuận dân số” có thể khựng lại. Tỷ lệ thụ thai ở một số thành phố đã rơi xuống thấp hơn tỷ lệ bù đắp dân số, một xu hướng có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt người làm việc, như Nhật Bản và các quốc gia giàu có gặp phải. Khác biệt là Việt Nam có rủi ro già đi trước khi giàu có.
Bộ luật mới về dân số, theo dự thảo hiện nay, không giúp gì cho lắm. Luật đề nghị giữ nguyên chính sách hai con và cấm phá thai sau 12 tuần, so với 22 tuần hiện nay, ngoại trừ trường hợp bị cưỡng hiếp. Điều này có thể khiến cho nhiều người mang bầu đến các phòng phá thai lậu. Trong tháng Chín 17 chuyên gia về y tế công cộng gửi thư kiến nghị than phiền về luật dự thảo với bộ trưởng y tế. Các áp lực tương tự có thể khiến chính quyền tăng thời hạn 12 tuần lên.
Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát dân số đang được bộ y tế cứu xét có một điểm lo ngại: chú trọng trước khi sinh vào “chất lượng dân số”. Nghe có vẻ vô thưởng vô phạt, nhưng ý chính ở đây, theo một chuyên gia ngoại quốc về chính sách y tế tại Hà Nội, là viên chức y tế có thể khuyến khích người mẹ phá thai nếu thấy bào thai có chỉ dấu tàn tật.
Một số người trong bộ cũng đề nghị bỏ chính sách hai con ở thành phố nhưng vẫn áp dụng ở vùng quê – tức là khuyến khích thành phần có học, khá giả có con nhiều hơn trong khi không cho phép dân nghèo điều đó, kể cả các sắc dân thiểu số, những người xem con cháu của họ như là nguồn an ninh xã hội duy nhất. Điều luật này giúp cho các viên chức trách nhiệm về chính sách hai con vẫn còn có công ăn việc làm. Nhưng ý kiến này lạc hậu, không công bằng và cần được vất bỏ.
Hoàng Thuyên lược dịch
Leave a Comment