Để thêm bạn và mở ra thị trường mới cho các công ty Trung Quốc, Bắc Kinh hứa hẹn các quốc gia láng giềng Á châu hàng tỉ đô la tiền vay và vốn đầu tư. Nhưng tại Việt Nam nỗ lực đó không đi đến đâu.
Thái độ hung hãn của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp đã khiến nhiều người Việt bất mãn, và viễn kiến lớn của Tập Cận Bình về con đường Tơ Lụa mới với Trung Quốc ở trung điểm được đón nhận với sự hoài nghi và bài bác thay vì phấn khởi.
Quan hệ đôi bên trở nên xấu đến độ Đảng Cộng Sản Việt Nam ngày càng nghiêng về kẻ thù cũ, Hoa Kỳ. Và khi họ Tập thăm viếng Việt Nam hồi tháng trước, người ta cảm được sự lạnh lùng đón tiếp.
Họ Tập được đón với nghi lễ 21 phát đại bác và được mời đọc diễn văn tại quốc hội. Bài diễn văn 20 phút trước các “đồng chí” của ông tại Việt Nam đầy những đề cập thi vị về vận mệnh chung của hai nước, huynh đệ đồng lòng có thể chặt đứt được kim loại.
Nhưng những lời hô hào của họ Tập chỉ gặp phải sự yên lặng lạnh lùng và vỗ tay lác đác khi xong. Trên khuôn mặt của cử tọa là những nét chán chường, lãnh đạm và ngay cả đối nghịch. Một viên chức Việt Nam ẩn danh cho biết, “không khí rất căng.”
Trung Quốc muốn giúp các nước láng giềng xây dựng hạ tầng cơ sở mà nền kinh tế của họ đang cần, dưới danh nghĩa tái lập tuyến đường giao thương Tơ Lụa cổ xưa và phần nào đó xuyên qua Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tầng Á Châu. Việt Nam cần vốn nhưng lo sợ những chủ đích thầm kín khác.
Ông Trần Trương Thủy, một chuyên gia tại Học Viện Ngoại Giao Việt Nam, một think thank của Bộ Ngoại Giao cho biết, “Chúng tôi rất hoài nghi vì không biết mục đích thật sự là gì. Đằng sau con đường Tơ Lụa hàng hải, Trung Quốc có thể đề xuất tuyên truyền về chủ quyền của họ.”
Trước khi họ Tập đến, các nhà hoạt động tổ chức một số biểu tình nhỏ hiếm thấy để phản đối, và công an theo dõi nhưng không dẹp. Tám tổ chức phi chính phủ Việt Nam và 1.700 nhà hoạt động ký kiến nghị trên mạng để phản đối chuyến đi của Tập, trong khi đó có chiến dịch thu thập thêm hàng ngàn chữ ký trên Facebook.
Để làm bỉ mặt, cùng lúc với chuyến viếng thăm của họ Tập còn có bộ trưởng quốc phòng Nhật thăm viếng và Hà Nội mời chiến hạm Nhật ghé thăm cảng Cam Ranh.
Sự tương phản giữa hai chuyến viếng thăm của họ Tập và Tổng thống Bill Clinton năm 2000 lộ rõ: hồi đó có hàng chục ngàn người trẻ chờ đến khuya để chào đón vị tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm từ sau cuộc chiến Việt Nam chấm dứt. Còn đối với họ Tập, không có đám đông reo hò nào cả.
Trắc trở đường rầy
Trên đường phố Hà Nội, một loạt các cột xi măng và đường sắt trên cao đang xây dở dang là một trong những lý do Trung Quốc không được quần chúng tin cậy ở đây. Kế hoạch đường sắt đô thị bị trễ hạn ba năm và lố 57% ngân sách. Nhiều tai nạn xảy ra, giàn giá bị đổ, rớt đồ đạc, đã làm thiệt mạng hay bị thương người đi đường, trong khi đó bộ trưởng giao thông vận tải than phiền là điều khoản của tiền vay Trung Quốc buộc ông phải mua toa xe lửa Trung Quốc.
Bộ Trưởng Đinh La Thăng than phiền là nhà thầu Trung Quốc rất tệ. Ông muốn thay họ nhiều lần nhưng không được vì nợ vay buộc như vậy.
Trung Quốc mang tiếng là chuyển giao những công nghệ lỗi thời cho Việt Nam, thực hiện chất lượng kém, lờ đi các tiêu chuẩn về môi trường và đem công nhân Trung Quốc qua. Công ty Trung Quốc thường trúng thầu bằng cách đặt giá thấp một cách vô lý, rồi sau khi trúng thầu thì đòi tiền thêm. Trần Việt Thái, một chuyên gia khác tại Học Viện Ngoại Giao cho biết nhà thầu Trung Quốc đưa giá thấp như thế là vì hối lộ và tham nhũng.
Cũng vì thế mà năm 2013, Việt Nam xiết chặt luật lệ về việc trao thầu cho các dự án công cộng, ra điều kiện, chẳng hạn như đem tối thiểu công nhân nước ngoài vào.
Việt Nam tham gia vào Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tầng Châu Á nhưng giữ khoảng cách với dự án Con Đường Tơ Lụa.
Nhưng mối rạn nứt mạnh mẽ nhất trong mối quan hệ Việt-Trung xảy ra vào Tháng 5, 2014 khi Trung Quốc kéo giàn khoan dầu vào vùng biển gần Hoàng Sa, nơi mà Việt Nam xem là vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Sự kiện giàn khoan xảy ra vào thời điểm mà quan hệ hai nước đang có chiều hướng tiến triển là một cú sốc đối với Việt Nam. Viên chức Việt Nam cho biết như thế. “Sự tin tưởng vào nhau vẫn chưa hồi phục lại như trước.”
Bạo loạn xảy ra tấn công vào nhà máy Trung Quốc và Đài Loan. Có lời kêu gọi Trung Ương Đảng Cộng Sản họp khẩn cấp để thảo luận về việc liên minh với Hoa Kỳ – một thay đổi chiến lược táo bạo cho một nước mà chủ thuyết cơ bản về ngoại giao là không muốn liên minh quân sự, theo ông Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam tại Đại Học New South Wales. Cố vấn cao cấp về Á Châu của Tổng thống Obama, Evan Medeiros, được mời đến Việt Nam vào tháng Bảy đó để thảo luận xiết chặt quan hệ.
Suy nghĩ lại mối quan hệ
Rốt cuộc Trung Quốc rút giàn khoan ra vào Tháng 7, 2014, sớm hơn dự định một tháng, và cuộc họp khẩn cấp của Trung Ương đảng không diễn ra. Tuy nhiên, mối quan hệ cải thiện với Hoa Kỳ được đẩy đi tiếp.
Theo Medeiros, hiện là giám đốc quản trị của Eurasia Group, một công ty tư vấn kinh doanh quốc tế, “Hành vi của Trung Quốc khuấy lên một cuộc tranh luận nội bộ tại Việt Nam về hướng chiến lược của họ”
Trong 12 tháng vừa qua, 8 trong số 16 thành viên Bộ Chính Trị đã đến thăm Hoa Kỳ, trong khi đó nhiều viên chức Hoa Kỳ ở cấp bực nội các đã đến Việt Nam. Tổng thống Obama tiếp Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại tòa Bạch Ốc vào tháng 7 và dự tính là sẽ đi Việt Nam năm tới.
Vào tháng Mười 2014, Hoa Kỳ gỡ bỏ phần nào lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam và đang giúp Hà Nội cải thiện khả năng cảnh sát biển để đối phó với sự gia tăng hiện diện của Trung Quốc trong Biển Đông.
Nhưng chỉ dấu rõ ràng nhất trong việc nối lại tình hữu nghị giữa hai nước là việc đem Việt Nam vào TPP. Việt Nam hy vọng là hiệp ước đó sẽ giảm đi sự lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, mà hiện thời tình trạng nhập siêu đang cao.
Mặc dầu kinh tế tăng trưởng vùn vụt ở trên biên cương phía bắc, ít có người Việt muốn nói tiếng Hoa, trong khi đó nhiều người muốn học tiếng Anh. Thật vậy, người Việt xếp hạng cao trong danh sách hâm mộ Hoa Kỳ và danh sách ngờ vực Trung Quốc. Thăm dò của Pew Research cho thấy 78 phần trăm có cái nhìn tốt đẹp về Hoa Kỳ so với 19 phần trăm cho Trung Quốc.
Thách đố cho đảng cộng sản
Đối với Đảng Cộng Sản Việt Nam, đây là một thách đố: họ có quan hệ gần gũi với đảng Cộng Sản Trung Quốc sau khi cả hai lên nắm quyền sau thế chiến thứ Hai và từ đó đi cùng đường về kinh tế và đàn áp chính trị. Nhưng họ không thể để bị xem là khuất phục Trung Quốc.
Tuy đảng cộng sản có một nhóm bảo thủ uy quyền thân Bắc Kinh, sự kiện là có nhiều thành viên Bộ Chính Trị đi thăm Hoa Kỳ trước khi có thay đổi về giới lãnh đạo Việt Nam đầu năm tới, tự nó đã nói lên rất nhiều.
Theo ông Thủy ở Học Viện Ngoại Giao, “Đảng phải quan tâm đến dư luận quần chúng. Không ai muốn tỏ ra yếu mềm khi bảo vệ quyền lợi đất nước hoặc tỏ ra chiều ý Trung Quốc.
Mối quan tâm lớn nhất của Việt Nam là dự án bồi đắp biển đảo rộng lớn của Trung Quốc tại Biển Đông. Trong chuyến viếng thăm của họ Tập, các lãnh đạo cao cấp Việt Nam yêu cầu họ Tập ngưng không tiếp tục quân sự hóa biển đảo, nhưng họ Tập cự tuyệt, từ chối lập lại lời hứa ở Washington hồi tháng Chín.
Hai tuần sau chuyến viếng thăm, đại biểu Quốc Hội Trương Trọng Nghĩa đề nghị Việt Nam không nên nhận tiền vay hoặc viện trợ từ Trung Quốc, cho rằng như thế sẽ làm yếu đi khả năng của Hà Nội đàm phán về tranh chấp lãnh thổ.
Đề nghị đó sẽ không thành. Việt Nam biết là họ cần quan hệ tốt với Trung Quốc: Lịch sử và địa dư buộc Việt Nam không thể biến Bắc Kinh thành kẻ thù. Việt Nam sẽ không chối từ đầu tư Trung Quốc, nhưng họ sẽ chọn cẩn thận, và họ chắc chắn sẽ không tin tưởng vào ý định của Trung Quốc.
Một chuyên gia Trung Quốc tại Hà Nội, xin ẩn danh để đề cập đến một chủ đề tế nhị, chia sẻ là chính quyền và truyền thông Trung Quốc không khôn khéo lắm. Guồng máy tuyên truyền của Bắc Kinh đã tung tin tới tấp trên thế giới về các dự án đồ sộ của họ Tập trong vùng mà không suy tính về cảm nghĩ của người khác.
Hoàng Thuyên lược dịch
Leave a Comment