Người ta khi yêu nhau da diết thường tự nhiên tin rằng mình có thể chung sống trọn đời với người yêu. Và có thể sẵn sàng bỏ cha bỏ mẹ bỏ gia đình để đi theo tiếng gọi của con tim nếu bị cha mẹ và gia đình phản đối. Thế nhưng thực tế cho thấy tại các nước phương tây ví dụ như tại Hoa Kỳ, là nơi mà hầu hết các cuộc hôn nhân là kết quả của tình yêu chứ không phải do sự xếp đặt cưỡng duyên, tỷ lệ gia đình ly dị gần bằng nửa số gia đình toàn vẹn.
Tại các nước Á Châu còn ảnh hưởng văn hóa Khổng Mạnh, mức độ ly dị tuy chưa cao bằng, nhưng rất nhiều cặp vợ chồng tuy còn sống với nhau mà như là đã ly thân ly dị, chỉ mang danh nghĩa vợ chồng để giữ thể diện, hay hy sinh hạnh phúc cá nhân cho con cái được gần cha gần mẹ. Mà sống như vậy thì hay tổn hại sức khỏe tâm thần đưa đến các triệu chứng u uất trầm cảm, nhức đầu, khó ngủ mà bác sĩ thường khó chữa dứt.
Như thế quả là tình yêu không thôi, dù có mãnh liệt mê choáng thế nào đi nữa, chưa đủ là chất keo hạnh phúc bất diệt trên con đường dài của hôn nhân. Vậy thì muốn hôn nhân bền vững, người ta cần thêm những yếu tố nào ngoài tình yêu?
Hai người khi lấy nhau, giống như cùng bước lên một chiếc xe chung để chạy trên con đường đời còn lại trước mặt. Con đường dài có lúc xa lộ thênh thanh, lúc gập ghềnh khúc khuỷu, lúc băng đèo vượt núi, dù mưa nắng gió bão tuyết, đường vẫn phải đi, xe vẫn phải chạy.
Hôn nhân không phải là một tình trạng tĩnh, bất biến với thời gian, nó chính là chiếc xe mà hai vợ chồng làm chủ, và xe chạy tốt đến tận nơi an nghỉ cuối đường đời hay là banh ta lông đứt gánh giữa đường là do hai chủ xe có biết bảo trì lèo lái khéo hay không.
Một chiếc xe có chạy tốt phải dựa vào những yếu tố căn bản hỗ tương nhau như sau: bộ máy tạo động lực cho xe chạy, và bốn bánh xe tốt để vững vàng lăn bánh trên đường trường. Đối với cỗ xe hôn nhân, bộ máy là ý nguyện chung của hai vợ chồng, và bốn bánh xe là 1- Tình Yêu, 2- Sự Tương Kính Tương Nể, 3- Sự Tin Tưởng vào nhau, 4- Sự Truyền Đạt Cảm Thông. Ta hãy thử bàn về các yếu tố cơ bản trên.
1- Động Cơ “Ý Nguyện Chung”(Common Goals):
Căn bản nhất là ý nguyện muốn xây dựng một mái ấm gia đình. Ý nguyện chung có thể là cùng nhau muốn cho gia đình như thế nào, đi về đâu. Muốn con cái ra sao. Muốn làm ăn như thế nào. Đó là lý tưởng chung của hai vợ chồng, có thể từ mức độ hẹp riêng tư cho hai người đến mức cao rộng vị tha hơn, mở ra cho xã hội, dân tộc và nhân loại. Vợ chồng cùng chung lý tưởng, có thể “thuận vợ thuận chồng, tát biển đông cũng cạn”. Lý tưởng hai người mà so le hay trái ngược thì bộ máy khọt khẹt, các xy lanh mất đồng bộ, có khi máy tê liệt luôn, cỗ xe chỉ còn chạy theo trớn đưa đẩy của giòng đời, hoàn toàn dựa trên các bánh xe có còn lăn tốt hay không.
2- Bánh Xe “Tình Yêu” (Love):
Hai người đến với nhau vì yêu. Tình yêu có thể do cú sấm sét ngay buổi đầu, có thể do lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Có thể do thương mà hổng biết tại sao thương vì “con tim có lý lẽ của nó mà lý trí không hiểu nổi”(Racine). Có thể do cân nhắc thấy đối tượng đạt đúng tiêu chuẩn mẫu người lý tưởng của mình. Có thể do duyên tiền định hẹn nhau kiếp trước, hay do nợ nhau kiếp này sống với nhau vì nghĩa trước rồi tình đâm chồi nẩy nở theo.
Những lý do vô tận là đề tài bàn tán muôn thủa nhưng đều đưa dến một hiện tượng chung là gần nhau thì phê đã, xa nhau thì nhớ nhung mà khoa học đã tìm ra là do sự tăng tiết của các nội tố dopamine và endorphin trong cơ thể người đang yêu. Đây là những hoạt chất có vai trò trong các hiện tượng say từ lâng lâng tới tột đỉnh, và ghiền từ da diết tới quay cuồng.
Tình yêu làm cho người ta thấy hạnh phúc khi để ý chăm sóc người yêu thay vì thấy đây là của nợ mà bổn phận bắt buộc phải chăm sóc. Tình Yêu Thực Sự làm người ta trở nên vị tha hơn, thấy cái vui của người làm niềm vui của mình thay vì bắt người phải làm cho mình vui trước.
3- Bánh xe “Tương Kính Tương Nể” (Mutual Respect):
Vợ chồng cảm nhận được những tốt đẹp của nhau và quý trọng nhau. Thấy được ở người phối ngẫu của mình ít nhất một điểm nào đó mà mình nể phục. Sự kính nể nhau vun bồi thái độ tự trọng và ngược lại. Người xưa dạy lấy nhau phải luôn “tương kính như tân” (như thủa mới về) là cũng nhắc nhở ta đừng vì lâu ngày thấy thường mà quên đi những điều đáng được quý trọng nể của người bạn đời, đừng vì lâu ngày thấy thường mà coi thường những cảm xúc và suy tư của hôn phối, ngay cả những cảm nghĩ đánh giá về chính mình.
Khác với Tình Yêu, có thể từ trên trời bỗng dưng mà có, sự Tương Kính Tương Nể là kết quả của thái độ, cách hành xử, quá trình sống cho xứng đáng của mỗi người. Sự Tương Kính Tương Nể càng cao càng củng cố Tình Yêu và ngược lại khi nó không còn mà lại đến nỗi khinh bỉ nhau thì lúc đó Tình Yêu sẽ chết. Sự tương kính tương nể này cùng với sự tự trọng theo sau, làm cho người ta ngay cả khi giận hờn nhau, cũng phải tự dừng lại một chút cho tỉnh để có thể kềm chế bới những lời lẽ, cử chỉ xúc phạm, làm thương tổn, hạ nhục nhau.
4- Bánh Xe “Tin Tưởng Nhau” (Mutual Trust):
Phàm muốn làm gì chung với nhau ít nhất phải có một mức độ tin nhau tối thiểu nào đó, huống chi định sống với nhau cả đời thì mức độ tin nhau phải gần như tuyệt đối. Niềm tin vào nhau cho ta cái cảm giác an toàn nhất bên cạnh người phối ngẫu, an toàn đủ để có thể buông hết những hàng rào phòng thủ giữ kẽ với nhau, đủ để sống với con người thật của mình trong gia đình, với tất cả những yếu kém nhược điểm mà không sợ bị ruồng bỏ. Có lẽ đó cũng là ý của Siêu sao tài tử Brad Pitt khi đã tuyên bố:”sự khác biệt giữa đào và vợ là ở chỗ với vợ, mình có thể đánh rắm trong chăn thoải mái.”
Ngoài sự tin tưởng mình được chấp nhận cả mặt phải lẫn mặt trái, còn có niềm tin vào sự chân thật không dối gian phản bội của bạn đời và tin rằng mình hiểu bạn đời mình hơn người khác Niềm tin có thể có từ tình yêu mù quáng, yêu và được yêu là đủ để tin hoàn toàn, hoặc có thể được xây dựng qua sự chính chắn kiểm nghiệm từ quá trình thực tế với người thương. Trong xã hội đời nay, trên thực tế khó có niềm tin tuyệt đối vào nhau, nên người ta cần củng cố niềm tin cho thêm an toàn bằng những ràng buộc pháp lý như tờ hôn thú, giao kèo tiền hôn nhân (prenuptial agrement) v.v…
Bánh xe “Tin Tưởng” này tương đối mỏng manh hơn các bánh xe khác vì một khi niềm tin đã bể một lần rồi thì sự bơm vá lại sẽ rất khó khăn đòi hỏi nhiều nỗ lực và thời gian lâu dài may ra mới phục hồi trọn vẹn.
5- Bánh Xe “Truyền Đạt Cảm Thông” (Communications):
Một quan hệ mà có được sự đồng thuận với nhau thường là kết quả của sự trao đổi truyền đạt hữu hiệu sao cho cả hai hiểu nhau thật rõ vừa về lý và tình để thông cảm đồng cảm với nhau. Khả năng trao đổi truyền cảm (Communications) cao cũng sẽ giúp cho hai vợ chồng những lúc bất đồng, thông cảm nhau hơn để khỏi bất hòa đổ vỡ. Khả năng này thấp thì bất đồng nhỏ có thể trở thành mối bòng bong cãi nhau không biết đâu là điểm đâu là diện, đâu là vấn đề hiện tại, đâu là uẩn ức từ quá khứ, rồi có thể cứ leo thang chồng chất mãi thành hận thù..
Sự truyền đạt cảm thông (ở đây xin gọi tắt là Sự Truyền Cảm) có nhiều hình thức khác nhau muôn dạng. Vợ chồng có thể truyền cảm với nhau bằng ngôn ngữ, nói hay viết, hay bằng những thái độ, cử chỉ động tác, hành động (non verbal communication). Đây là một quy trình hai chiều, vừa phải biết diễn đạt suy tư tình cảm của mình sao cho đối tượng cảm thông, vừa phải biết ghi nhận những thông điệp và tín hiệu của đối tượng làm sao cho chính xác để thông cảm người.
Khả năng truyền cảm giữa hai vợ chồng ít khi cao do thiên phú; dù nếu một người trời sinh có khiếu về khả năng này, thì cái khiếu này cũng chỉ giúp tương đối mà thôi. Vì khả năng truyền cảm là cả một tiến trình thực hành và điều chỉnh (trials and errors process) với đối tượng và cần được trau dồi suốt đời. Sự truyền đạt tốt sẽ giảm thiểu những suy diễn chủ quan không đúng về nhau và củng cố niềm tin tưởng yêu thương nhau, và ngược lại tin tưởng yêu thương nhau sẽ giúp cho sự truyền cảm dễ dàng hơn.
Năm yếu tố trình bày ở trên là những bộ phận căn bản tối cần thiết giúp cho xe Hôn Nhân chạy tốt. Những yếu tố này có quan hệ hữu cơ hỗ tương lệ thuộc nhau. Khi tất cả các bộ phận trên đều mạnh, hỗ trợ và tăng sức cho nhau, xe Hôn Nhân có thể vượt qua mọi ngoại cảnh khắc nghiệt và càng chạy đường dài đường khó, hôn nhân càng củng cố vững mạnh. Ngược lại, thì xe rục rịch bệnh hoạn, dễ tự rã từ bên trong dù ngoại cảnh chẳng cản nghịch.
Động cơ không chạy thì xe khó tự lăn bánh, bánh xẹp thì xe cũng không chạy được ngon dù động cơ có mạnh tốt. Một bánh gẫy hay xẹp, xe chạy lọc xọc, các bánh còn lại phải gánh thêm sức tải và sẽ chóng hao mòn. Nếu chỉ còn hai bánh tốt, xe hơi trở thành xe đạp hai bánh, nếu không tiếp tục chạy mà đứng lại thì xe sẽ mất thăng bằng và đổ. Có nhiều cặp vợ chồng sống với nhau bao năm trời nhưng khi con cái thành đạt hay về hưu, cái đích chung đã đạt, không còn động cơ để chạy nữa, thì chia tay.
Phân tích kỹ thường thấy xe hôn nhân của họ đã chỉ lết trên hai bánh từ bấy lâu. Ba bánh đều gẫy, hôn nhân khó chữa, thoi thóp lết nếu động cơ lý tưởng vẫn còn mạnh. Bốn bánh đều banh, hôn nhân coi như chết, vô phương cứu chữa. Lúc này ly dị là giải pháp tích cực nhất để phục hồi lại sức khỏe tâm thần cho cha mẹ con cái trong nhà đang khổ lụy.
Thường tiến trình đổ vỡ tiệm tiến. Bất cứ bánh xe nào cũng có thể bị xẹp trước rồi kéo theo sự hao mòn các bánh kia, nhưng đa số trục trặc hay khởi đầu bằng cái bánh xe “Truyền Cảm”. Ðây là cái bánh xe mà hai chủ xe có thể trực tiếp tác động lên một cách chủ động hằng ngày hằng giờ hơn là đối với ba bánh kia.
Thế nhưng, người ta và nhất là những cặp có vấn đề trong hôn nhân, lại ít chú ý đến bánh này và ít ý thức rằng đây là khả năng có thể được trau dồi cải tiến liên tục. Một ví dụ của tiến trình đổ vỡ theo vòng luẩn quẩn xoáy trôn ốc đi xuống khá thường thấy là: Từ sự thiếu truyền đạt cảm thông dễ đưa đến những thất vọng về nhau vì những chờ đợi không thực tế đối với hoàn cảnh, bản tính của người liên hệ; thất vọng đưa đến bực bội, giận trách.
Giận trách để bụng thì sinh bệnh, rồi cũng phải xì ra cách khác càng làm đối tượng khó hiểu, mà nếu xả ngay ra cho hả dạ mà không khéo thì dễ đưa đến phản ứng tự vệ bào chữa rồi phản trách từ đối tượng khiến mình phản ứng lại từ đó đưa đến tranh cãi ăn thua đúng sai, rồi chủ quan suy diễn về nhau theo thành kiến, rồi càng giận nhau, đổ lỗi cho nhau, mất tin tưởng vào nhau, giảm tương kính, chán nhau và hết yêu, hết còn hứng truyền cảm, rồi hết muốn xây dựng chung!
Nếu hình dung rõ được hôn nhân là cỗ xe mô tả ở trên, chúng ta sẽ dễ bảo trì tu bổ hôn nhân của mình hơn. Lâu lâu chúng ta sẽ rà lại xem các bộ phận cơ bản trên có chỗ nào cần tu sửa, hay bơm đầy lại, nhất là khi thấy cỗ xe hạnh phúc trong nhà đang bắt đầu rệu rạo.
Nhìn hôn nhân theo mô hình chiếc xe, chúng ta, nhất là quý ông thường hay tự ái, có thể sẽ dễ chấp nhận hơn việc đem xe đi thợ chuyên môn để sửa mà không có nghĩa là mình bất tài thất bại trong việc tề gia. Nhìn hôn nhân theo mô hình chiếc xe, cũng sẽ giúp những bạn đang yêu và sắp cưới, rà soát lại lần chót những bộ phận khác ngoài bánh xe “Tình Yêu” để xem mình đã thực sự sẵn sàng lên xe Bông chưa để khởi đầu một hành trình dài mà ai cũng mong có thể đi đến cuối đời không đứt gánh.
BS Đặng Vũ Chấn
*Tác giả là BS Chuyên khoa Tâm Trí Thần Kinh và Tâm Trí Bệnh Ghiền, chuyên về dược lý và tâm lý trị liệu. Tác giả đã từng tâm lý trị liệu cho những người hay cặp vợ chồng có vấn đề trong hôn nhân và qua kinh nghiệm đó, muốn chia sẻ những nhận định của mình về hôn nhân và ly dị qua bài trên.
Leave a Comment