Quảng Cáo

Putin muốn gì?

Quảng Cáo

18/12/15

Sau khi tổng thống Nga Vladimir Putin chiếm lấy Crimea và âm thầm đưa lính vào vùng Đông Ukraine vào đầu năm 2014, tôi nghĩ là tôi hiểu mục tiêu của Putin. Có vẻ như đây là một chiến lược trả thù hậu-Sô Viết: Moscow bành trướng sự kiểm soát các vùng lân cận như Georgia, và chi phối càng nhiều vùng Sô-Viết cũ càng tốt.

Đến nay, thêm một cuộc xung đột không ngã ngủ và can thiệp quân sự chưa từng xảy ra vào Syria, tôi thắc mắc: Putin nghĩ gì; ông ta muốn gì? Với giá dầu xuống còn $40 một thùng và cấm vận của Tây phương đã gây lụn bại cho nền kinh tế Nga vốn đã bị khốn khó. Tỷ lệ tăng trưởng giảm xuống còn có 4 phần trăm, với lạm phát 15 phần trăm và đồng ruble mất giá – tất cả các khó khăn mà chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm.

Tại Syria, để quên đi kinh nghiệm của Sô-Viết tại Afghanistan, Putin tiến hành căn bản một cuộc chiến từ trên không. Sau ba tháng và hàng trăm vụ oanh tạc, kết quả đạt được chỉ là tạo ra thêm tàn sát, hổn loạn, và người tỵ nạn tại Syria. Moscow không đạt được tiến triển gì với cuộc nội chiến vô tận với nhiều phe ngoại quốc can thiệp vào, ngày càng trở thành một phiên bản nội chiến Tây Ban Nha của thế kỷ 21. Điều này có thể giải thích tại sao Putin dễ chịu với Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry về chuyện ngoại giao Syria. Bởi vậy người ta mới gọi vùng này là nghĩa địa của đế quốc là vậy.

Putin đã phản ứng ngay sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rớt một chiến đấu cơ Nga bay vào không phận của Thổ.

Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rớt một chiến đấu cơ Nga bay vào không phận của Thổ để đánh bom nhóm người chống đối Assad thay vì đánh bom ISIS, Putin có phản ứng ngay. Nga trừng phạt Thổ bằng cách hủy bỏ hợp đồng xây nhà máy điện hạt nhân và dự án Turkstream, một đường ống dẫn khí đốt đang xây cất. Putin hy sinh các dự án kinh tế trị giá hàng tỉ đô la mà kinh tế Nga cần vô cùng. Putin cũng làm thiệt hại cho công ty Gazprom đang vất vả trong việc giành thị trường khí đốt tại Âu châu.

Vượt xa hơn những thiệt hại về kinh tế tự gây ra, Putin còn mở lại vấn đề an ninh của Âu châu mà Hoa Kỳ và Liên Âu tưởng là đã khóa sổ vào năm 1991. Tất cả chỉ thiệt thòi cho Nga: các hành động khiêu khích trên biển và trên không của Putin khiến cho Thụy Điển tính chuyện tham gia NATO, các quốc gia Baltics đòi lực lượng NATO đóng thường trực, khối NATO vực dậy sinh khí với một mục đích mới, và chi tiêu quốc phòng Âu châu, đi xuống gần một thập niên nay có chiều hướng gia tăng.

Tại vùng Trung Đông, Putin bây giờ giành với Hoa Kỳ danh hiệu Quỷ Dữ, và Putin trở thành đích nhắm cho các kẻ thánh chiến Hồi giáo.

Tất cả những điều này có ích lợi gì cho Nga? Điều oái oăm là Putin có thể chuyển hướng đi tàn lụi của Nga qua ngõ khác bằng một cú điện thoại. Cách nào? Nếu Putin gọi cho Thủ tướng Đức Merkel và đề nghị một số việc đại loại như giải quyết vấn đề Ukraine. Chấp nhận sự đã rồi tại Crimea, bảo đảm Ukraine trung lập không thuộc NATO, cho phép Ukraine và Nga giao dịch với Liên Âu, nhưng cho phép Ukraine tham gia vào Liên Hiệp Âu-Á. Cho Donbas quyền tự trị tối đa, và tái xây dựng Đông Ukraine với quỹ chung ECB/Nga. Bãi bỏ các lệnh cấm vận và trở lại mối quan hệ trước sự kiện Ukraine. Nga rút hết các lực lượng quân sự, không hỗ trợ nhóm phản loạn, và hứa hẹn không dùng vũ lực để giành biên giới.

Tuy Hoa Kỳ có thể không chấp nhận các đổi chác như thế, các quốc gia Âu châu sẽ hoan hỉ để xếp chuyện Ukraine vào quá khứ. Vã lại, Ukraine, và đặc biệt là Đông Ukraine từng hội nhập vào kinh tế Nga. Một Ukraine lụn bại và một Đông Ukraine bị tàn phá không ích lợi gì cho Nga.

Có thật vậy không? Để hiểu hành xử của Putin ta cần phân biệt giữa lợi ích chính trị của Putin và lợi ích quốc gia của Nga. Tuy tình huống trên có lợi cho Nga, Putin tin rằng một Ukraine dân chủ và thành tựu như Ba Lan sẽ là một thí dụ đe dọa cho mô hình đa nguyên độc đoán của Putin. Gán ghép các sự việc bên ngoài là do âm mưu của Hoa Kỳ để phá hoại Nga sẽ giúp tạo thế chính danh cho Putin như vị cứu tinh của mẫu quốc Nga. Do đó, tô vẽ cho các thay đổi thân thiện với Tây phương tại Ukraine là âm mưu của Hoa Kỳ là một phần của tính toán đó.

Tại Trung Đông, Putin có thể tạo thành một liên minh thật sự để chống lại ISIS và dùng thế đó để bảo vệ cho Assad – ít ra trong ngắn hạn. Thay vào đó Putin lại đồng minh với Iran, quốc gia không có cùng mục tiêu tại Syria. Putin nhiều phần sẽ bị lôi kéo vào cơn xoáy hổn loạn của Trung Đông hơn là giải quyết êm thắm đống rối bù Syria.

Vậy Putin đang tìm cách đạt được điều gì đây? Tôi không chắc là ngay chính Putin biết. Những gì đã mô tả cho thấy Putin là một chiến thuật gia chứ không phải chiến lược gia. Một cách nhìn là Putin bị thúc đẩy trả thù cho sự sụp đổ của Sô-Viết và sự bành trướng của khối NATO. Nể trọng sức mạnh và chụp lấy cơ hội là cách làm việc của Putin. Ông ta biết Hoa Kỳ không muốn liều chiến tranh hạt nhân với Nga vì Georgia hay Ukraine là vùng đất quan trọng đối với Nga nhưng không phải với Hoa Kỳ.

Một nước Ukraine lụn bại không ích lợi cho Nga.

Tại Trung Đông, Putin thấy một chính quyền Hoa Kỳ rút lui, quan tâm đến giá phải trả nếu tiếp tục can dự hơn là giá phải trả nếu không làm gì hết. Bên cạnh quan hệ 50 năm với gia đình Assad và căn cứ hải quân tại Tartus, Putin chụp lấy cơ hội để cùng một lúc: cho thế giới thấy Nga là một cường quốc thế giới, lên tiếng chống lại việc Hoa Kỳ làm thay đổi chế độ, và chứng minh cho thấy Nga hậu thuẫn cho đồng minh của họ, chứ không phải như Hoa Kỳ. Cạnh đó, Moscow cũng muốn củng cố sự hiện diện trong vùng phía Đông Địa Trung Hải, nơi mà gần đây có nhiều hứa hẹn về các mỏ khí đốt.

Nhưng cuối cùng lại, đối với Nga thì như thế nào? Khi hỏi những người bạn Nga về việc Putin nghĩ về nước Nga ra sao trong năm hay 10 năm tới, họ cười và bảo tôi rằng, “ông ta không tính toán trước quá năm ngày.”

Cách hành xử kiểu Nga này đáng lo ngại vì khó mà nhận ra được động lực. Chúng ta không thể có những giả định có lý về Putin. Điều đó sẽ gây khó khi làm chính sách. Điều duy nhất mà chúng ta biết chắc là Putin có ý định cho thế giới thấy Nga là một cường quốc và ông ta nể trọng sức mạnh và khai thác những điểm yếu. Putin sẽ lấn cho tới khi bị đẩy lùi lại. Đây chính là lịch sử 400 năm qua của Nga.

Đối phó với Nga có nghĩa là hợp tác trong những lãnh vực mà Putin thấy rõ có lợi – như chống khủng bố, thay đổi khí hậu toàn cầu, phổ biến vũ khí hạt nhân. Khi mà Putin sẵn sàng chấp nhận thiệt hại kinh tế để đeo đuổi mục tiêu chính trị riêng, thì chỉ có các biện pháp đẩy lùi – chẳng hạn như đóng quân NATO tại vùng Baltics – mới có thể có tác động.

Thách đố ở đây là tránh vòng lẩn quẩn của ăn miếng trả miếng, và làm rõ là cánh cửa sẽ mở rộng nếu Putin nhận ra là những tính toán kiểu thế kỷ 18 chỉ dẫn Nga đến sự tàn lụi trong thế kỷ 21 và thay vào đó Putin muốn hướng về Tây phương và Vành đai Thái Bình Dương, và hiện đại hóa Nga. Mặt khác nữa là Hoa Kỳ phải suy tính xem làm sao hội nhập Nga vào cấu trúc an ninh. Tuy thế, đừng mong đợi gì nhiều cho cả hai viễn cảnh trên. Ngay bây giờ, câu hỏi nguy hiểm khó xử là Putin sẽ ngừng ở lằn ranh nào với chủ nghĩa xét lại Nga tại Âu châu?

Hoàng Thuyên lược dịch

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux