VIỆT NAM: Trong bản tin ngày 13/12 vừa qua, hãng thông tấn AFP cho biết là hiện có 23 triệu người trong tổng số non 90 triệu người Việt Nam đang sống ở các thành phố lớn. Việt Nam hiện là nước đứng hàng thứ 6 có mức độ đô thị hóa nhanh tại Đông Nam Á.
Ông Đặng Nguyên Anh, giám đốc Viện xã hội học Việt Nam cho AFP biết là mỗi năm có 100.000 người di chuyển đến thủ đô Hà Nội và khoảng 130.000 người di chuyển đến trung tâm thương mại ở Sài Gòn.
Theo Ngân hàng thế giới, có khoảng 7,5 triệu người Việt Nam từ nông thôn đã di chuyển đến các thành phố từ năm 2000 đến năm 2010, chiếm tỷ lệ 4,1%. Tuy nhiên chỉ có khoảng 40% trong số những người di chuyển đến thành phố tìm được việc làm trong các khu công nghiệp còn đa số thì đi bán hàng rong, phụ công việc nhà hàng, phu xe hay làm lao động tại các nơi xây cất với đồng lương rẻ mạc.
Sự nhập cư từ nông thôn đến các thành phố – tuy tạo ra một làn sóng lao động mới ở thành phố – nhưng cũng gây ra những áp lực về văn hóa, giáo dục, giao thông, chăm sóc sức khoẻ… Đáng ngại nhất là việc xây dựng cơ sở hạ tầng – đường giao thông, cấp nước và thoát nước – không có thể theo kịp với sự phát triển của dân số thành phố nên đã tạo nhiều vấn nạn như ùn tắc giao thông, các trường học và bệnh viện quá tải.
Những người di chuyển lên thành phố – tuy cuộc sống khó khăn và khổ cực – nhưng không một ai muốn quay trở lại nông thôn. Vì thế mà hiện nay chỉ có trẻ em và người già bị bỏ lại trong làng, khiến cho nông thôn trống rỗng, ruộng nương thiếu người canh tác.
Leave a Comment