Đọc cái công văn “Hỗ trợ đá xây dựng nhà ở” của một viên sĩ quan công an ở Quảng Trị (1), tôi có nhiều cảm xúc khó tả. Có lẽ nhiều người sẽ nói đây là một hình thức “xin đểu”, nhưng nó còn là một vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Nhưng đây không phải là lần đầu tiên giới công an đi xin; họ đã từng xin nhiều lần trước đây, và điều này có thể phản ảnh một sự vi phạm đạo đức có hệ thống. Văn bản đó còn là minh chứng cho câu nói dân gian: “cướp ngày là quan”.
Trước đây, một vài công an ở Hà Nội cũng viết văn bản xin tiền của doanh nghiệp. Theo báo chí, văn bản có đoạn viết “đề nghị lãnh đạo cơ quan, doanh nghiệp hỗ trợ giúp đỡ kinh phí cho công an phường số tiền …” Để làm gì? Công văn nói là “để động viên cán bộ, chiến sĩ trực làm việc trong dịp Tết” (2)! Hết biết!
Đọc mấy tin tức như thế này làm tôi nhớ đến một anh bạn ở Sài Gòn làm nghề kinh doanh khách sạn. Anh ấy cho biết tháng nào cũng “đóng hụi chết” cho công an phường và cấp cao hơn. Dù không hài lòng, nhưng anh ấy vẫn phải chịu đựng, vì nếu không thì rất khó kinh doanh, làm ăn. Họ có đủ trò và phương tiện để gây khó khăn cho doanh nghiệp, nên doanh nghiệp phải tự bảo nhau “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, và riết rồi nó thành một tập quán, một nét văn hoá rất đặc thù ở VN.
Hình thức vòi vĩnh tiền cũng rất phong phú, và nếu chỉ nghe qua thì rất … thân mật. Một trong những chiêu đó là mời nhậu. Có lần tôi ngồi ăn tối với một anh bạn khác, đột nhiên anh ấy nhận điện thoại, rồi xin kíu để đi nhậu ở một quán khác. Hỏi ra mới biết là anh ta đi đóng hụi chết. Số là một số công an có thói quen nhậu nhẹt đã đời, khi xong thì kêu doanh nghiệp ra trả tiền, nhưng dưới danh nghĩa “mời nhậu”. Mà, số tiền không hề ít, có khi lên đến 5-10 triệu đồng! Tôi nghe xong mà cứ tưởng là anh ấy phịa ra để trốn, nhưng đọc báo thì mới biết là chuyện có thật ở Sài thành (4).
Ở Úc, cảnh sát tuyệt đối không được xin tiền hay xin vật tư như kiểu công an Việt Nam. Một anh bạn tôi làm nghề sửa xe cho biết thỉnh thoảng anh nhận được điện thoại của một người nào đó nhân danh đại diện cho một tạp chí ngành cảnh sát xin quảng cáo. Nhưng khi anh ấy hỏi sở cảnh sát địa phương thì họ nói rất rõ ràng rằng cảnh sát không bao giờ được xin xỏ bất cứ cái gì từ người dân. Đó là luật định, mà cũng là qui ước đạo đức cảnh sát. Do đó, người nào xin quảng cáo nhân danh cảnh sát là mạo nhận, và phải báo ngay cho cảnh sát biết để truy lùng kẻ gian. Lí do đơn giản là nghề bảo vệ trật tự & an ninh xã hội mà vòi vĩnh xin xỏ từ dân thì cái vai trò bảo vệ trị an của họ bị lung lay tận gốc.
Dĩ nhiên, tôi biết là khó lấy cái chuẩn đạo đức của cảnh sát Úc để đòi hỏi đạo đức của công an bên nhà. Chẳng biết công an VN có chuẩn mực đạo đức không nhỉ? Tiêu chuẩn đó là gì? Dù có hay không thì cái văn bản xin xỏ đó là một chứng từ cho thấy đạo đức của một số người công an có vấn đề. Trong khi công an hăng hái truy lùng những kẻ mạo danh công an để vòi vĩnh và lừa gạt doanh nghiệp, thì tớ trêu thay, có đồng nghiệp của họ xin xỏ doanh nghiệp một cách chính thức! Bởi thế người dân mới có ca dao cảnh báo rằng “Con ơi nhớ lấy câu này / Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”.
Thật ra, ở VN còn có một loại cướp với qui mô lớn hơn và nguy hiểm hơn các anh chàng công an, và đó là những người mặc áo sơ mi trắng cổ cồn, thắt cà ra vát đỏ, khoác veston ngoài, đi máy bay giữa Hà Nội và Sài Gòn hạng business, xách cặp táp đen, đi xe Mercedes, và hay ăn uống ở nhà hàng bên Quận 7, chuyên bàn chuyện đầu tư nhà đất và hợp đồng buôn bán. Loại cướp này có tên là “lợi ích nhóm”, và họ đang làm tan hoang đất nước.
Leave a Comment