Quảng Cáo

Sinh hoạt của Cộng đồng NVTN tại Đức nhân ngày Quốc Tế Nhân Quyền 2015

Quảng Cáo

Berlin: Brandenburger Tor

Berlin – Đúng 1 giờ trưa ngày 12.12.2015, chương trình kỷ niệm ngày Quốc Tế Nhân Quyền (QTNQ) 2015 đã bắt đầu trên quảng trường Pariser trước cổng Brandenburg của thủ đô Bá Linh. Tuy mùa đông năm nay nhiệt độ ấm hơn mọi năm, nhưng từng cơn gió bấc thổi về cũng đủ buộc người tham dự phải mặc 3, 4 lớp áo.

Sau nghi thức chào cờ Đức, Việt và mặc niệm, bà bác sĩ Hoàng Thị Mỹ Lâm, chủ tịch Liên Hội Người Việt Tị Nạn tại CHLB Đức, gửi lời chào và cám ơn các đoàn thể, cá nhân đến tham dự buổi sinh hoạt. Vì cùng ngày cũng có buổi sinh hoạt tương tự diễn ra ở Frankfurt nhưng số người tham dự khá đông ngoài dự kiến của Ban tổ chức. Có những người đến từ rất xa như miền Nam, tận Hòa Lan và Đan Mạch.

BS Mỹ Lâm nhắc nhở về ý nghĩa của ngày QTNQ và nhấn mạnh rằng mãi tận bây giờ, 67 năm khai sinh ra bản Tuyên Ngôn QTNQ, nhân quyền tại Việt Nam vẫn không hề được nhà cầm quyền CSVN tôn trọng. Muốn có nhân quyền, người Việt phải đứng lên đòi lại những gì đang bị chế độ độc tài cướp mất bấy lâu nay.

Anh Trịnh Đỗ Tôn Vinh thuộc BCH Liên Hội đã giải thích bằng tiếng Đức và cả Anh cho người đi đường hiểu rõ vì sao người Việt tại Đức xuống đường giữa dòng người nhộn nhịp tại quảng trường vốn là một tụ điểm thu hút du khách bốn phương.

Ngoài việc sơ lược bối cảnh hình thành bản TN QTNQ vào ngày 10.12.1948, anh nói về tình hình nhân quyền rất tồi tệ tại Việt Nam. Anh không quên nhắc lại biến cố Bức tường Bá Linh sụp đổ vào năm 1989 và khẳng định rằng như Đông Đức, chế độ độc tài Hà Nội rồi cũng sẽ cáo chung vì lòng dân muốn thế. Anh cám ơn nước Đức đã tạo điều kiện cho người Việt sống ở đây có đầy đủ mọi thứ quyền mà ở Việt Nam mơ cũng không có.

Ba vị khác đặc biệt của buổi biểu tình là linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khải thuộc Dòng Chúa Cứu Thế, đại đức Thích Hạnh Thức và nhà báo Trần Quang Thành cũng đã được Ban tổ chức mời phát biểu.Đại đức Thích Hạnh Thức và LM. Nguyễn Văn Khải

Xen kẽ giữa những diễn văn ngắn, lời phát biểu, các bài hát đấu tranh là tiếng hô vang dậy như „Tự do, dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam”, „Đả đảo ĐCSVN“, „Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam“. Đoàn người đã mang theo rất nhiều cờ vàng biểu ngữ đủ loại đủ cỡ bằng song ngữ Đức – Việt với những nội dung như: „Tự do, dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam“, „Không được dùng bạo lực đàn áp dân“, „Tự do cho Bùi Thị Minh Hằng“, „Tự do cho Đặng Xuân Diệu“, „Yêu cầu trả tự do lập tức cho tù nhân chính trị”, „ĐCSVN hèn với giặc, ác với dân“, „ĐCSVN phải trả lại quyền làm người lại cho nhân dân“, …

Sau đó, đoàn đã diễn hành hai vòng quanh Pariser Platz trong tiếng nhạc đấu tranh và lời giải thích của anh Tôn Vinh. Truyền đơn về tình trạng chà đạp nhân quyền đã được BTC phát cho người qua đường. Nhiều du khách và dân địa phương đã biểu lộ sự đồng tình.

Trước khi kết thúc phần 1 chương trình kéo dài khoảng 90 phút, đoàn đã đứng chung lại với cờ và biểu ngữ để hát chung 3 bài „Việt Nam quê hương ngạo nghễ“, „Trả lại cho dân“ và „Việt Nam, Việt Nam“.

Thánh lễ tại nhà thờ St. Aloysius

Rời Brandenburger Tor, mọi người di chuyễn về nhà thờ St. Aloysius để dự Thánh lễ vào lúc 16 giờ. Linh mục Nguyễn Văn Khải đã cùng Cha xứ quản nhiệm nhà thờ Antôn Đỗ Ngọc Hà cùng đồng tế. Buổi Thánh lễ có tính cách đặc biệt của mùa Vọng, đón sinh nhật Chúa Ngôi Hai đã diễn ra trong tiếng nhạc và lời những bài thánh ca mang lại cho người tham dự, dù là không phải Công Giáo, cảm giác an lành, ấm áp.

Trong phần dâng lời nguyện, chị Trương Ngọc Hòa đã hướng cử tọa về những người tù nhân lương tâm, đặc biệt là những người còn đang bị đọa đày trong ngục tù vì tội yêu dân, yêu nước như Anna Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Peter Hồ Đức Hòa, Franxicô Đặng Xuân Diệu, Trần Thị Thúy …

Thắp nến và hội thảo cho nhân quyền VN trong hội trường nhà thờ

Phần cuối chương trình sinh hoạt QTNQ 2015 bắt đầu bằng nghi thức chào cờ và mặc niệm lúc 18 giờ sau buổi cơm chiều thịnh soạn với đủ loại bánh ngọt, trái cây và thức uống do một số anh chị em thiện nguyện tại Berlin khoản đãi.

Sau diễn văn ngắn của BS Mỹ Lâm, ông Nguyễn Văn Rị đã đứng ra điều hợp buổi thắp nến trong tiếng nhạc bài „Kinh hòa bình“ do ca đoàn nhà thờ đảm nhiệm. Từng ngọn nến được mỗi tham dự viên lần lượt mang lên trước sân khấu để nối thành hình bản đồ Việt Nam một cách trang trọng.

Đoạn phim „40 năm nhìn lại“ được thực hiện rất công phu và chuyên nghiệp đã đưa mọi người vào cuộc hành trình bằng hình ảnh từ trước ngày 30.4.1975 đến cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ đang diễn ra. Phim được cử tọa tán thưởng nồng nhiệt. .

Kế đến là phần nối kết viễn liên với hai thanh niên CG vừa trải qua 4 năm tù vì „tội yêu nước nhưng không yêu XHCN“. Hai anh J.B. Nguyễn Văn Oai và J.B. Thái Văn Dung đã cám ơn BTC và Cha Khải, đồng thời chia sẻ những suy tư của mình về ngày QTNQ. Hai anh cũng sơ lược về sự sách nhiễu và bạo hành liên tục của nhà cầm quyền đối với TNLT và những ai dám đứng lên đòi những quyền làm người căn bản như tự do ngôn luận, lập hội, đi lại. Nhưng dù bao gian khó, các anh cũng quyết tâm đi con đường mình đã chọn là tiếp tục đấu tranh không sờn lòng để đất nước có ngày tươi sáng.
Vài hình ảnh của hai anh Oai và Dung được chiếu lên cho mọi người biết mặt. 10 phút chia sẻ từ quốc nội đã được cả hội trường im lặng lắng nghe với nhiều cảm thông.

LM Nguyễn Văn Khải được mời lên diễn thuyết và Cha đã chia sẻ về tấm lòng và vai trò của  người Việt hải ngoại đối với cuộc đấu tranh, đối với các TNLT. Cha nhấn mạnh: „Muốn lấy lại quyền làm người thì phải đứng dậy đấu tranh quyết liệt để đòi lại. Cha nhắc lại chiến thuật „lý – lì – liều“ đã từng được Cha chia sẻ ở nhiều nơi.

Nhà báo Trần Quang Thành, người từng đấu tranh chống tham nhũng một cách không khoan nhượng và đã bị các quan tham trả thù bằng cách tạt acid vào mặt đã lên cầm mic cám ơn sự giúp đỡ, hỗ trợ ông từ khắp nơi.

Ông Nguyễn Thanh Văn chia sẻ cảm tưởng của ông về bài giảng của LM Nguyễn Văn Khải trong Thánh lễ và kêu gọi mọi người „bố thí thực“ bằng cách hỗ trợ phương tiện cho những người can đảm đang đứng lên đòi lại quyền sống và quyền bảo vệ lãnh thổ trước nguy cơ bị giặc ngoại xâm lăm le thôn tính.

Vài góp ý từ phía cử tọa và vài tiết mục văn nghệ là phần sau cùng của một ngày sinh hoạt đầy ý nghĩa./.

Nguyễn Phan

Hình ảnh: Nguyễn Minh Thông

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux