Khi ông Dũng nói “lấy dân làm gốc”

Hoàng Trường - Chân Trời Mới

Ô Nguyễn Tấn Dũng - Bà Victoria Kwakwa
- Quảng Cáo -

Vào ngày 5/12/2015 vừa qua, Nguyễn Tấn Dũng, dẫn đầu phái đoàn CSVN tham dự đối thoại với cộng đồng quốc tế tại Diễn Đàn Đối Tác Phát Triển Việt Nam (Vietnam Development Partneship Forum, viết tắt là VDP).

Tại diễn đàn này, ông Dũng đã phát biểu là: “Mục tiêu của Việt Nam rất rõ ràng: tăng trưởng phải cao hơn và bền vững hơn. Tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hoá, đảm bảo an ninh xã hội là nhằm cải thiện đời sống của người dân, lấy người dân làm trung tâm phát triển.”

Theo như những quảng cáo bề nổi thì Diễn Đàn có mục đích khá tích cực. Đó là đối thoại chính sách cấp cao, nhắm vào thực chất, hướng tới hành động. Đối với Việt Nam, Diễn Đàn có một chú tâm đáng chú ý.

Đó là tạo điều kiện thảo luận chính sách giữa chính phủ Việt Nam, các nhà tài trợ, khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội dân sự quốc tế và trong nước, các viện nghiên cứu trong nước và các tác nhân phát triển khác nhằm tăng cường phát triển kinh tế – xã hội toàn diện và cải thiện đời sống cho mọi người Việt Nam.
Diễn Đàn được tổ chức lần đầu vào năm 2013. Lúc đó, Diễn Đàn đã đưa ra các khuyến nghị chính sách và chương trình hành động của bốn chủ đề bao gồm: 1/ Giảm nghèo và giảm nghèo ở nhóm người dân tộc; 2/ Tham gia của khu vực tư nhân trong cấp nước đô thị và nông thôn; 3/ Bảo vệ môi trường; 4/ Tăng cường năng lực cạnh tranh thông qua đào tạo nghề và phát triển kỹ năng.

- Quảng Cáo -

Diễn Đàn cũng đề ra chủ đề cho giai đoạn 3 năm 2013, 2014 và 2015 là “Tạo quan hệ đối tác mới hướng tới tăng trưởng cạnh tranh, toàn diện và bền vững”.

Vì vậy, cho năm 2014, Diễn Đàn đề ra chủ đề là “Cải cách thể chế kinh tế, tăng cường khả năng tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam” và cho năm 2015 là “Hướng tới cạnh tranh, tăng trưởng toàn diện và bền vững.

Tại Diễn Đàn, bà Victoria Kwakwa, Giám Đốc của World Bank tại Việt Nam, bày tỏ lo ngại, cho rằng Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức như năng suất và phẩm chất lao động thấp và đang giảm dần, nguồn tài chánh giảm sút, trở ngại trong việc xây dựng kinh tế thị trường. Nói ngắn gọn, bà Kwakwa hỏi ông Dũng là “hết tiền thì làm sao phát triển?”

Trước câu hỏi thẳng thừng của bà Kwakwa, ông Nguyễn Tấn Dũng, vẫn chứng nào tật nấy, thao thao bất tuyệt trả bài như một con két, rằng:

– Sẽ phát triển kinh tế, phát triển văn hoá, đảm bảo an ninh xã hội, cải thiện đời sống người dân.

– Sẽ thực hiện đầy đủ hơn, hiệu quả hơn thể chế kinh tế thị trường.

– Sẽ cải thiện thị trường đất đai và khoáng sản.

– Sẽ công khai minh bạch thị trường vốn.

– Sẽ ưu tiên phát triển kinh tế tư nhân.

– Sẽ nỗ lực tập trung phát triển giáo dục đào tạo.

– Sẽ tập trung bảo đảm sức khoẻ và nâng cao phẩm chất cuộc sống người dân.

– Sẽ tìm biện pháp làm chậm tiến trình lão hoá dân số.

– Sẽ cam kết nâng cao năng lực quản trị quốc gia, quản trị kinh tế, hoàn thiện luật pháp.

– Sẽ cải cách thủ tục hành chánh.

– Sẽ cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư của Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh.

– Sẽ cải thiện khả năng tiếp cận nguồn vốn.

– Sẽ cải cách thuế, hải quan.

– Sẽ coi người dân là yếu tố quyết định sự thành bại của kinh tế…

Và ông Nguyễn Tấn Dũng kết luận là “sẽ nghiêm túc thực hiện!”

Thắc mắc của dư luận là ông Dũng sẽ nghiêm túc thực hiện cái “sẽ” nào mà ông đưa ra?

Trong một loạt những câu “sẽ” thuộc loại “khẳng định” của ông Dũng, người ta tự hỏi không biết ông Thủ Tướng này có thực sự hiểu những điều ông ấy nói hay không. Bởi vì, qua gần 2 nhiệm kỳ, 10 năm làm Thủ Tướng, ông Nguyễn Tấn Dũng đã trở nên rất nổi tiếng với 2 đặc điểm mà giờ đây hầu như ai cũng biết là 1/ Chỉ nói khơi khơi mà không bao giờ đưa ra được cách thực hiện, và 2/ Hứa hẹn nhưng không bao giờ làm.

Đặc biệt lần này, không hiểu được người nào đã mớm lời mà ông Dũng đã có phát biểu: “Dân là yếu tố quyết định sự thành bại của kinh tế!”

Phải chăng ông Nguyễn Tấn Dũng muốn thay đổi đường lối kinh tế?

Từ nhiều năm qua, đường lối kinh tế của CSVN là lấy quốc doanh làm chủ đạo. Tức là không chấp nhận cho tư doanh – người dân – điều hành nền kinh tế như tại các quốc gia lấy tư hữu sản xuất làm nền tảng.

Khi nói đến “dân là yếu tố quyết định nền kinh tế” hóa ra, ông Dũng muốn thay đổi vị trí từ “quốc doanh” hoán chuyển sang “tư doanh” chăng?

Phàm điều hành việc nước thì dĩ nhiên là phải lấy dân làm gốc. Cho nên, chẳng riêng gì kinh tế, mà tất cả mọi lãnh vực đều phải dựa vào dân và từ dân mà ra.

Hay là, trước giờ ông Thủ Tướng này chẳng bao giờ nghĩ đến dân, hôm đó trái gió giở giời chợt nghĩ đến dân nên mới lỡ miệng nói ra?

Trong thời gian vừa qua, thông tin về tình trạng “hết tiền” của các cơ cấu chính phủ các cấp đang lan tràn ngày một rộng rãi. Trước đây người ta nói nhiều đến tình trạng nợ công của chính phủ vượt quá trần. Gần đây thì tình trạng đi vay nợ để trả nợ là đề tài nóng.

Rồi gần đây nhất là các thành phố Cà Mau, Bạc Liêu hết sạch tiền để trả lương cho công nhân viên. Người ta tin rằng trong những ngày tới sẽ còn thêm nhiều những thành phố khác tuyên bố vỡ nợ.

Thế thì làm sao đây?

Phải chăng vì không còn đường nào đào ra tiền nên ông Thủ Tướng … nghĩ đến người dân, là đối tượng cuối cùng mà ông và nhà nước của ông có thể moi móc.

Có điều ông Nguyễn Tấn Dũng nên nhớ là “con giun xéo lắm cũng oằn”, và người dân Việt không phải là giun! Xin ông cứ mạnh tay vào!

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here