Theo như cam kết của 10 nhà lãnh đạo ASEAN hôm 21 tháng 11 năm 2015 tại Thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, Cộng đồng kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community, viết tắt AEC), sẽ chính thức ra đời vào thời khắc cuối năm 2015.
ACE được coi là một trong 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra trong Tầm Nhìn ASEAN 2020. Hai trụ cột còn lại là Cộng đồng an ninh ASEAN và Cộng đồng văn hóa – xã hội ASEAN.
Trong ba trụ cột nói trên, ACE là trụ cột quan trọng và chi phối rất lớn tiềm năng phát triển của khu vực Đông Nam Á, với giấc mơ trở thành một nền kinh tế lớn thư tư thế giới vào năm 2050.
Cộng đồng ASEAN có dân số khoảng 625 triệu dân, tổng GDP toàn khu vực là 2.600 tỷ Mỹ Kim và tổng kinh ngạch thương mại đạt 2.530 tỷ Mỹ Kim năm 2014. Hiện nay, ASEAN là nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới sau Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp.
Tuy cùng đứng trong một khối 10 quốc gia, nhưng ASEAN chia làm 2 nhóm, dựa theo trình độ phát triển kinh tế thương mại của mỗi nước.
Nhóm thứ nhất, gọi là ASEAN 6 gồm Thái Lan, Malaysia, Nam Dương, Singapore, Brunei là những quốc gia có trình độ phát triển cao và lợi tức bình quân đầu người đạt ở mức từ 6.000 Mỹ Kim/người (Thái Lan) tới 60.000 Mỹ Kim/người (Singapore). Những quốc gia này đã xóa bỏ gần 100% dòng thuế từ năm 2010 theo Hiệp định ưu đãi thuế quan ATIGA.
Nhóm thứ hai, gọi là ASEAN 4 gồm Việt Nam, Miến Điện, Campuchia, Lào là những quốc gia có trình độ phát triển thấp và lợi tức bình quân đầu người ở mức dưới ngưỡng cửa 1.000 Mỹ Kim/người. Bốn quốc gia này đến năm 2015 mới áp dụng việc xóa bỏ dòng thuế 100% nhưng được giữ lại 7% số dòng thuế đến năm 2018 bao gồm các mặt hàng ôtô, linh kiện, sắt thép và phụ tùng xe máy cũng như một số sản phẩm nông nghiệp nhạy cảm như gia cầm sống, thịt gà, trứng gia cầm…
Nhìn vào cách phân chia nói trên, những quốc gia hạng hai như Việt Nam, Miến Điện, Campuchia sẽ có nhiều điểm lợi là gần như 100% hàng hóa của mình được tự do lưu chuyển trong khối ASEAN, nhờ vậy mà có thể thu hút thêm đầu tư từ các doanh nghiệp của những nước trong vùng.
Theo Bộ công thương thì ASEAN hiện là đối tác đứng hàng thứ 2 cung cấp hàng hóa cho Việt Nam sau Trung Quốc; nhưng ASEAN lại là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam sau Liên Âu và Hoa Kỳ. Tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam với ASEAN năm 2014 là 42,1 tỷ Mỹ Kim. Tổng số kim ngạch ASEAN đầu tư vào Việt Nam là 58,8 tỷ Mỹ Kim.
Những con số nói trên cho thấy là Việt Nam không đạt kết quả khả quan trong vấn đề mậu dịch với khối ASEAN. Bằng chứng là kim ngạch thương mại của Việt Nam với ASEAN chỉ chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong khi đầu tư chỉ khoảng 20%. Nói cách khác là Việt Nam chưa thu hút khối ASEAN.
Muốn thu hút đầu tư và phát triển mậu dịch với Thái Lan, Nam Dương, Singapore, Phi Luật Tân, Việt Nam không thể giải quyết bằng các chính sách kinh tế thương mại như hiện nay mà phải có nhiều chính sách khác, trong đó cần tiến hành hai cải tổ sâu rộng về mặt luật lệ và đào tạo nhân lực.
Trước hết là vấn đề luật lệ. Đây là vấn đề mà phía nhà cầm quyền CSVN đã đưa ra từ nhiều năm qua, nhưng cho đến nay chưa đạt yêu cầu. Điều quan trọng là những luật lệ cải tổ phải đáp ứng nhu cầu xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia được thế giới công nhận có nền kinh tế thị trường.
Hiện tại, theo như Cộng đồng kinh tế Âu Châu đưa ra, Việt Nam còn phải cải cách về luật pháp để đạt 4 tiêu chuẩn sau đây hầu được công nhận là nước có nền kinh tế thị trường. Bốn tiêu chuẩn còn thiếu là:
- Không có sự can thiệp của nhà nước làm biến dạng hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp;
- Quản trị doanh nghiệp, kế toán và kiểm toán;
- Sự tồn tại và thực thi một chế độ pháp lý, tôn trọng các quyền sở hữu trí tuệ, phá sản và cạnh tranh cũng như các hệ thống tư pháp;
- Lãnh vực tài chánh của Việt Nam còn quá bấp bênh.
Về lãnh vực giáo dục đào tạo. Đây là lãnh vực đầu tư lâu dài và sẽ trở thành một động lực phát triển mạnh mẽ của Việt Nam đứng đầu khối ASEAN trong tương lai nếu biết khai dụng đúng mức.
Việt Nam hiện là nước lớn thứ ba trong khối ASEAN với dân số 90 triệu người sau Nam Dương (225 triệu dân) và Phi Luật Tân (99 triệu dân). Dân số này sẽ tăng tới 100 triệu vào năm 2020 với tỷ lệ tăng 1% hàng năm. Tỷ lệ người dưới 25 tuổi chiếm 45% khiến nhu cầu đào tạo tại Việt Nam vô cùng to lớn.
GDP của Việt Nam năm 2014 là 187 tỷ Mỹ Kim nhưng chỉ dành dưới 20% GDP cho ngân sách giáo dục, nên phải nói là không đủ so với tiềm lực dân số trẻ gia tăng nhanh nên vì thế mà ngân sách giáo dục luôn luôn thiếu hụt.
Việt Nam hiện có 491 trường Cao đẳng và Đại học, trong đó có 55 học viện, 219 trường Đại học, 217 trường Cao đẳng, các trường tư chiếm 20% khoảng 60 trường Cao đẳng và Đại học, con số này quá ít.
Tuy nhiên số sinh viên ra trường tìm được công an việc làm đúng ngành nghề đếm trên đầu ngón tay, trong khi đó số sinh viên không tìm ra công ăn việc làm rất lớn – từ 150 ngàn đến 200 ngàn mỗi năm.
Ngoài ra, bằng cấp ở Việt Nam không được hệ thống quốc tế công nhận, mặc dù Việt Nam đã ký công nhận bằng cấp với 10 nước.
Để chấn chỉnh trình độ giáo dục Việt Nam, cần phải tiến hành 3 nỗ lực chính yếu.
- Xóa bỏ chính sách giáo dục chỉ đạo từ đảng và từ Bộ giáo dục. Tôn trọng sự độc lập của các đại học và các trung tâm nghiên cứu. Có như vậy các chương trỉnh giảng dạy và đào tạo mới thực tế và đi sát với nhu cầu xã hội. Nói cách khác các đại học phải độc lập về tài chánh, học thuật và nhân sự.
- Xã hội hóa giáo dục, tức là để cho tư nhân, xí nghiệp được tham gia đầu tư vào lãnh vực giáo dục đào tạo.
- Sách giáo khoa phải thay đổi toàn diện phù hợp theo xu hướng thể giới và nhất là bãi bỏ toàn bộ ý thức hệ Mác Lê-nin lạc hậu.
So với nhiều quốc gia ASEAN, Việt Nam không chỉ đông về dân số mà còn là vùng đất thuận lợi cho thương mại, du lịch, giao thông… Do đó nếu Việt Nam được xây dựng tốt đẹp sẽ trở thành một điểm tựa quan trọng cho khối ASEAN.
Vấn đề quan trọng là Việt Nam phải nhanh chóng thoát ra khỏi vòng kim cô xã hội chủ nghĩa, thực sự xây dựng Việt Nam là một quốc gia dân chủ, tự do và công bằng thì mới khai dụng được tiềm lực dân tộc để có thể đóng góp hiệu quả cho tương lai ASEAN nói chung và cho đất nước Việt Nam nói riêng.
Leave a Comment