Quảng Cáo

Việt Nam tụt hậu vì đâu?

Quảng Cáo

Tại Diễn đàn tổng kết 30 năm đổi mới, được tổ chức hôm 19 tháng 11 vừa qua ở Hà Nội, một số chuyên gia đã từng ở vị trí đóng góp vào công cuộc cải cách kinh tế trong 3 thập niên vừa qua, cho rằng Việt Nam tiếp tục tụt hậu so với các nước trong khu vực.

Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Khoan

Cựu Phó thủ tướng Vũ Khoan đã cho rằng sự tụt hậu này nằm ngay trong vấn đề tranh cãi hướng đi mà 30 năm sau vẫn không tìm ra lời giải. Đó là “kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa” là gì? Doanh nghiệp nhà nước nên hay không nên giữ vai trò chủ đạo nền kinh tế?

Chính vì cố gò ép nền kinh tế nằm trong cái gọi là “định hướng xã hội chủ nghĩa” như một vòng kim cô, lãnh đạo CSVN đã chọn mô hình tăng trưởng sai, phát triển lạc điệu đối với xu hướng chung của thế giới là kinh tế thị trường và dân chủ hóa.

Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng viện kinh tế Việt Nam đã chỉ ra một số nguy cơ tụt hậu của Việt Nam như sau:

Tiến sĩ Trần Đình Thiên phát biểu tại Diễn đàn tổng kết 30 năm đổi mới

1- Tại thời điểm đổi mới vào năm 1987, GDP của Việt Nam tương đương với 4,1% GDP của Trung Quốc, tức bằng 1/25. Nhưng tỷ lệ này không ngừng giảm xuống và chỉ còn 1,9% vào năm 2013.  Nói cách khác, sau 30 năm đổi mới, tỷ lệ GDP của Việt Nam so với Trung Quốc đã giảm tới mức 1/53

2- Tính từ thời điểm 2015 Việt Nam phải mất lần lượt 10, 12 và 17 năm nữa để vượt qua mức Trung Quốc, Thái Lan và Mã Lai đã đạt được ở năm 2011. Khoảng cách rất xa này là dựa trên thống kê không chính xác của nhà nước. Thực tế sẽ còn thê thảm hơn nhiều không thay đổi thể chế.

3-Nếu không có một phép lạ nào khác, tình hình phát triển kinh tế  hiện nay đến năm 2035, Việt Nam tụt hậu tới 51 năm so với Indonesia, 95 năm so với Thái Lan và 158 năm so với Singapore. Như vậy thì 30 năm tới, dù Việt Nam có cố phát triển vẫn tiếp tục tụt hậu so với các lân quốc, và mức tụt hậu có thể trầm trọng hơn khi bước tiến của các quốc gia phát triển hơn sẽ đi những bước dài hơn.

Câu hỏi đặt ra, đâu là nguyên nhân gây ra tình trạng phát triển ngược đời này?

Thứ nhất, vào năm 1990, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam so với trung bình thế giới kém hơn khoảng 4000 Mỹ Kim. Năm 2015, khi GDP bình quân của người Việt Nam lên 2000 Mỹ Kim thì GDP bình quân thế giới đã vượt 10.000 Mỹ Kim. Như vậy, nguyên  nhân đầu tiên là Việt Nam đã chọn mô hình tăng trưởng sai.

Mô hình sản xuất xuất khẩu là đúng; nhưng chủ yếu lại dựa vào đầu tư của nước ngoài nên tiềm lực kinh tế Việt Nam trong thực tế không phải là sản xuất mà làm công cho các xí nghiệp ngoại quốc. Khi nền kinh tế dựa trên gia công thì mức thu nhập làm sao gia tăng nhanh so với những quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng mạnh như Singapore, Thái Lan hay Mã Lai.

Thứ hai, sản xuất nông nghiệp được coi là một ưu thế lớn của Việt Nam, trong đó vấn đề xuất khẩu gạo, cà phê, dệt may, thủy sản được coi là những lãnh vực mạnh nhất của Việt Nam nhưng lại không có khả năng cạnh tranh vì năng xuất nói chung quá yếu kém. Không những thế, so với các nước trong khu vực thì năng xuất nông nghiệp của Việt Nam đã tụt hậu đến mức báo động.

Một cách cụ thể là năng xuất lao động nông nghiệp Việt Nam chỉ bằng 1% Singapore, bằng 1-4% Nhật Bản, Hàn Quốc hay các nước trong khối quốc gia công nghiệp OECD. Năm 1990, năng xuất lao động nông nghiệp của Việt Nam bằng 80% so với Trung Quốc, nay thì năng xuất này đã giảm bình quân mỗi năm 1 phần trăm trong 3 thập niên vừa qua.

Xe công ở Việt Nam

Thứ ba, mới giàu lên một chút là bắt đầu tiêu xài hoang phí, không chịu tiết kiệm để đóng góp cho nhu cầu phát triển. Trước hết, mỗi năm chi phí cho xe công cả nước lên đến 12.800 tỷ đồng chiếm ¼ ngân sách quốc gia. Đó là chưa kể đến những chi phí liên quan đến việc bảo quản, xăng dầu cho hơn 40 ngàn chiếc xe công được lưu dụng hiện nay, gấp đôi số xe công dùng của chính phủ Pháp, Anh, Nhật, Nam Hàn.. là những quốc gia có nền kinh tế lớn. Điều này cho thấy là Việt Nam không có khả năng tiết kiệm.

Ngoài ra, Việt Nam còn là quốc gia mua và sử dụng xe hơi hạng sang nhiều nhất so với các nước trong khu vực. Số xe hơi hạng sang bán ở Việt Nam trong năm 2014 chiếm 37,54% trong khi Phi Luật Tân chỉ đạt 29%, Nam Dương đạt 6,6% và Mã Lai chỉ đạt 1,9%.  Ngoài ra số lượng những xe sang như Mercedes, BMW, Rolls-Royce, Porsche, Audi bán rất chạy ở thị trường Việt Nam.

Các tàu bị phế thải của Tập đoàn kinh tế Vinashin

Thứ tư, sự ưu đãi của doanh nghiệp nhà nước đã khiến cho nền kinh tế ngày một què quặt và ngăn cản các nỗ lực cải tổ cơ cấu để phát triển quốc gia. Hiện nay, các doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ 1,5 triệu tỷ đồng và tổng tài sản gần 5 triệu tỷ đồng nhưng đóng góp vào GDP thấp hơn so với doanh nghiệp tư nhân. Không những thế, tính đến năm 2014, các doanh nghiệp nhà nước nợ lên đến 1,5 triệu tỷ đồng (tương đương 68 tỷ Mỹ Kim) trong đó có 13.000 ngàn tỷ đồng thuộc vào loại nợ xấu không thể đòi. Nói cách khác, chính chủ trương kinh tế quốc doanh giữ vị trí chủ đạo đã làm cho nền kinh tế Việt Nam tụt hậu.

Do chủ trương ưu đãi quốc doanh nói trên, lãnh đạo CSVN đã can thiệp và trực tiếp chỉ đạo thị trường bằng mệnh lệnh hành chính. Chỉ trong một vài trường hợp bất đắc dĩ, Hà Nội mới để cho thị trường tự điều chỉnh nhưng khi đó đã quá trễ và tạo ra nhiều gánh nặng chi phí cho các doanh nghiệp tư sau khi có điều chỉnh.

*

Trong bản báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội đọc ở phiên họp thứ 10 của quốc hội vào tháng 10 vừa qua, ông Nguyễn Tấn Dũng cho rằng: “mức tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý và phục hồi khá cao và chất lượng tăng trưởng có bước được nâng lên.”

Tuy nhiên theo đánh giá của ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm ủy ban kinh tế quốc hội thì cho rằng: “Mô hình tăng trưởng gần như là không thay đổi, ví dụ sự nhảy múa của các con số về nhập siêu qua các năm cho thấy chúng ta đã không cầm cương được nền kinh tế. Nếu tình hình xấu thì bảo là do thế giới tác động mà không thấy khuyết điểm do điều hành.”

Nguyễn Tấn Dũng người chịu trách nhiệm chỉ đạo các Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty

Qua hai đánh giá nói trên cho thấy là lãnh đạo CSVN cố vẽ lên hình ảnh màu hồng của nền kinh tế, trong khi thực tế như ông Nguyễn Đức Kiên nhận xét là mô hình tăng trưởng hoàn toàn không thay đổi: tư duy vẫn thuộc nền kinh tế kế hoạch hóa của 30 năm về trước.

Chính vì lẽ đó mà cho đến nay, Hoa Kỳ và nhiều quốc gia Phương Tây đã không công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux