Rezso Seress, người nhạc sĩ dương cầm người Hungary vào đầu thập niên 1930, đã mang một Chủ nhật buồn vào âm nhạc và lưu lại cho ngày sau những huyền thoại “chết người”.
Seress một mình trong căn gác nhỏ, tay bâng quơ trên phím đàn chùng, cố gợi lại những cảm xúc còn tươi rói của mối tình. Trong lặng thinh trống trải ấy, giai điệu ảo não thiết tha của Chủ Nhật Buồn ra đời. Từng nốt nhạc nhỏ giọt, chậm nhịp như bước chân người đưa tiễn, như tiếng gót ngựa rảo kéo cỗ quan tài đen phủ hoa trắng trên đường vào nghĩa trang lưa thưa huyệt mộ u tối.
Thoạt đầu, Seress đặt tựa khúc nhạc là Vége a világnak – Thế giới đang tận diệt, nói lên sự kết liễu của thế giới và con người, của đất nước Hungary, trong bất hạnh và nghèo khó, vào thập niên 30. Sau đó, người bạn là nhà thơ Jávor László viết thêm ca từ, thì Chủ Nhật Buồn / Gloomy Sunday / Sombre Dimanche, còn được gọi là “Quốc ca của những kẻ tự tử”, mới hoàn tất.
“Ngày Chủ nhật buồn với trăm hoa trắng
Anh đợi em dấu yêu với lời kinh cầu
Buổi sáng Chủ nhật dai dẳng một giấc mơ
Cỗ xe của nỗi buồn trở về khi vắng em.
Kể từ đó, Chủ nhật luôn buồn
Nước mắt là thức uống, sầu muộn là bánh mì…
Ôi! Chủ nhật buồn.
Chủ nhật cuối cùng, em yêu xin đến cùng
Sẽ có quan tài phủ khăn tang và ngay cả cha cố.
Những nhành hoa trắng sẽ đợi em, hoa và quan tài
Dưới cội cây hoa trắng là chặng cuối hành trình của đời anh.
Mắt anh vẫn mở, để anh có thể thấy em một lần nữa
Đừng hoảng sợ khi trông thấy,
bởi vì anh cầu phước cho em
ngay cả trong nỗi chết của anh.
Chủ Nhật cuối cùng.
Đó là lời nguyên thủy của bài hát trong tiếng Hungary. Seress mang bản thảo đến vài nhà xuất bản nhưng bị từ chối vì nó quá sầu thảm. Cuối cùng, bản nhạc được Pal Kalmar, một ca sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ, thu âm, rồi được phổ biến nhanh khắp nơi.
Leave a Comment