Vào ngày Thứ Ba 24/11, phái đoàn Phi đã yêu cầu Tòa Trọng Tài Thường Trực (Permanent Court of Arbitration PCA) công nhận quyền của Phi khai thác các lãnh hải thuộc phạm vi chủ quyền của mình trong phiên tòa kéo dài đến 30/11.
Cách đây 3 tuần, Tòa PCA đã xác nhận thẩm quyền của Tòa trong việc cứu xét đơn kiện Trung Quốc của Phi Luật Tân về chủ quyền trên vùng biển phía Tây Phi Luật Tân. Được biết cho đến nay, Trung Quốc vẫn khăng khăng không chấp nhận thẩm quyền của Tòa PCA, đòi hỏi Phi phải tham dự vòng đàm phán song phương với Trung Quốc, dù đã ký kết một hiệp ước Host Agreement, cho phép các phiên xử của Tòa được diễn ra trên Hong Kong, một phần lãnh thổ của Trung Quốc.
Đây là một thất bại thêm cho Trung quốc dù đã bỏ ra nhiều tiền để vận động dư luận qua các công ty tư vấn, viện nghiên cứu, các học giả lên tiếng hậu thuẫn cho lập trường của Trung Quốc trên các báo chí và diễn đàn quốc tế.
Các quốc gia ven Biển Đông khác đang tranh chấp về chủ quyền với Trung Quốc như Mã Lai, Nam Dương, Brunei; Việt Nam đã gởi quan sát viên đến The Hague, thủ đô Hòa Lan để theo dõi kỹ lưỡng các diễn biến trong phiên tòa kiện Trung Quốc do Phi Luật Tân đứng đơn.
Mới đây, chính quyền Nam Dương cho biết có thể đệ đơn kiện Trung Quốc nhằm chống lại đòi hỏi về chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên 80% Biển Đông, trong đó bao gồm cả vùng lãnh hải thuộc quần đảo Natuna thuộc chủ quyền Nam Dương.
Phát ngôn Bộ Ngoại Giao Phi cho biết Tòa PCA bắt đầu cứu xét 15 luận cứ của Phi Luật Tân, các luận cứ này bác bỏ đòi hỏi của Trung Quốc về chủ quyền trên 80% Biển Đông qua đường lưỡi bò 9 điểm.
Tòa PCA sẽ ra phán quyết sau cùng vào giữa năm 2016. Phán quyết này có tính chất cưỡng bách cho các quốc gia liên hệ trong đó có Trung Quốc, dù Trung Quốc phủ nhận thẩm quyền của Tòa và không tham dự các phiên tòa đã bắt đầu từ đầu năm 2013.
Hiện nay, Trung Quốc đang phải đối đầu với nhiều chống đối đến từ Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và đặc biệt từ Hoa Kỳ. Hoa Kỳ tuyên bố không muốn liên hệ đến các tranh chấp chủ quyền nhưng cương quyết bảo vệ quyền tự do lưu chuyển trên Biển Đông mà không cần phải chờ sự chấp thuận của bất cứ quốc gia nào, nhất là khi sự lưu chuyển này xảy ra trên hải phận quốc tế.
Hoa Kỳ đã gởi phi cơ tuần thám hải dương Poseidon P8, khu trục hạm Lassen loại Arleigh Burke, và oanh tạc cơ chiến lược B-52 bay ngang qua không phận và đi vào hải phận 20 hải lý một số đảo tại Trường Sa, do Trung Quốc xâm chiếm của Phi và của Việt Nam và tự tuyên bố là thuộc chủ quyền của họ, mà không gặp phản ứng nào từ Trung Quốc.
Cho đến nay ngoài lời phản đối miệng, người ta chưa thấy phản ứng nào mạnh hơn của Trung Quốc, như cho các tầu tuần duyên của họ húc vào chiến hạm Hoa Kỳ, hay cho chiến đấu cơ lên nghênh chiến, hay áp tải phi cơ Hoa Kỳ ra khỏi không phận các đảo mà họ tự cho có chủ quyền.
Hiện nay tình hình nói chung tại Biển Đông vẫn căng thẳng và chỉ cần một phản ứng thiếu tự chế hay một biến cố ngoài dự liệu sẽ dẫn ngay đến một mầm mống tranh chấp có ảnh hưởng đến toàn thế giới. Ngay cả trong trường hợp có xác xuất cao là yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc sẽ bị tòa PCA bác bỏ, người ta chưa mường tượng ra phản ứng của Trung Quốc trong trường hợp này.
Nếu không phản ứng gì cả chắc chắn là Trung Quốc sẽ bị mất thể diện rất nặng và bị coi là một con cọp giấy, mà trong trường hợp phản ứng, thì phản ứng như thế nào trước một lực lượng hải quân Hoa Kỳ có ưu thế vượt trội về mặt tinh nhuệ và võ khí tối tân hơn, và có được sự hỗ trợ của Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, …trong lúc các hải quân của Nam Dương, Mã Lai, Phi, Việt Nam đang lần lượt được tân trang với các chiến hạm hiện đại không thua kém gì các chiến hạm mới nhất của Trung Quốc.
Mưu đồ âm thầm chiếm đoạt Biển Đông của Trung Quốc đã bị bại lộ và gặp sức đề kháng mạnh liệt từ các quốc gia ven Biển Đông và của cộng đồng thế giới.
Nguyễn Ngọc Bảo
Leave a Comment