Mặc dù Tổng thống Obama không có thể sắp xếp lịch trình viếng thăm Việt Nam vào tháng 11 năm 2015 như Cộng sản Việt Nam chờ đợi; nhưng Tòa Bạch Ốc đã đáp lễ bằng một thông báo đáp ứng sự chờ đợi khác của Hà Nội. Đó là Hoa Kỳ chính thức bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương trên biển hôm 17/11, lúc ông Obama đang viếng thăm Philippines và tham dự Hội nghị APEC tại đây.
Trong bản thông báo, Tòa Bạch Ốc cho biết lý do bỏ cấm vận như sau:
Thứ nhất là để tăng cường năng lực an ninh hàng hải của các đồng minh và đối tác.
Thứ hai là để đáp trả với những nguy cơ trên vùng biển ngoài khơi của các quốc gia và bảo đảm an ninh hàng hải trong vùng.
Đặc biệt trong thông cáo, Tòa Bạch Ốc đã đưa ra một số nỗ lực đặt trọng tâm hỗ trợ 4 quốc gia tại vùng Đông Nam Á gồm Phi Luật Tân, Việt Nam, Nam Dương và Mã Lai. Riêng Việt Nam, Hoa Kỳ sẽ có những hợp tác công khai như:
– Gia tăng việc hỗ trợ chương trình hàng hải cho CSVN lên 19,6 triệu Mỹ Kim trong tài khóa 2015 và có thể tăng 20,5 triệu Mỹ Kim vào năm 2016 để giúp phát triển năng lực hàng hải.
– Giúp gia tăng hoạt động tình báo hàng hải, giám sát, trinh sát (ISR), chỉ huy và kiểm soát trong nội bộ các cơ quan kiểm soát trên biển của CSVN.
– Gỡ bỏ lệnh vũ khí sát thương trên biển để lực lượng hàng hải CSVN phát triển và ủng hộ các hoạt động hợp tác với các lực lượng khác trong khu vực.
– Hoa Kỳ sẽ mở rộng hợp tác với CSVN việc huấn luyện, tập trung vào cứu trợ thiên tai và cứu giúp nhân đạo.
Qua nội dung nói trên, Hoa Kỳ đã tiến một bước rất lớn trong việc chủ động mở rộng sự hợp tác quân sự với CSVN tiếp theo việc bãi bỏ cấm bán vũ khí sát thương.
Điều đáng lưu tâm hơn nữa là sau Thông báo của Tòa Bạch Ốc, ngày 20/11 vừa qua, Bộ quốc phòng Hoa Kỳ đã bổ nhiệm ông Tôn Thất Tuấn, một Đại tá Lục quân Hoa Kỳ gốc Việt, làm tùy viên quân sự Tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội, Việt Nam, thay thế cho Đại tá Lục quân Earnest Lee, vừa mãn nhiệm kỳ trở về Bộ Quốc Phòng nhận nhiệm vụ mới là điều đáng quan tâm.
Việc chọn lựa một Tùy viên quân sự gốc Việt Nam sang Hà Nội vào lúc này, Hoa Kỳ muốn gia tăng “lòng tin” nơi lãnh đạo CSVN trong các hợp tác quân sự trên biển Đông.
Trong tư cách là tùy viên quân sự, Đại Tá Tôn Thất Tuấn đóng vai trò con thoi giữa giới quân sự Việt – Mỹ, đồng thời là đại diện cho Bộ trưởng Quốc phòng, và Tư lệnh Quân đội Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, và các cơ quan quân sự khác của Hoa Kỳ.
Do đó, Đại tá Tùy viên Quân sự chịu trách nhiệm phân tích và tường trình về những diễn biến quân sự tại Việt Nam, những vấn đề an ninh đang diễn ra trong khu vực và trên toàn thế giới. Những thông tin này được sử dụng để đưa ra những chính sách quân sự đối với Việt Nam và các nước Đông Nam Á.
Văn phòng Tùy viên Quân sự cũng phối hợp tất cả các hoạt động về an ninh giữa quân đội Hoa Kỳ và quân đội Việt Nam tại các diễn đàn song phương và đa phương, cũng như trong mọi lĩnh vực hoạt động quân sự.
Với những nhiệm vụ nói trên của Đại Tá Tôn Thất Tuấn cho thấy là ông có nhiều thẩm quyền để trao đổi với Hà Nội, không chỉ là nhu cầu hợp tác mà còn cả vấn đề thảo luận mang tính chiến lược.
Có ba yếu tố chiến lược nếu CSVN thật sự hợp tác với Hoa Kỳ.
1- Tiềm lực quân sự, đặc biệt lực lượng hải quân trên biển của CSVN sẽ gia tăng đáng kể nếu Hoa Kỳ dồn sức giúp trang bị. Với tiềm lực này, CSVN có khả năng đối đầu lại các tàu hải giám và những tàu ngư dân trá hình xâm nhập vào thềm lục địa Việt Nam.
2- Giúp cho một bộ phận lãnh đạo có sự tự tin hơn trong việc tiếp cận với Hoa Kỳ mà từ nhiều thập niên ở vào thế dè chừng vì lo ngại “diễn biến hòa bình”. Chính sự tự tin của thành phần này sẽ giúp cho vấn đề xoay trục từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ mang nhiều tính thực chất hơn trong các trao đổi về quốc phòng.
3- Ngăn chận đà bành trướng của Bắc Kinh trên biển Đông mà cụ thể là tham vọng quân sự hóa các đảo nhân tạo sẽ giảm tốc, để buộc Trung Quốc phải chấp nhận thảo luận đa phương nhằm giải quyết các tranh chấp ở biển Đông.
Khi mặt quân sự đã được giải quyết như đề cập bên trên, Hiệp định TPP còn giúp cho CSVN từng bước giảm thiểu sự lệ thuộc về thương mại, đầu tư đối với Trung Quốc, nên vì thế Hà Nội không còn có thể né tránh trong việc hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ.Nói tóm lại, việc Hoa Kỳ chọn tháng 11 để thông báo việc bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho CSVN nhằm nói lên một thông điệp rằng tân Trung ương đảng CSVN nhiệm kỳ XII sẽ phải chọn thế trận mới kể từ năm 2016. Đó là ra khỏi cái bóng của Bắc Kinh để tích cực hợp tác mạnh mẽ hơn với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Phi Luật Tân để bảo vệ biển Đông.
Leave a Comment