Quảng Cáo

Đảng có dám kiện và không vay tiền từ Trung Cộng?

Quảng Cáo

Ngày 17/11 vừa qua, trong một phiên họp chất vấn chính phủ, đại biểu quốc hội Trương Trọng Nghĩa lần đầu tiên phát biểu một câu đáng ghi vào lịch sử của một quốc hội xưa nay được thừa nhận là “ngậm miệng ăn tiền”.

Ông Nghĩa nói rằng: “ Cử tri đề nghị không vay tiền, không nhận viện trợ từ Trung Quốc, ít nhất là trong thời điểm này bởi vì Trung Quốc đang tranh chấp, thậm chí đang chiếm lãnh thổ của Việt Nam và đe dọa sẽ tiếp tục chiếm nhiều hơn”.

Cử tri đây chính là những người dân đã nhắm mắt thi hành sứ mạng “đảng cử dân bầu”, bỏ phiếu cho 500 người hầu hết là đảng viên bước vào sân khấu quốc hội. Họ là những người tới thời điểm này đã quá bực tức trước sự lệ thuộc quá sâu đậm của đảng CSVN trước láng giềng gian manh Trung Cộng. Chẳng những lệ thuộc mà còn tỏ ra hèn hạ khi Trung Cộng ngang nhiên tóm thu biển đảo thuộc chủ quyền Việt Nam, đảng cũng không hề có một phản ứng nào xứng đáng để bảo vệ đất nước.

Chỉ nói riêng về phương diện kinh tế, Trung Cộng hiện đang nắm giữ gần như toàn bộ nền kinh tế nặng về tiêu thụ của Việt Nam. Hàng hóa có xuất xứ từ Trung Cộng theo đường tiểu ngạch hàng ngày ào ạt vượt qua biên giới phía Bắc. Từ lâu Việt Nam đã trở thành thị trường tiêu thụ hàng hóa thứ cấp, thậm chí độc hại của nước láng giềng. Điều này khiến cho nền doanh nghiệp sản xuất trong nước lâm vào cảnh eo sèo do không cạnh tranh nổi với hàng hóa rẻ tiền của Trung Cộng.

Trong lãnh vực xây dựng, Trung Cộng tóm thâu hầu hết các công trình xây dựng quan trọng và các dự án bạc tỷ. Các nhà thầu Trung Cộng là những người dễ trúng thầu nhất. Vì họ chỉ cần áp dụng phương pháp bỏ thầu giá thấp nhất, sau đó trong quá trình thi công, họ tìm cách điều chỉnh giá thỏa thuận ban đầu.

Một trường hợp điển hình được dư luận bàn tán nhiều nhất trong thời gian gần đây là dự án đường sắt trên cao, tuyến Cát Linh – Hà Đông, ký kết với nhà thầu Công ty Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Cộng. Từ giá vốn ban đầu 552,86 triệu USD, nay đã “đội vốn”lên tới 868,04 triệu USD, tăng 315,18 triệu USD so với mức đầu tư được phê duyệt trước đó. Hơn 2/3 số tiền nói trên đều là vốn vay của Trung Cộng. Bất cần nợ công, các cán bộ CSVN chấp thuận sự thay đổi ấy một cách dễ dàng. Chỉ có lý do móc ngoặc, lại quả từ trước mới có thể giải thích tại sao sự chênh lệch ấy là điều bình thường trong giao dịch giữa đôi bên.

Câu chuyện “Nhà máy 8.100 tỉ thành đống sắt gỉ” của Công ty Gang Thép Thái Nguyên gặp phải khi đầu tư mở rộng giai đoạn hai được báo trong nước mô tả là “quả đắng” mà Công ty này phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Với hơn 8.100 tỷ đồng, Gang Thép Thái Nguyên đã thuê nhà thầu Trung Cộng xây nhà máy từ năm 2007. Nhưng mãi đến nay đã hơn 8 năm, nhà máy vẫn… nằm “đắp chiếu”, còn nhà thầu Trung Cộng đã rút về nước sau khi đã nhận hơn 90% tiền thanh toán phần thiết bị lạc hậu mua của chính họ…

Chính vì những liên minh ma quỷ giữa các viên chức Việt Nam và nhà thầu Trung Cộng, sự lệ thuộc vào Bắc Kinh trong kinh tế đã trở nên công khai như một điều đáng tự hào. Chính quyền Trung Cộng lâu nay vung tiền ở Phi Châu, Nam Mỹ ngay cả ở Âu Châu để cố gắng chứng minh với thế giới tiềm lực kinh tế số 1 của mình.

Ở Việt Nam họ cũng áp dụng thủ thuật “đồng tiền đi trước” để khuynh đảo chính trị. Trong chuyến công du đầu tháng 11 vừa qua, Tập Cận Bình đã tuyên bố viện trợ 1 tỷ nhân dân tệ trong 5 năm cho Việt Nam. Ngoài ra còn bổ sung một khoản vay ưu đãi 250 triệu USD cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông nói trên.

Không biết những món tiền ấy có “góp phần phát triển quan hệ hợp tác tốt đẹp” giữa Hà Nội và Bắc Kinh như lời tán tụng của truyền thông nhà nước hay không; nhưng trước quốc hội, ông Trương Trọng Nghĩa đã đặt ra một câu hỏi thiết thực rằng: “Nhận viện trợ hay vay vốn ODA của Trung Cộng cho dù rẻ, thì sau này có kiện để đòi lãnh thổ được không?”

Xem ra cái giá của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sao quá rẻ! Rẻ ngang với lời tuyên bố trước đây của ông Nguyễn Tấn Dũng “sẽ không đánh đổi chủ quyền quốc gia lấy hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”.

Cũng chính ông Nguyễn Tấn Dũng tại Philippines, vào cuối tháng 5/2014 đã nói trước báo chí quốc tế “Việt Nam đang cân nhắc các phương án để bảo vệ mình, kể cả phương án đấu tranh pháp lý, theo luật pháp quốc tế.” Nhưng từ đó đến nay mặc cho bao nhiêu đau khổ mà ngư dân Việt Nam phải gánh chịu trên Biển Đông trước sự hoành hành của tàu kiểm ngư Trung Cộng, lời tuyên bố hùng hồn ấy cũng chỉ mang ý nghĩa của một thái độ lừa dối người dân.

Trước đó một ngày, trong phần chất vấn trước quốc hội về Biển Đông, lần đầu tiên cử tri của 28 tỉnh, thành phố thông qua các đại biểu của mình đã đề nghị Bộ Ngoại giao có các giải pháp đấu quyết liệt, rõ ràng hơn để giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Đặc biệt cử tri đòi hỏi thẳng chính phủ “cần sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý khởi kiện Trung Cộng ra Tòa án Quốc tế.”

Trong bối cảnh đất nước đang mất chủ quyền trầm trọng, Hà Nội ngày càng lộ rõ bộ mặt thần phục Bắc Kinh để mua lấy sự tồn tại, đề nghị “khởi kiện Trung Cộng” là một đề nghị hợp với nguyện vọng toàn dân, không muốn đất nước rơi vào tay kẻ xâm lăng. Cùng với yêu cầu “không vay tiền, không nhận viện trợ” việc khởi kiện Trung Cộng sẽ là một áp lực cần thiết và mạnh mẽ để Việt Nam trở thành một thực thể độc lập không lệ thuộc Trung Cộng.

Con đường “thoát Trung” của Việt Nam nhất thiết phải hướng sang Hoa Kỳ như một nhu cầu mở rộng dân chủ, làm tiền đề cho một lộ trình dân chủ hóa đất nước về sau. Nhưng liệu đảng CSVN có dám đứng về phía người dân để đối đầu lại sự xâm lăng của Trung Cộng hay không?

Giữa hai giòng nước, đảng CSVN cũng thừa biết nếu họ tiếp tục giữ chặt vị trí thuộc quốc của mình như lâu nay để hưởng lợi, chắc chắn áp xuất phản kháng trong nội bộ đảng sẽ gia tăng, nhân dân càng thêm oán ghét, khinh bỉ đảng. Đến một lúc nào đó, sự phản kháng bùng nổ thành hành động là điều không tránh khỏi.

Phạm Nhật Bình

 

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux