Hôm 24/04/2015, trong buổi tiếp xúc “cử tri” ông Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông CSVN Nguyễn Bắc Son đã tuyên bố một cách hùng hồn rằng “Việt Nam tự do báo chí hơn nhiều nước khác”.
Được biết lời tuyên bố của ông Son khiến nhiều người bật cười, vì cách đây vài tháng, 2 blogger là nhà văn Nguyễn Quang Lập, Hồng Lê Thọ bị nhốt tù chỉ vì đã dám bày tỏ bằng những bài viết trên blog cá nhân. Chẳng những vậy, nhà cầm quyền Việt Nam còn tung lực lượng mật vụ đóng giả làm côn đồ để hành hung, đánh đập những người người phản đối chính quyền, cho dù chỉ là trên mạng Internet.
Trong thời gian gần đây, rất nhiều tờ báo trong nước gặp phải rắc rối với chính quyền. Đáng chú ý, tờ Người Cao Tuổi đã bị Bộ Thông tin & Truyền thông phạt nặng vì có những bài viết chống tiêu cực, tham nhũng. Bên cạnh đó trang điện tử của tờ báo này cũng bị buộc phải đóng cửa, vì bị cáo buộc có “một số bài viết xuyên tạc, vu khống tổ chức và công dân,” và “có dấu hiệu tiết lộ bí mật Nhà nước”. Trong rất nhiều bài viết chống tiêu cực trên Người Cao Tuổi, đáng chú ý nhất chính là vụ phanh phui tài sản ông nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền.
Ông Son nêu ra con số hiện nay với “hơn 300 kênh phát thanh và 7 đài truyền hình, hơn 800 tờ báo, tạp chí. Rất nhiều hội, đoàn và hầu như địa phương nào cũng có báo riêng, phục vụ nhu cầu của độc giả đủ mọi lứa tuổi” để chứng minh cho cái “tự do báo chí” tại Việt Nam. Cái ông không nói ra và cũng không được báo điện tử Infonet nói ra là toàn thể hệ thống báo đài đó đều nằm trong sự kiểm soát và chi phối chặt chẽ của đảng và nhà nước CSVN. Báo đài tư nhân bị cấm tuyệt đối. Tất cả các cơ quan truyền thông tại Việt Nam đều có một “cơ quan chủ quản” tức do một cơ quan, bộ, ngành, tỉnh, thị hoặc các tổ chức ngoại vi của đảng CSVN chịu trách nhiệm.
Mới ngày 21/4/2015, Tổ chức Bảo vệ Ký giả quốc tế (Committee to Protect Journalists) có trụ sở chính ở New York đưa ra một bản tường trình nói Việt Nam là một trong 10 nước có chế độ kiểm duyệt thông tin khắt khe nhất thế giới.
Bảng xếp hạng về tự do thông tin và về tự do truy cập internet hàng năm của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới” trụ sở tại Pháp cũng đều xếp Việt Nam vào chót bảng cùng với các nước vừa kể. Bản phúc trình nhân quyền thế giới thường niên của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vẫn đều nêu tình trạng giới hạn tự do thông tin tại Việt Nam.
Leave a Comment