Quảng Cáo

Chính sách Đông Nam Á của Trung Quốc thất bại

Chiến hạm cận duyên USS Fort Worth đi tuần tra trong vùng hải phận quốc tế gần quần đảo Trường Sa trong tháng Năm 2015.

Quảng Cáo

12/11/15

Chính quyền Trung Quốc thường tự hào về chính sách ngoại giao nhạy bén và suy nghĩ chiến lược của họ, nhưng những tuần lễ vừa qua đầy cam go cho chính sách ngoại giao Trung Quốc trong vùng Đông Nam Á. Với công tác “tự do hải hành” của Hoa Kỳ, phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực về đơn kiện của Phi Luật Tân, Bắc Kinh bắt nạt ASEAN, chuyến viếng thăm Hà Nội vô nghĩa của họ Tập, và sự thất bại của nhóm đàn em quân phiệt tại Miến Điện, Trung Quốc đối diện với những thay đổi đảo lộn trong vùng.

Đã đến lúc đặt câu hỏi là Bắc Kinh có chịu điều chỉnh chính sách ngoại giao chưa hay vẫn cố bám lấy hướng đi hiện thời mà dường như làm soi mòn lợi ích chiến lược lâu dài của họ trong vùng. Và khi Tổng thống Obama công du trong vùng, ông nên khai thác những sơ suất của Bắc Kinh.

Vào ngày 27 tháng 10 Hoa Kỳ rồi cũng tiến hành công tác tự do hải hành trong phạm vi 12 hải lý của Đá Subi mà Trung Quốc bồi đắp. Phải mất một thời gian khá lâu từ khi Bộ trưởng Quốc Phòng Ashton Carter tuyên bố tại Đối Thoại Shangri-La cho đến lúc công tác được tiến hành. Và Tòa Bạch Ốc cũng như Ngũ Giác Đài không làm rõ thông điệp muốn nhắn gửi là gì qua công tác đó. Tuy thế công tác cũng đã thực hiện xong và có sự cam kết sẽ tiếp tục công tác này thường xuyên khoảng hai lần mỗi quý. Các đồng minh và đối tác trong vùng được trấn an. Và có hy vọng là một số đồng minh, đặc biệt là Úc và Nhật, cũng ngỏ ý muốn thực hiện công tác tự do hải hành, làm riêng hoặc làm chung với Hoa Kỳ.

Tòa Trọng Tài Thường Trực ở Hague, Hòa Lan, ra phán quyết vào ngày 29 tháng 11 là họ “có thẩm quyền để cứu xét đơn của Phi Luật Tân”, và bác bỏ các lập luận phản đối của Trung Quốc. Khi Bắc Kinh lên tiếng phản hồi về phán quyết này là “vô hiệu lực” và “không có tác động pháp lý ràng buộc” thì mọi người thấy sự khinh thường pháp lý của Bắc Kinh và không trong mong gì về việc giải quyết tranh chấp ôn hòa.

Tòa sẽ xét xử vào khoảng thời gian 24 đến 30 tháng 11. Mọi người nghĩ là tòa sẽ phán xử thuận lợi cho Phi Luật Tân. Quan trọng hơn hết, phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực mở cửa cho các quốc gia đưa đơn kiện. Việt Nam tỏ ra hối hận vì đã không cùng với Phi Luật Tân trong vụ kiện hoặc đưa đơn kiện riêng. Vào giữa năm 2014, một số lãnh đạo Việt Nam kể cả thủ tướng và bộ trưởng ngoại giao tuyên bố là vấn đề kiện chỉ là thời gian. Nhưng rồi khi Ủy viên Quốc Vụ Viện Trung Quốc Dương Khiết Trì mắng mỏ giới lãnh đạo Hà Nội trong chuyến đi tháng 7 năm 2014 thì Hà Nội dẹp bỏ hoàn toàn ý định đưa đơn kiện. Hiện có lời kêu gọi đây đó ở Việt Nam để dùng chiến lược pháp lý.

Nam Dương (Indonesia) cũng tỏ ý định đưa đơn kiện với Tòa Trọng Tài Thường Trực. Tuy nhiên cách tuyên bố của Bộ trưởng Điều Hợp An Ninh và Chính Trị, ông Luhut Panjaitan, khiến người ta nghĩ đây chỉ là một phát ngôn nhất thời chứ không phải là một chính sách được suy nghĩ thấu đáo. Và nhiều phần Inđônêxia cũng không muốn thách thức Trung Quốc một cách trực tiếp. Nam Dương công khai bác bỏ, không thừa nhận bản đồ chín gạch của Trung Quốc vào năm 2014. Từ đó đến nay Nam Dương vẫn chưa được Trung Quốc làm sáng tỏ đường chín gạch đi qua vùng đặc quyền kinh tế quanh đảo Natuna.

Việc Trung Quốc hiếp đáp Phi Luật Tân đã để lại ấn tượng xấu trong vùng. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Wang Yi quy trách nhiệm hàn gắn quan hệ song phương lên Phi Luật Tân và đòi Phi phải rút đơn kiện. Việc hiếp đáp như thế gây tác động lo ngại trong vùng. Với nhiều lần hành xử như thế, tác động lo ngại sẽ kéo dài hơn là Bắc Kinh nghĩ.

Ảnh hưởng của Trung Quốc lên Cam Bốt, và phần nào đó lên Miến Điện, Lào và bây giờ luôn cả Thái Lan, bảo đảm là trong Hội Nghị Bộ Trưởng Quốc Phòng ASEAN sẽ không ra tuyên bố nào về vụ Biển Đông. Việc không ra tuyên bố tự nó đã nói lên rất nhiều về ảnh hưởng của Trung Quốc trong ASEAN để phục vụ cho mưu đồ riêng của Bắc Kinh.

Và khi Trung Quốc tìm mọi cách đẩy lùi Hoa Kỳ ra khỏi vùng Đông Thái Bình Dương, cách hành xử mạnh bạo của Trung Quốc trong vùng lại giữ chân Hoa Kỳ lại. Sự hiện diện về quân sự, ngoại giao, kinh tế của Hoa Kỳ trong vùng chưa bao giờ nhiều như thế. Phi Luật Tân sắp sửa cho Hoa Kỳ sử dụng các căn cứ quân sự. Nhật Bản cũng đang thương thuyết với Phi Luật Tân để được phép sử dụng căn cứ quân sự, cũng như chuyển nhượng các tàu tuần duyên và tập trận chung trên biển.

Chuyến viếng thăm Hà Nội của Tập Cận Bình nhằm mục đích hàn gắn những tổn thương và thắt chặt quan hệ. Họ Tập chọn thời điểm trùng với kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam để nhắc lại mối quan hệ lịch sử giữa hai đảng anh em xã hội chủ nghĩa. Chuyến viếng thăm này khá trống rỗng. Những gì họ Tập đề cập đến Biển Đông đều không hứa hẹn: kêu gọi làm giảm bớt căng thẳng mà không chút gì nhượng bộ.

Trung Quốc phải rất quan tâm về hướng đi của Việt Nam. Chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và gặp gỡ với Obama tại Nhà Trắng, tiếp theo đó là chuyến viếng thăm Nhật Bản, đáng lẽ ra phải báo thức cho Bắc Kinh. Bản dự thảo Báo Cáo Chính Trị của Đảng CSVN cho Đại Hội Đảng Thứ 12 sắp tới cho thấy rõ tương lai kinh tế của Việt Nam là sẽ dựa trên hội nhập và giao dịch sâu rộng hơn với Tây Phương và rời xa việc xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc. Cũng như Washington, Hà Nội xem hiệp ước TPP là một cái neo chiến lược chứ không đơn thuần là một hiệp ước giao thương.

Họ Tập cũng tìm cách ảnh hưởng lên việc chọn nhân sự lãnh đạo cho Đại Hội Đảng 12. Tuy nhiên nhiều phần phe bảo thủ – muốn giữ quan hệ gần với Trung Quốc – sẽ không khá. Hiện thời có vẻ như phe thân Tây Phương đang thắng thế.

Mặc dầu trong chuyến viếng thăm của Tập Cận Bình có khoảng 10 thỏa thuận được ký kết, nhưng tất cả chỉ là quyền lực mềm: giao dịch, quan hệ kinh tế, một vài trợ giúp phát triển. Thoả thuận thật sự đáng lưu ý hơn là chuyến viếng thăm của Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Tướng Nakatani đạt được thoả thuận sử dụng căn cứ trong Vịnh Cam Ranh cho hải quân Nhật và tập trận chung trong năm 2016. Nhật còn bàn giao hai trong số sáu chiếc tàu tuần duyên cho Việt Nam.

Có lẽ không nơi nào mà chính sách của Trung Quốc bị lật ngược như tại Miến Điện, nơi mà đảng Liên Minh Đoàn Kết và Phát Triển với sự ủng hộ của quân đội bị thua hoàn toàn Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ trong cuộc bầu cử.

Nhưng Trung Quốc phải nhớ hậu quả này là vì các chính sách độc đoán, khống chế kinh tế, và kiểm soát tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là dự án xây đập Myitstone làm quần chúng phẫn nộ. Ngay cả giới lãnh đạo quân đội còn phải cảnh giác với việc phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Chiến thắng của bà Suu Kyi là cao điểm của chính sách thất bại của Trung Quốc. Với sự toàn thắng của Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ, chính sách Miến Điện của Trung Quốc bị đảo lộn hoàn toàn.

Ảnh hưởng của Trung Quốc vẫn còn mạnh ở Cam Bốt. Nhưng đến lúc nào đó lợi ích thu hoạch sẽ cạn dần. Ở một thời điểm tương lai, việc khống chế nền kinh tế Cam Bốt cũng như quân đội Cam Bốt của Trung Quốc sẽ gây phản cảm và đe dọa chương trình kế vị của Hun Sen.

Chỉ tại Thái Lan người ta mới thấy ảnh hưởng của Trung Quốc gia tăng. Bắc Kinh đã khai thác sự cô lập ngoại giao của hội đồng tướng lãnh kể từ cuộc đảo chính hồi tháng Năm 2014. Trung Quốc gia tăng hợp tác quân sự với Thái Lan. Trung Quốc cũng thúc đẩy để hải quân Thái mua các tàu ngầm loại Yuan trị giá 1 tỉ đô la.

Việc ngả vào vòng tay Bắc Kinh của hội đồng tướng lãnh Thái không ra ngoài dự đoán. Nhưng khi dùng võ bọc Bắc Kinh, nhóm tướng lãnh Thái sẽ rơi vào con đường gây thiệt hại cho nền kinh tế và tạo mầm mống bất ổn chính trị đường dài. Trước đây Thái từng là bậc đàn anh của ASEAN, nay nhóm tướng lãnh đã khiến Thái không còn vị trí thích đáng. Thái độ van xin của Thái với Trung Quốc làm mọi người khó chịu, kể cả giới hoàng tộc Thái vốn có mối quan hệ sâu rộng với Hoa Kỳ. Tuy nhiên tình huống nhiều phần không gì thay đổi trong khi quân đội tiếp tục củng cố quyền hành cho đến 2017.

Câu hỏi thật sự từ những chuyện nói trên là Trung Quốc có xem xét lại chính sách của họ và thấy là thái độ hung hãn trong vùng, đặc biệt là tại Biển Đông, chỉ gây thiệt hại cho lợi ích đường dài cho chính họ. Điều này chắc không xảy ra. Với kinh tế chậm lại, gia tăng đàn áp trong nước để đối phó với sự chống đối chưa từng thấy, và tính chính danh của chế độ bị đặt vấn đề, Bắc Kinh chỉ còn có lá bài chủ nghĩa dân tộc để dùng; và khó mà thấy làm sao để rời lưng cọp.

Trung Quốc được hưởng lợi từ trật tự thế giới mà Hoa Kỳ giúp thiết lập sau thế chiến thứ hai. Vậy mà Trung Quốc kiên quyết làm xói mòn những chuẩn mực đó khi mà họ cảm thấy có đủ sức mạnh kinh tế và quân sự.

Trung Quốc muốn có đầy đủ bộ tịch của bá quyền mà không muốn trả giá của trách nhiệm liên đới. Họ đã cho thấy không muốn tuân theo luật pháp và chuẩn mực quốc tế nếu chúng đi ngược lại quyền lợi ngắn hạn của họ.

Chuyến viếng thăm của tổng thống Obama đến Phi Luật Tân và Mã Lai và có thể ghé qua Miến Điện, là một cơ hội để khai thác những sơ suất của Trung Quốc, để nhấn mạnh lần nữa trách nhiệm của một cường quốc là cung ứng những dịch vụ chung, như an ninh, tự do hải hành, pháp lý, chuẩn mực quốc tế có lợi cho tất cả mọi người. Điểm cốt lõi của APEC là pháp quyền và chuẩn mực quốc tế. Để củng cố cho thông điệp “tái quân bằng” trong vùng mà tổng thống Obama từng tuyên bố, ông phải dùng cơ hội này để làm rõ tại sao Hoa Kỳ là một đối tác đường dài trong vùng chứ không phải là một tên bắt nạt ích kỷ, không đếm xỉa gì đến lợi ích của người khác trong vùng. Đây là cốt cán của chiến lược của Hoa Kỳ mà giới lãnh đạo Trung Quốc đã không lĩnh hội.

Tiến sĩ Zachary Abuza là Giáo sư tại National War College, Washington DC. Tiến sĩ Cynthia Watson là Giáo sư về An Ninh tại National War College.

Hoàng Thuyên tóm lược

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux