11/11/15
Cuộc đầu phiếu phổ thông lịch sử tại Miến Điện và chỉ dấu thắng lớn của phe đối lập dưới sự lãnh đạo của bà Aung San Suu Kyi đã dẫn đến một số câu hỏi phiền phức cho anh láng giềng Trung Quốc khổng lồ phương bắc.
Câu hỏi thứ nhất Đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ xử sự như thế nào với một chính quyền dân sự tại Miến Điện sau nhiều thập niên hậu thuẫn chính quyền quân phiệt.
Nhưng câu hỏi thứ nhì, ít mong đợi hơn, trồi dậy từ quần chúng Trung Quốc trong những ngày gần đây. Nếu dân Miến Điện có dân chủ thì tại sao chúng ta lại không – có người hỏi vậy.
Giáo sư xã hội học Sun Liping tại Đại học Tsinghua là một trong số người đầu tiên chất vấn lập luận của nhà nước rằng dân chủ kiểu Tây phương không phù hợp cho Trung Quốc đang trong mức phát triển hiện thời. Ông nêu trên mạng microblog Sina Weibo rằng, “thật sự ra, dân chủ là một điều bình thường cho một xã hội bình thường hành xử. Đó là một cách sống của bản chất nhân loại. Không phải vì người lớn bảo con nít rằng không được vừa ăn vừa nói chuyện cùng lúc, mà chuyện vừa ăn vừa nói không thích hợp nhau.”
Phát biểu của ông được lan truyền với tốc độ 2.000 lần trong vòng vài phút, thúc đẩy một cuộc tranh luận sôi nổi giữa phe ủng hộ và chống đối độc đảng – một điều hiếm hoi xảy ra trên mạng xã hội Trung Quốc bị kiểm duyệt gắt gao.
Trong một phát biểu khác cũng được lan truyền rộng, luật sư Li Fangping chia sẻ, “Họ đi bỏ phiếu từng người một. Quý vị thấy họ cười tươi không. Dân Miến Điện có điều kiện tốt hơn dân Trung Quốc? Như chúng ta đều biết, GDP, tầng lớp trung lưu, tỷ lệ biết đọc viết và hạ tầng giao thông đều thua Trung Quốc.”
Một người dùng khác trên mạng weibo đưa nhận xét mỉa mai là lại có một quốc gia khác “bước vào con đường ‘xấu xa’ của tự do, dân chủ và hạnh phúc.”
Một số tranh luận nói trên vẫn còn thấy trên mạng, mặc dầu bài nguyên thủy của giáo sư Sun đã biến mất, và việc tìm kiếm từ khóa Miến Điện đã bị chận lại trêng mạng Sina Weibo.
Dĩ nhiên Trung Quốc chưa xảy ra những cuộc nổi dậy quần chúng để đòi dân chủ hay ngay cả cải tổ dân chủ. Bộ máy tuyên truyền của đảng có vẻ như thuyết phục người dân là làm thế chỉ dẫn đến bất ổn, và chính quyền độc đảng vẫn là có ích lợi nhất. Guồng máy an ninh thì sẵn sàng đàn áp không nhân nhượng bất cứ cuộc nổi dậy nào.
Tuy nhiên các câu hỏi này lại bùng lên là một ngạc nhiên đối với Giáo sư Fan Hongwei, nghiên cứu về Đông Nam Á tại Đại học Xiamen, mới quay lại từ Miến Điện sau khi đi quan sát cuộc bầu cử. Theo ông, “người dân Trung Quốc lưu tâm đến cuộc bầu cử tại Miến Điện vì nó vạch trần lập luận cho là dân chủ không thích hợp cho một số quốc gia. Miến Điện còn nghèo hơn Trung Quốc và trình độ học vấn thấp hơn, nhưng họ đã chuyển hóa dân chủ một cách ôn hòa. Người dân Trung Quốc thắc mắc là tại sao Trung Quốc không làm vậy được. Họ ganh tỵ với dân Miến Điện.”
Dưới thời quân phiệt tại Miến Điện, Trung Quốc chiếm phần lớn vốn đầu tư nước ngoài, và đa số là nhập khẩu vũ khí. Nhưng việc ủng hộ giới quân phiệt, thu vét tài nguyên thiên nhiên của Miến Điện và không một chút quan tâm đến dân địa phương khiến Trung Quốc không được ưa thích chút nào cả.
Quan hệ giữa hai nước trở nên lạnh nhạt dưới chính quyền của Tổng thống Thein Sein được quân đội ủng hộ. Ông Thein Sein đem lại một số cải tổ dân chủ và đồng thời khai dụng lòng ái quốc của dân chúng bằng cách có thái độ cứng rắn hơn với Trung Quốc.
Công trình xây đập nước của Trung Quốc trên sông Irrawaddy bị đình chỉ, và khi Tây phương gỡ cấm vận, Miến Điện xoay qua Hoa Kỳ, Âu châu, Nhật và Ấn Độ để tìm nguồn đầu tư.
Theo giáo sư Fan thì sự hoài nghi của quần chúng Miến Điện về chính quyền Trung Quốc sẽ không tan biến qua đêm, trong khi đó giữa hai nước cần xây dựng lại lòng tin. Ông nói thêm, “Giới chức Trung Quốc ngờ vực về tương lai của quan hệ Trung Quốc-Miến Điện vì họ chưa xây dựng lòng tin” với đảng Liên Minh Quốc Gia vì Dân Chủ của bà Suu Kyi. “NLD là một đảng có lập trường chính trị với những giá trị gần gũi Tây phương. Chính quyền Trung Quốc lo là kết quả bầu cử sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của Trung Quốc tại Miến Điện.” Tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc lên tiếng rằng thay đổi quyền lực ở Miến Điến sẽ không gây thiệt hại cho quan hệ với Trung Quốc, nhưng đồng thời lại cảnh cáo Miến Điện không nên nhích lại gần với Hoa Kỳ.
Đảng Cộng Sản Trung Quốc thì không ngồi yên chờ kết quả của cuộc bầu cử. Hồi tháng Sáu, họ mời bà Suu Kyi thăm Bắc Kinh và trải thảm đỏ để đón bà. Để đáp lại, bà Suu Kyi trấn an giới lãnh đạo Bắc Kinh là bà mong muốn giữ mối quan hệ thân thiện.
Hoàng Thuyên lược dịch
Leave a Comment