“người ta” đã xát muối vào vết thương của người dân – chừng đó chữ vẫn là chưa đủ để bàn về nỗi đau, sự nhức nhối của hàng triệu người Việt Nam bị những hình ảnh, âm thanh từ cuộc đón tiếp Tập Cận Bình trong mấy ngày vừa qua ở Hà Nội và, mới nhất, từ tuyên bố trắng trợn, ngạo ngược với hàm ý thách thức vô sỉ của Tập ngay sáng ngày 7.11.2015 tại Singapore, được báo chí nước này đăng tải (như sau): “Các đảo ở biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông), từ thời cổ đại, là lãnh thổ của Trung Quốc” (Islands in South China Sea, since ancient times, are China’s territory – chúng tôi nhấn mạnh, HVT)!
Làm sao lòng dân không xót xa khi người đứng đầu trong tập đoàn cầm quyền Bắc Kinh chẳng thèm đếm xỉa gì đến việc TQ trắng trợn cướp Hoàng Sa và một phần Trường Sa của VN rồi, được các đại biểu QH vỗ tay rầm rầm khi ông ta nói đó là chuyện “va chạm” tất nhiên của những láng giềng?
Người ta hay nói, im lặng là đồng ý; đằng này, những âm thanh chát chúa phát ra từ 1.000 bàn tay kia chẳng khác gì coi việc mất đảo, bị đe dọa mất nước là… chuyện nhỏ như cái va chạm vào nhau trên xe… bus!
Tại sao có thể coi là va chạm khi hàng triệu ngư dân bị tấn công, xua đuổi, bị cắt khỏi ngư trường mưu sinh của mình, phải đổ máu, mất mạng, khuynh gia bại sản?
Va chạm là cái gì khi xây đảo nhân tạo rộng đến 240 ha – làm cả thế giới phải hoảng sợ, Hoa Kỳ phải điều tàu chiến đến tuần tra nhằm bảo vệ sự nghiêm minh của luật pháp quốc tế?
Va chạm phải chăng là đồng nghĩa(!) với sự hi sinh của 64 chiến sĩ VNCH tại Hoàng Sa ngày 19.1.1974 và của 74 chiến sĩ QĐND VN ngày 14.3.1988 ở Gạc Ma, Trường Sa?
Thấy nhiều báo đăng ở trang nhất ca ngợi số tiền “viện trợ” 1 tỉ nhân dân tệ mà TQ “cho” VN trong 5 năm mà ai cũng thấy nhục nhã ê chề. Gần 160 triệu USD đó chỉ đủ 1/3 kinh phí mà thành phố Hải Phòng đang đề nghị để xây Trung tâm hành chính (10.000 tỉ đồng) hoặc xây 2 cái tượng đài, quảng trường ở Sơn La (tính cả đội vốn, đương nhiên phải đội).
Người dân không thể hiểu được sao người ta có thể dễ xun xoe đến thế trước cái đồng tiền rẻ mạt có giá ngang một vở hề?
Còn nhớ, cách đây hơn 10 năm, khi các tỉnh Nam Bộ bị bão (chuyện hiếm khi xảy ra), chính phủ TQ đã viện trợ 10.000 USD(!) Xin nhắc lại là mười ngàn USD – tương đương với cái vườn rau trong nhà cán bộ cao cấp (tôi đoan chắc là vẫn còn nhiều người nhớ sự kiện này?).
Tại sao không nghĩ rằng cách cho (mà người Pháp luôn nhấn mạnh là quan trọng hơn cả của cho) là một sự miệt thị công khai? Câu trả lời có ngay:Đoạn đường sắt dài 13km Cát Linh – Hà Đông đội vốn đến 250 triệu USD, có nghĩa là nhiều gấp rưỡi tổng số tiền viện trợ. Nếu VN không chấp nhận, các nhà thầu TQ cứ để cho thủ đô có 13km ngổn ngang vật liệu, sống dở chết dở hết năm này sang năm khác. Rồi, VN phải ngậm bồ hòn kêu ngọt và, Tập ngay lập tức cho VN vay số tiền đó để trả cho người… Trung Hoa!
Còn gì phũ phàng hơn và tàn nhẫn hơn?
Đó là kiểu cách nhà cái cho con bạc vay tiền để chơi tiếp, thua tiếp.
Tất cả tấn trò hài mà Tập diễn ở Hà Nội, được một nhà sử học lừng danh là ông DTQ cho rằng “đáng ghi nhận” (BBC, 6.11.2015, 19:58 ICT), càng làm cho người dân… hốt hoảng hơn. Chẳng lẽ ông Dương Trung Quốc cũng dễ bị lừa thế sao, hay là ông bị phải nói thế cho ý đồ nào đó?
Bởi vì, không thể không hốt hoảng khi chỉ vài chục giờ sau, Tập đã quay ngoắt 180 độ, nói những lời như đâm thẳng vào tim, xé nát cả từng khúc ruột của người dân VN như đã dẫn ở trên.
Qua cầu rút ván; qua truông trật lọ cho khái; miệng nam mô, bụng cả bồ dao găm; ngậm máu phun người…; cả cái kho thành ngữ ấy chỉ là bụi, là hề so với cái trò tung hứng, đảo điên của bá quyền TQ.
Không thể lí giải nổi cái lẽ vì sao “người ta” có thể chịu nổi khi cái sự lá mặt, lá trái; xỏ lá ba que nhãn tiền thế kia?
Trong lịch sử bang giao quốc tế, có khi nào xảy ra trường hợp lời nói chưa kịp thoảng cho gió bay đi đã biến tình hữu nghị thành trò đùa con trẻ như thế hay chưa?
Phải chăng Tập muốn ám chỉ rằng ông ta đã từng nói điều này ở Hà Nội, chỉ có điều người dân nỏ biết, không nghe?
Đến bao giờ “người ta” mới có thể tỉnh ra trước mối nguy – hiểm họa xâm lăng từ Trung Cộng đang làm cả loài người tiến bộ lo ngại?
Nếu không tỉnh thì vận mệnh đất nước còn hơn cả sự ê chề…
Hà Văn Thịnh
Leave a Comment