SAI GON – Hạn hán và tác động của nước biển xâm nhập sâu vào đất liền, sẽ có khoảng 100.000 hecta ruộng khó mà trồng lúa, cho vụ Ðông-Xuân 2015-2016 ở đồng bằng sông Cửu Long.
Theo dự báo của Cục Trồng Trọt thuộc Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn Việt Nam, thì đồng bằng sông Cửu Long hiện có khoảng 620,000 hecta đất trồng lúa. Do hạn hán và tác động của nước biển xâm nhập sâu vào đất liền, khoảng 100.000 hecta ruộng hiện hữu khó mà trồng lúa, ít nhất là trong vụ Ðông-Xuân này.
Khoảng 16% diện tích đất trồng lúa bị ảnh hưởng bởi hạn hán và tác động của nước mặn trải rộng trên nhiều tỉnh ven biển: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.
Ảnh hưởng nặng nhất sẽ là các huyện : Gò Công Ðông, Gò Công Tây, Chợ Gạo, Tân Phú Ðông, thị xã Gò Công (Tiền Giang), Cầu Ngang, Trà Cú, Tiểu Cần, Châu Thành (Trà Vinh), Mỹ Xuyên, Long Phú (Sóc Trăng), Hồng Dân, Phước Long, Giá Rai (Bạc Liêu), An Minh, An Biên, Hòn Ðất (Kiên Giang),…
Cục Trồng Trọt thuộc Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn Việt Nam cảnh báo, nông dân ở những vùng cách cửa biển từ 25 cây số đến 35 cây số sẽ thấy nước mặn tác động đến ruộng của mình từ tháng 1 năm 2016 với nồng độ có thể lớn hơn mức 4 gram/lít. Từ tháng 2 năm 2016 trở đi, những khu vực này sẽ khó có thể lấy nước ngọt từ cửa sông.
Ðến tháng 3 và tháng 4, những vùng cách cửa biển từ 40 cây số đến 65 cây số sẽ thấy nước bị nhiễm mặn với nồng độ 4 gram/lít. Thậm chí những vùng ở xa cửa biển hơn 65 cây số cũng cần cẩn thận vì tác hại của nước mặn khi thủy triều dâng cao.
Trong vài năm gần đây, diễn biến của thời tiết tại Việt Nam được xem là hết sức dị thường.
Riêng năm nay, tại Việt Nam có tất cả 14 đợt nắng, nóng bất thường ở khu vực Tây Nguyên, miền Trung, miền Nam. Nhiệt độ trung bình cao hơn nhiệt độ trung bình nhiều năm từ 0.5 độ C đến 1.5 độ C.
Cũng vì vậy, dẫu chưa hết mùa mưa nhưng tất cả các hồ chứa nước của các nhà máy thủy điện và các công trình thủy điện trên toàn Việt Nam đều thiếu nước.
Leave a Comment