26/10/2015
Hoa Kỳ dự tính đưa chiến hạm hoặc máy bay quân sự vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp trong vài ngày tới đây. Dự tính này mở ra một trận tuyến căng thẳng mới giữa hai kình địch Mỹ-Trung.
Nhiều chuyên gia về an ninh cho rằng các cuộc tuần tra “tự do hải hành” của Hoa Kỳ phải làm thường xuyên thì mới có hiệu quả, trong bối cảnh tham vọng bành trướng quyền lực và ảnh hưởng của Trung Quốc trong vùng biển Đông Nam Á và xa hơn.
Nhưng một số chuyên gia nghĩ rằng Trung Quốc sẽ không để yên cho Hoa Kỳ hoạt động thường xuyên như thế, và do đó gia tăng nguy cơ quân sự và chính trị. Hải quân Trung Quốc có thể tìm cách chặn hoặc bao vây tàu của Hoa Kỳ.
Đây là cuộc tuần tra đầu tiên kể từ 2012 và sau nhiều tháng thời tranh luận về việc này khiến cho nhiều chuyên gia an ninh trong vùng cũng như cựu sĩ quan hải quân nghĩ rằng chính quyền Hoa Kỳ sẽ ngần ngại đi tuần thường xuyên.
Còn đồng minh của Hoa Kỳ như Nhật Bản và Úc thì nhiều phần sẽ không thách thức Trung Quốc như thế tuy họ cũng có quan tâm về việc tự do hải hành dọc theo các tuyến đường giao thương quan trọng.
Ông Ian Storey, chuyên gia về biển Đông tại Học Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á của Singapore nhận định rằng, “Đây không thể là chuyện làm một lần. Hải quân Hoa Kỳ phải thường xuyên thực hiện các cuộc tuần tra như thế thì mới củng cố thông điệp của họ.”
Chính quyền Obama tuyên bố sẽ thử thách chủ quyền Trung Quốc giành lấy sau nhiều tháng trời bị Quốc Hội và quân đội Hoa Kỳ áp lực. Tuy nhiên họ không cho biết khung thời gian. Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tuyên bố với phóng viên vào hôm thứ Hai là, “Tôi nghĩ là chúng tôi đã nói rất rõ – chúng tôi sẽ tiến hành việc này.”
Bộ Ngoại Giao Trung Quốc lên tiếng rằng Bắc Kinh “sẽ không để cho bất cứ quốc gia nào xâm phạm hải phận và không phận của Trung Quốc trong vùng đảo Trường Sa dưới danh nghĩa bảo vệ hải hành và bay ngang.
Theo Công Ước Luật Biển của Liên Hiệp Quốc thì hải phận 12 hải lý không áp dụng cho các đảo nhân tạo được dựng trên các bãi san hô ngầm.
Bốn trong số bảy bãi san hô mà Trung Quốc cải tạo trong vòng hai năm qua hoàn toàn ở dưới mặt nước khi thủy triều lên.
“VÙNG CẤM ĐI LẠI”
Bonnie Glaser, chuyên gia an ninh của Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Tế và Chiến Lược tại Washington thì nghĩ rằng các cuộc tuần tra của Hoa Kỳ sẽ thường xuyên, vì hải quân không muốn họ bị cấm cản qua lại vùng này. Bà cho rằng, “Tôi biết là Hoa Kỳ không muốn chuyện đó xảy ra. Không ai muốn để cho Trung Quốc có một vùng cấm đi lại và một lãnh hải không thuộc chủ quyền của họ.” Bà nghĩ là Trung Quốc sẽ cẩn trọng trong việc can thiệp vào cuộc tuần tra của Hoa Kỳ.
Myles Caggins, phát ngôn nhân của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, toà Bạch Ốc, từ chối lên tiếng khi được hỏi là việc phô diễn sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ mang tính chất biểu kiến hơn là có thực chất trừ khi có nỗ lực tuần tra thường xuyên, hoặc chính quyền có tính đến việc Trung Quốc lấn lướt tới.
Ông nói rằng suy nghĩ của Hoa Kỳ được Tổng thống Obama nói rõ trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch nước Tập Cận Bình tại Washington hồi tháng rồi, “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đi trên biển, bay trên không và hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép.”
“LEO THANG NGUY HIỂM”
Mặc dầu các tiền đồn đảo của Trung Quốc được xem là dễ bị tấn công nếu có xảy ra chiến tranh, nhưng cho tới khi chuyện đó xảy ra thì các căn cứ này cho phép Bắc Kinh nới rộng các hoạt động dân sự, như đánh cá, thăm dò dầu hỏa, cũng như đi tuần tra quân sự. Đã có một đường bay xây xong và hai đường bay khác đang được xây cất.
Zhang Baohui, chuyên gia an ninh Trung Quốc tại đại học Lingnan ở Hồng Kông e ngại “leo thang nguy hiểm”, vì Trung Quốc nhiều phần sẽ phản ứng với nỗ lực đi tuần thường xuyên của Hoa Kỳ.
Zhang cho rằng thay vì nhìn vấn đề là tự do hải hành, Bắc Kinh sẽ nhìn thấy sự tranh giành quyền lực. Ông nói, “tất cả là vì quyền lực, và chính vì thế mà khiến cho sự việc trở nên nguy hiểm.” Ông nói thêm là Trung Quốc chưa bao giờ chính thức tuyên bố hải phận 12 hải lý quanh các đảo nhân đạo, do đó việc biểu dương lực lượng của Hoa Kỳ là vội vã.
Sam Bateman, cố vấn của Học Viện Quốc Tế S. Rajaratnam của Singapore và là cựu sĩ quan hải quân Úc, cũng lưu ý đến việc Trung Quốc chưa tuyên bố chính thức. Ông nói thêm là Washington có thể đánh giá thấp nỗi lo của Trung Quốc bị bao vây trong vùng biển Đông. “Có mối nguy thật sự xảy ra xung đột giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ mà Hoa Kỳ có thể phải rút lui.” Ông Bateman nhận định như thế và khuyến cáo cần thêm ngoại giao thay vào đó.
“Tôi không chắc là ngón đòn chót của họ là gì.”
Hoàng Thuyên lược dịch
Leave a Comment