Qua sự kiểm tra, hiện nay các hồ chứa nằm rải rác khắp miền Trung, Tây Nguyên, đang hư hỏng nghiêm trọng, được ví như những quả “bom nước” treo lơ lửng trên đầu người dân, khi mùa mưa lũ đến.
Cụ thể, hồ chứa Ðá Vàng ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Ðịnh, nằm cheo leo giữa vùng đồi núi, được xây hơn 23 năm với dung tích nước 450 triệu mét khối. Do không được tu bổ nên từ lâu, hồ đã hư hỏng nghiêm trọng. Nền và vai trái đập bị thấm; phần mái hạ lưu xuất hiện vùng trượt ở giữa với chiều dài 50 mét; tràn xả lũ tự do, không kiểm soát được việc tích nước và xả lũ. Hiện tượng này là nỗi ám ảnh của hơn 200 hộ dân sống vùng hạ lưu mỗi khi mùa mưa lũ đến
Theo ông Phan Trọng Hổ, giám đốc Sở Nông Nghiệp tỉnh Bình Ðịnh, tỉnh này có khoảng 45 trong số 161 hồ chứa đang trong tình trạng tương tự, cần được nâng cấp, tu bổ khẩn cấp. Ngoài ra, còn có khoảng 130 đập đất chưa đáp ứng tiêu chuẩn phòng chống lũ.
Tại tỉnh Ninh Thuận hiện có 20 hồ chứa nước với tổng dung tích trên 192 triệu mét khối. Tuy nhiên, hiện có ít nhất 5 hồ đang hư hỏng một số hạng mục quan trọng. Riêng tỉnh Khánh Hòa, theo Chi Cục Thủy Lợi cho biết, toàn tỉnh có 28 hồ chứa nước, trong đó có 14 hồ chạm ngưỡng mực nước chết. Nhiều hồ được xây dựng cách đây hơn 30 năm nên đang hư hỏng nghiêm trọng.
Tương tự, tại tỉnh Kon Tum, qua kiểm tra 524 hồ thủy lợi, các cơ quan chức năng đã kết luận một số đập đất có vết nứt, xói lở mái hạ lưu, biến dạng phần lát đá, hư hỏng ở phần thân cống, dàn van đóng mở và hệ thống đóng mở rò rỉ, gây nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ.
Tại tỉnh Gia Lai , ông Nguyễn Văn Lương, chi cục trưởng Chi Cục Thủy Lợi cũng cho biết, toàn tỉnh có 112 hồ đập thủy lợi bị hư hỏng. Trong số này có 8 hồ thủy lợi lớn bị hư hỏng nặng.
Leave a Comment